23/12/2024

‘Trần ai’ dạy văn hoá trong trường nghề

‘Trần ai’ dạy văn hoá trong trường nghề

Dù cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên đủ chất và lượng, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) vẫn sẽ không được độc lập dạy văn hoá mà phải phối hợp cùng các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX).

 

Trần ai dạy văn hóa trong trường nghề - Ảnh 1.

Học sinh hệ 9+ của Trường CĐ nghề Quốc tế TP.HCM trong một tiết học – Ảnh: NHƯ HÙNG

Vừa qua, Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội Các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế – kỹ thuật đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về việc giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT trong các cơ sở GDNN.

Nơi bị động, chỗ bối rối

Từ năm 2008, Trường CĐ Lilama 2 (Đồng Nai) đẩy mạnh đầu tư nhân lực, phòng ốc và được Sở GD-ĐT Đồng Nai cho phép giảng dạy chương trình văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học nghề để thi tốt nghiệp THPT (hệ 9+).

Tới nay, khoa khoa học cơ bản của trường có hơn 50 giáo viên, 20 phòng học, phục vụ cho khoảng 1.500 học sinh theo hệ này.

Trang bị đầy đủ như thế nhưng từ năm học 2021 – 2022, trường lại phải phối hợp cùng Trung tâm GDTX huyện Long Thành mới có thể dạy văn hóa cho chính học sinh của mình.

Lý do là vì công văn ngày 31-7-2020 của Bộ GD-ĐT quy định với người học do các cơ sở GDNN tuyển sinh học trung cấp nghề có nguyện vọng học chương trình GDTX để thi tốt nghiệp THPT thì các đơn vị này phải phối hợp với các cơ sở GDTX để tổ chức giảng dạy.

Theo chủ trương này, nhiều địa phương đã có văn bản yêu cầu các cơ sở GDNN dừng tuyển lớp 10 GDTX cấp THPT từ năm học 2021 – 2022 tới đây.

Mới nhất vào giữa tháng 3, Sở GD-ĐT Thanh Hóa có văn bản yêu cầu từ năm sau các cơ sở GDNN sẽ không thực hiện tuyển sinh vào lớp 10 GDTX cấp THPT.

Trái lại, không ít trung tâm GDTX cũng bối rối khi sắp tới sẽ cáng đáng học sinh các trường nghề. Theo tìm hiểu của phóng viên, không ít trung tâm GDTX “thua thiệt” với trường nghề cả về cơ sở vật chất, lực lượng giảng dạy.

Phó giám đốc sở GD-ĐT một tỉnh phía Nam cho biết có trung tâm GDTX trong tỉnh chỉ có vỏn vẹn 10 giáo viên cơ hữu. “Trường này còn phải hợp đồng với giáo viên THPT về dạy cho học sinh của mình, làm sao dạy cho trường nghề cả ngàn học sinh?” – vị này nói.

Trường đủ năng lực thì cho phép dạy

Hiện nay, các trường nghề chỉ được “độc lập” dạy chương trình văn hóa (4 môn) song song với đào tạo nghề, nhưng học sinh theo hướng này chỉ có thể được liên thông trong khối GDNN, không được dự thi tốt nghiệp THPT. Trường hợp muốn dự thi tốt nghiệp THPT phải học chương trình GDTX cấp THPT (7 môn).

Chẳng hạn ở Bến Tre, TS Nguyễn Văn Huấn – hiệu trưởng Trường CĐ Bến Tre – cho biết trường có khoa khoa học cơ bản dạy văn hóa cho các em trung cấp muốn liên thông lên CĐ.

Riêng những học viên muốn học chương trình GDTX để thi tốt nghiệp THPT phải tự đăng ký học thêm ở trung tâm GDTX. Nhà trường dạy văn hóa 4 môn toán, văn, lý và hóa, trong khi nếu theo chương trình GDTX cần thêm 3 môn sinh, sử, địa.

Ở TP.HCM, các trường đã chủ động phối hợp từ nhiều năm nay. ThS Nguyễn Đăng Lý – hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế – chia sẻ phụ huynh gửi con vào trường nghề học hệ 9+, tức đặt niềm tin vào khả năng dạy văn hóa của nhà trường chứ không phải một bên thứ ba nào khác. Chuyện dạy văn hóa được trường và trung tâm GDTX “chia lửa” về nội dung, nhân lực.

Còn TS Nguyễn Khánh Cường, hiệu trưởng Trường CĐ Lilama 2, cho biết trước mắt trường và Trung tâm GDTX huyện Long Thành sẽ linh hoạt hợp tác để tránh lãng phí nguồn lực giáo viên và cơ sở vật chất.

Học sinh vẫn được học với giáo viên của trường, tại nhà trường, còn Trung tâm GDTX hỗ trợ chủ yếu về quản lý hồ sơ học sinh, điểm số.

TS Cường mong muốn các cơ sở GDNN có thể nhận được sự đồng ý chính thức của Bộ GD-ĐT về việc nếu đủ điều kiện sẽ triển khai chương trình GDTX cấp THPT.

Theo đó, bộ cần có thông tư hướng dẫn rõ ràng về các tiêu chí đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị… để các trường nghề đủ lực “độc lập” dạy GDTX có thể đáp ứng.

Đồng tình, ThS Nguyễn Đăng Lý kiến nghị với các trường nghề đủ điều kiện dạy chương trình GDTX cho học sinh trung cấp thì Bộ GD-ĐT nên cho phép. Khi đó, Bộ GD-ĐT sẽ là bên quản lý về mặt chuyên môn như với các trung tâm GDTX và điều này không khó.

Vẫn chờ

Theo chỉ thị 24/CT-TTg ngày 28-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất là quý 3-2020, Bộ GD-ĐT cần ban hành “Thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT”.

Ông Đỗ Văn Giang – phó vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN – cho hay từ đầu năm 2020 tổng cục đã nghiên cứu đề xuất các nội dung liên quan gửi Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) tham khảo.

Tuy nhiên, đến nay (ngày 26-3), Bộ LĐ-TB&XH vẫn chưa nhận được văn bản của Bộ GD-ĐT về nội dung dự thảo thông tư.

“Để nhanh chóng tổ chức, triển khai được việc thực hiện quy định của Luật giáo dục liên quan đến việc ban hành kiến thức văn hóa THPT và xác nhận hoàn thành chương trình văn hóa THPT của các cơ sở GDNN, tổng cục mong muốn Bộ GD-ĐT sớm ban hành nội dung văn bản này” – ông Giang nói.

2 mục tiêu trong 3 năm: rất khó!

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), việc dạy và học trong các cơ sở GDNN cùng lúc để hoàn thành 2 mục tiêu là giỏi nghề và thi tốt nghiệp THPT trong chỉ 3 năm là rất khó đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, các môn văn hóa trong trường nghề cần có điểm khác biệt với trong chương trình phổ thông hay GDTX.

Chẳng hạn, những môn toán, lý, hóa ở trường nghề cần gắn với nghề nghiệp cụ thể mà các bạn đang theo học như điện, cơ khí… chứ không dừng lại ở lý thuyết thuần túy.

TRỌNG NHÂN
TTO