Người dân TP.HCM có thể báo cháy trên điện thoại di động qua ‘Help 114’
Người dân TP.HCM có thể báo cháy trên điện thoại di động qua ‘Help 114’
Ứng dụng báo tin sự cố cháy nổ và cứu hộ cứu nạn – Help 114 của Phòng cảnh sát PCCC và CNCH (PC07) Công an TP.HCM định vị được cuộc gọi, giúp tăng cường hiệu quả trong việc triển khai chữa cháy.
Đây là đề tài khoa học của PC07 phối hợp với các chuyên gia về công nghệ nghiên cứu phát triển từ năm 2018, đưa vào hoạt động từ cuối năm 2020.
Người dân sinh sống và làm việc tại TP.HCM có thể dễ dàng vào ứng dụng Stores trên điện thoại iPhone và CH Play trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android để tìm ứng dụng bằng tên “Help 114”, tải và cài đặt.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng – phó trưởng PC07 – cho biết người dân bấm vào nút 114 thì vị trí của người bấm sẽ hiển thị ngay trên bản đồ cả kinh độ, vĩ độ và lực lượng xác định được các trụ nước, đơn vị cấp cứu, công an… trong phạm vi bán kính 5km, 10km, 30km.
Đơn vị đã nạp vào 7.800 trụ nước ở TP.HCM trên hệ thống để khi lực lượng cứu hỏa có mặt sẽ dễ dàng lấy nước chữa cháy. Khi nhận được thông tin người dân báo cháy, lực lượng sẽ phát tới tất cả người dân dùng ứng dụng để có thể phòng tránh hoặc đến hỗ trợ.
Hiện mỗi ngày đơn vị nhận được gần 1.000 tin báo cháy nổ, sự cố thông qua ứng dụng Help 114.
Theo đại tá Huỳnh Quang Tâm – trưởng PC07, khi có ứng dụng Help 114, lực lượng chữa cháy có thể xác minh được ngay thông tin báo sự cố là thật hay giả, nếu là giả thì có thể báo vị trí của người gây rối cho công an địa phương xử lý.
Ngoài ra, trung tâm chỉ huy cũng có cơ chế ngăn không cho số điện thoại này được cài đặt ứng dụng nếu việc phá rối lặp đi lặp lại nhiều lần.
Không tự ý đốt cỏ, rác khi chưa tạo khoảng cách an toàn
Để đề phòng cháy lan, cháy lớn từ việc cháy cỏ, rác, Cảnh sát PCCC TP.HCM khuyến cáo người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc đốt cỏ, đốt rác dọn dẹp vệ sinh môi trường, tuyệt đối không tự ý đốt rác tại các khu vực có nhiều cỏ, lau sậy khi chưa thu gom, tạo khoảng cách an toàn với các công trình xung quanh.
Tuyệt đối không được đốt vào buổi trưa hoặc lúc có gió lớn, không chủ quan đốt mà không có sự giám sát, chưa chuẩn bị các điều kiện kiểm soát chống cháy lan, không đốt đồng loạt trên diện tích lớn nhằm có thể kiểm soát, không để cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.