27/12/2024

Coi chừng lọt ‘bẫy sắc đẹp’ của các ‘thẩm mỹ viện’, ‘viện thẩm mỹ’

Coi chừng lọt ‘bẫy sắc đẹp’ của các ‘thẩm mỹ viện’, ‘viện thẩm mỹ’

Các biển hiệu “thẩm mỹ viện”, “viện thẩm mỹ”… gắn tại nhiều toà nhà sang trọng làm cho người có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp lầm tưởng đây là những cơ sở y tế có chuyên môn cao, có thể thực hiện tất cả kỹ thuật thuộc chuyên khoa thẩm mỹ.

Coi chừng lọt bẫy sắc đẹp của các thẩm mỹ viện, viện thẩm mỹ - Ảnh 1.

“Viện thẩm mỹ Janhee” và “Nha khoa Janhee” trên cùng một địa chỉ cung cấp dịch vụ chăm sóc da và phẫu thuật thẩm mỹ không phép trên địa bàn quận 3 – Ảnh: Sở Y tế TP.HCM cung cấp

Nhưng sự thật ra sao?

Đăng ký tên doanh nghiệp không được nhập nhằng giữa cơ sở dịch vụ và bệnh viện, không dùng tên riêng của các bệnh viện để đặt tên cho các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Việc này nhằm mục đích giúp người dân dễ dàng nhận biết được đâu là các loại hình dịch vụ, đồng thời giúp các cơ quan quản lý có thêm cơ sở pháp lý để lấp những kẽ hở, không để các cơ sở dịch vụ không thuộc lĩnh vực y tế lấn sân sang lĩnh vực y tế và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép như thời gian qua.

PGS TĂNG CHÍ THƯỢNG

“Viện thẩm mỹ Hà Nội” nằm chui trong “khu đô thị kiểu mẫu” Cityland Park Hills trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp, TP.HCM).

Chưa có chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ theo quy định nhưng phía sau cánh cửa của cơ sở này khiến cơ quan chức năng bất ngờ, bởi hệ thống giường lưu bệnh, đèn phẫu thuật và các trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc.

Đặc biệt, “viện thẩm mỹ” chui này còn được phát hiện có treo các panô quảng cáo đào tạo nâng cao cho bác sĩ, y tá các dịch vụ cắt mí, nâng mũi, tiêm filler…

Tay ngang làm đẹp ở “viện thẩm mỹ”

Thực trạng các cơ sở thẩm mỹ “chui” đội lốt “viện thẩm mỹ”, “thẩm mỹ viện”, “trung tâm thẩm mỹ” hoạt động ngày một sôi động ở các thành phố lớn.

Dưới vỏ bọc này, cộng các chiêu thức quảng cáo lôi cuốn, người có nhu cầu dễ “lạc vào mê cung” của các “tay ngang” làm đẹp. Thống kê từ đầu tháng 3 đến nay đã có trên 20 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trá hình ở TP.HCM được ngành y tế phối hợp với lực lượng công an “đột kích” phát hiện.

Mang tên “Viện thẩm mỹ quốc tế Mộc Trà” (Q.11, TP.HCM) nhưng giới hạn nghề nghiệp được cấp phép của cơ sở này chỉ là thẩm mỹ chăm sóc da. Dù chỉ được chăm sóc da nhưng cơ sở này đã đánh lận con đen “lấn sân” thực hiện các phẫu thuật thẩm mỹ trái phép.

Cuộc kiểm tra đột xuất của cơ quan chức năng gần đây cho thấy cơ sở này được trang bị hệ thống phẫu thuật khép kín với các phòng, giường và đèn phẫu thuật.

Không chỉ thế, nơi đây như một “bệnh viện thu nhỏ” khi có đầy đủ các loại thuốc kháng sinh, thuốc tê, máy monitor theo dõi sinh hiệu, nồi hấp thanh trùng, máy hút đàm nhớt, bình oxy, rác thải phẫu thuật, trang thiết bị y tế khác…

“Tại phòng vệ sinh của cơ sở này còn có 1 bình thủy tinh hút dịch bên trong có chứa máu đỏ tươi khoảng 15ml, trên labo có dụng cụ phẫu thuật đã qua sử dụng. Ngoài ra chúng tôi ghi nhận cơ sở này còn có các quảng cáo khám chữa bệnh và các hợp đồng phẫu thuật thẩm mỹ” – một cán bộ đoàn kiểm tra nói.

Mới đây cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện “Viện thẩm mỹ Janhee” và “Nha khoa Janhee” trên cùng một địa chỉ ở quận 3 nhưng cung cấp các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ không phép.

Hoặc như “Viện thẩm mỹ 792 C-R” hoạt động không phép trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình). Với tên “rất kêu”, cơ sở này thu hút sự quan tâm của người đến làm đẹp.

Thời điểm kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện có nhiều khách hàng đang chờ “làm đẹp”, trong đó đang có 4 khách hàng thực hiện dịch vụ phun môi, phun lông mày, trị sẹo, tế bào gốc, lăn kim, tiêm sẹo lồi, cấy collagen, trị chàm…

Đoàn kiểm tra còn phát hiện có một lượng cơ số thuốc sát trùng, kháng sinh, dịch truyền rất lớn đựng trong các thùng hoặc đã phân theo bịch nhưng chủ cơ sở không cung cấp được hóa đơn, chứng từ, xuất xứ nguồn gốc.

Nhiều người bị “lọt bẫy” do lầm tưởng

PGS Tăng Chí Thượng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng tăng cao, đặc biệt ở giới nữ ở độ tuổi từ 18-50. Mặt khác, làm đẹp bây giờ đủ mọi thành phần từ người có thu nhập cao đến người có thu nhập thấp, từ người có trình độ học vấn cao đến người lao động bình thường…

Và để đáp ứng nhu cầu có thật này, ngày càng có nhiều cơ sở cung cấp các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp và thẩm mỹ xuất hiện.

Theo thống kê, chỉ riêng trên địa bàn TP.HCM hiện có 19 bệnh viện thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 212 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và chỉ có 21 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (xăm, phun thêu) đã công bố trên cổng thông tin Sở Y tế TP.

Trong khi đó, có khoảng 2.000 cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng. “Nhưng không phải tất cả cơ sở cung ứng các dịch vụ làm đẹp đều thuộc sự quản lý của ngành y tế”, bác sĩ Thượng nhấn mạnh.

Việc phân biệt các cơ sở này với nhau hiện rất khó, bởi hầu hết đều chọn biển hiệu với các tên hoành tráng như “thẩm mỹ viện”, “viện thẩm mỹ”, “trung tâm thẩm mỹ”, hay tên một số doanh nghiệp “công ty TNHH bệnh viện…” trong giấy phép kinh doanh dễ làm cho người dân bị lầm tưởng đây là những cơ sở y tế có chuyên môn cao, có thể thực hiện tất cả kỹ thuật thuộc chuyên khoa thẩm mỹ.

“Đây cũng chính là một trong những kẽ hở để các cơ sở dịch vụ không thuộc lĩnh vực y tế lấn sân sang lĩnh vực y tế và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép”, ông Thượng khẳng định.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Thượng, là do chưa có quy định về đặt tên biển hiệu đối với các cơ sở làm đẹp nên rất khó biết cơ sở nào là dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (không thuộc lĩnh vực y tế); cơ sở nào là dịch vụ thẩm mỹ (gửi văn bản thông báo về Sở Y tế trước khi hoạt động) và cơ sở nào là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (thuộc Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và danh mục kỹ thuật).

Và để tránh sự nhầm lẫn này, ông Thượng cho rằng rất cần bổ sung các quy định về tên biển hiệu và tên doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ thẩm mỹ, chuyên khoa thẩm mỹ.

“Chiêu” dùng tên bệnh viện đặt tên cho phòng khám

Bệnh viện Chợ Rẫy nhiều năm qua khá đau đầu trước việc bị một số đối tượng lợi dụng sử dụng tên tuổi của đơn vị để đặt tên cho phòng khám, công ty. Đặc biệt trên các trang Facebook, fanpage các đối tượng còn đăng tải nhiều thông tin quảng cáo các dịch vụ thẩm mỹ gây hiểu lầm cho người dân.

Ngoài các “Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy Sài Gòn”, “Khoa phẫu thuật thẩm mỹ viện Chợ Rẫy” đang “làm mưa làm gió” tại TP.HCM, ở miền Tây cơ sở thẩm mỹ phẫu thuật “chui” lấy tên “Chợ Rẫy – cơ sở Cần Thơ” đã khiến nhiều người lầm tưởng tìm đến phẫu thuật.

Mới đây ngày 16-3, cơ sở này bị thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng do cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động.

Ông Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – khẳng định đây là hành vi giả mạo, sử dụng thương hiệu, uy tín bệnh viện này để đánh lừa người dân. Đơn vị đã rất nhiều lần gửi đơn đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh xử lý nhưng đến nay vẫn tái diễn.

HOÀNG LỘC
TTO