23/12/2024

Ngủ thế nào cho đúng để sáng dậy tỉnh táo đi làm?

Ngủ thế nào cho đúng để sáng dậy tỉnh táo đi làm?

Thức dậy vào buổi sáng với trạng thái tỉnh táo, khỏe khoắn để đi học, đi làm là điều mong muốn của nhiều người. Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được điều này nếu thay đổi một số thói quen ngủ.
Nếu muốn thức dậy tỉnh táo vào lúc 6 giờ sáng thì hãy ngủ vào lúc 22 giờ 16 phút hay 23 giờ 16 phút /// Ảnh minh họa: Shutterstock
Nếu muốn thức dậy tỉnh táo vào lúc 6 giờ sáng thì hãy ngủ vào lúc 22 giờ 16 phút hay 23 giờ 16 phút ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Khoa học đã phát hiện những quy tắc cơ bản là giấc ngủ là chúng ta mỗi đêm sẽ trải qua từ 5 đến 6 chu kỳ giấc ngủ, mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 90 phút. Ngủ đủ 5 đến 6 chu kỳ sẽ giúp cơ thể phục hồi sau ngày dài hoạt động, theo Mirror.
Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại rất bận rộn nên không phải lúc nào chúng ta cũng được ngủ đủ 5 đến 6 chu kỳ mỗi đêm. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không thể có một đêm ngon giấc.
Nếu bạn muốn thức dậy với cảm giác khỏe khắn, không mệt mỏi thì phải thức vào thời điểm vừa kết thúc một chu kỳ giấc ngủ. Ví dụ, nếu bạn muốn thức dậy vào 6 giờ sáng thì phải ngủ vào lúc 20 giờ 46 phút hoặc 22 giờ 16 phút tối hôm trước.
Nếu chúng ta ngủ vào lúc 20 giờ 46 phút thì sẽ mất khoảng 14 phút, tức đến 21 giờ, để chìm vào giấc ngủ. Giấc ngủ sẽ kéo dài 9 tiếng, từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Khoảng thời gian 9 tiếng này bằng 6 chu kỳ giấc ngủ. Tương tự, nếu bạn ngủ vào 22 giờ 16 phút, thức dậy vào 6 giờ sáng thì sẽ trải qua 5 chu kỳ giấc ngủ.
Nếu vì lý do nào đó không thể ngủ sớm nhưng vẫn muốn thức dậy tỉnh táo vào lúc 6 giờ sáng thì hãy bắt đầu lên giường vào lúc 23 giờ 16 phút hoặc 1 giờ 16 phút sáng, tức lần lượt ngủ được 4 và 3 chu kỳ giấc ngủ một đêm.
“Có một giấc ngủ ngon rất quan trọng vì điều này thực sự có thể ảnh hưởng đến hoạt động của não vào ngày hôm sau”, Mirror dẫn lời chuyên gia giấc ngủ người Anh Lucy Askew.
Giấc ngủ ngon giúp cải thiện năng suất làm việc, học tập, tăng cường khả năng tập trung và chức năng nhận thức. Tình trạng thiếu ngủ kéo dài sẽ gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe, trong đó có việc khiến da dễ bị mụn và đẩy nhanh quá trình lão hóa, bà Askew giải thích thêm.
Nếu kéo dài, thiếu ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém còn làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao, tiểu đường và đau tim. Một số nghiên cứu còn cho thấy mất ngủ còn dễ dẫn đến trầm cảm, theo Mirror.
NGỌC QUÝ
TNO