24/12/2024

ĐHY Tổng trưởng Bộ Tu sĩ: Tu sĩ là chứng tá sự thiện mỹ của Thiên Chúa

ĐHY Tổng trưởng Bộ Tu sĩ: Tu sĩ là chứng tá sự thiện mỹ của Thiên Chúa

Các tu sĩ tham dự Thánh lễ Ngày Đời sống Thánh hiến (Vatican Media)

Trong thư gửi các tu sĩ nam nữ nhân dịp kỷ niệm 25 năm Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành Tông huấn Đời sống Thánh hiến, Đức Hồng y João Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ Tu sĩ, khuyến khích các tu sĩ làm chứng cho sự cao đẹp của Chúa Kitô bằng sự phục vụ vui tươi của mình.

Thiện mỹ là một trong những đặc tính của Thiên Chúa. “Nếu Thiên Chúa là sự thiện mỹ và Chúa Giêsu là Đấng toàn mỹ nhất giữa con cái loài người thì việc được thánh hiến cho Chúa là điều tốt đẹp. Tu sĩ được kêu gọi làm chứng tá cho sự thiện mỹ của Thiên Chúa.” Đức Hồng y Braz de Aviz nhận định: “Trong một thế giới có nguy cơ chìm vào sự tàn bạo đáng lo ngại, via pulchritudinis (con đường của vẻ đẹp) dường như là cách duy nhất để đi đến sự thật hoặc làm cho nó trở nên đáng tin cậy và hấp dẫn.”

Trong thư, Đức Hồng y cảm ơn các tu sĩ đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa và ngài bày tỏ tình liên đới với họ “trong gian khổ và chịu đựng” không chỉ vì đại dịch mà cả trong những biến cố thường ngày của cộng đồng dân sự và xã hội, và mời gọi họ trở thành các chứng nhân để đánh thức ý nghĩa hy vọng nơi tất cả mọi người.

Đời sống thánh hiến quan trọng đối với sứ mạng của Giáo hội

Đức Hồng y Braz de Aviz nhắc lại rằng trong Tông huấn Đời sống Thánh hiến, được ban hành năm 1996, các nghị phụ của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ IX, nhiều lần khẳng định rằng “đời sống thánh hiến nằm ở trung tâm của Giáo Hội như một yếu tố quyết định đối với sứ mạng của Giáo Hội”.

Dù tông huấn được ban hành trong thời kỳ vô cùng bất ổn, và thiếu sự dấn thân, tài liệu xác định chắc chắn căn tính của đời sống thánh hiến là “một biểu tượng của Chúa Kitô biến hình”. Do đó, Đức Hồng y kêu gọi các tu sĩ kết hợp chiều kích thần linh và con người trong việc phục vụ hàng ngày, kết hợp giữa “sự thiện mỹ tuyệt vời cần được chiêm ngưỡng và sự nghèo nàn đau khổ cần được phục vụ”.

Tương quan

Từ đó, Đức Hồng y suy tư về đặc tính trung tâm của “mối tương quan” trong đời thánh hiến. Trước hết, đời sống thánh hiến được hình thành trong và nhờ sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi và nó hướng các tu sĩ tìm kiếm “sự thánh thiện của cộng đoàn: không phải của những người cô độc hoàn hảo, nhưng của những tội nhân nghèo, những người hàng ngày chia sẻ và trao cho nhau lòng thương xót và sự hiểu biết”.

Có cùng những tình cảm của Chúa Giêsu

Tiếp đến, Đức Hồng y lưu ý rằng Tông huấn Đời sống Thánh hiến trình bày một “yếu tố mới” trong việc huấn luyện đào tạo các tu sĩ. Việc đào tạo trong đời sống tu trì nhắm giúp con người “có cùng những tình cảm của chính Chúa Con, Đấng vâng phục, Người Tôi Tớ đau khổ, Con Chiên vô tội”. Ngài nói: “Người Kitô hữu chúng ta tin vào một Thiên Chúa nhạy cảm: Người nghe tiếng kêu rên của kẻ bị áp bức và lắng nghe lời van xin của bà goá; đau khổ với con người và vì con người. Chúng ta muốn tin rằng đời sống thánh hiến, với nhiều đặc sủng, chính là biểu hiện của sự nhạy cảm này.” (CSR_2130_2021)

Hồng Thuỷ