24/12/2024

Sổ hộ khẩu nào thu hồi từ 1-7? Người dân đang lo gì?

Sổ hộ khẩu nào thu hồi từ 1-7? Người dân đang lo gì?

Từ 1-7, khi người dân thay đổi thông tin về cư trú, cơ quan chức năng sẽ thu hồi sổ hộ khẩu và cập nhật thông tin mới vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

 

Sổ hộ khẩu nào thu hồi từ 1-7? Người dân đang lo gì? - Ảnh 1.

Người dân làm thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử tại Phòng cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội Công an TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

Bộ Công an vừa ra văn bản giới thiệu một số nội dung cơ bản và điểm mới của Luật cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021. Một trong những nội dung đáng chú ý của luật này là khi người dân có thay đổi thông tin về cư trú, cơ quan công an sẽ thu hồi sổ hộ khẩu và cũng không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Sổ đã cấp có giá trị đến hết 31-12-2022

Theo Bộ Công an, từ ngày 1-7 sẽ bỏ toàn bộ các quy định về thủ tục cấp đổi, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu. Những sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp vẫn được sử dụng và có giá trị cho đến hết ngày 31-12-2022. Nếu thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Khi người dân đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì công an có trách nhiệm cập nhật vào cơ sở dữ liệu, đồng thời thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và không cấp mới các loại sổ này.

Cũng theo Bộ Công an, Luật cư trú năm 2020 quy định thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý bằng công nghệ thông tin.

Theo đó, cảnh sát quản lý cư trú sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân (số căn cước công dân) để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thông tin về nơi thường trú của mỗi công dân là dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.

“Việc đổi mới phương thức quản lý này giúp người dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng”, một lãnh đạo Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (gọi tắt là Cục Pháp chế, Bộ Công an) cho biết.

Đến ngày 1-7, Bộ Công an sẽ hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giai đoạn 2. Hệ thống này sẽ tập hợp thông tin cơ bản như họ tên, giới tính, quê quán, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số định danh cá nhân của tất cả công dân Việt Nam. Do đó, từ ngày 1-7 người dân có thể không cần cầm sổ hộ khẩu giấy đi giao dịch. Thậm chí người dân có thể ngồi tại nhà khai báo thủ tục cư trú trực tuyến.

Không thu hồi đồng loạt

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Pháp chế cho biết chỉ những trường hợp có thay đổi, cập nhật thông tin mới thu hồi sổ hộ khẩu đã cấp, chứ không phải thu hồi đồng loạt. “Chỉ thu sổ hộ khẩu khi người dân đến làm các thủ tục về đăng ký cư trú và thấy các thông tin không chính xác, chứ không phải người dân tự nguyện mang sổ đến nộp.

Ví dụ ông A có hộ khẩu ở quận B, nhưng khi ông A đến đăng ký chuyển sang một địa chỉ khác, khi đó thông tin trong sổ hộ khẩu về nơi thường trú không đúng thì trong quá trình làm thủ tục công an sẽ thu hồi sổ hộ khẩu đó” – vị lãnh đạo này giải thích.

Cũng theo lãnh đạo Cục Pháp chế, sau khi thu hồi sổ hộ khẩu, người dân đi làm thủ tục hành chính sẽ không bị ảnh hưởng gì vì mọi thông tin cá nhân đã có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ quan chức năng sẽ sử dụng thông tin trên cơ sở dữ liệu này. Bộ Công an đang xây dựng các văn bản báo cáo với Chính phủ về việc công dân được quyền khai thác thông tin của mình từ cơ sở dữ liệu cư trú thông qua số định danh cá nhân của họ.

“Người dân có số định danh cá nhân thì họ khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu cư trú thông qua số định danh đó và có thể khai thác trên cổng thông tin dịch vụ công, các hình thức khác như tin nhắn hoặc gửi văn bản yêu cầu cơ quan công an cung cấp” – lãnh đạo Cục Pháp chế cho hay.

Bỏ điều kiện thường trú riêng tại TP trực thuộc trung ương

Bộ Công an đánh giá việc thực hiện quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại TP trực thuộc trung ương thời gian qua chưa thực sự hiệu quả vì chỉ hạn chế được lượng người đăng ký thường trú chứ không ngăn được người dân đến lao động, học tập, sinh sống tại các đô thị lớn.

Trái lại, việc đặt ra các điều kiện riêng này làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân, tác động đến quyền, lợi ích của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các TP lớn chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú.

Do đó, Luật cư trú năm 2020 đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc trung ương. Việc đăng ký thường trú tại các tỉnh, TP là như nhau và được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Cần thông tin thêm cho dân an tâm

Dù khấp khởi mừng khi sắp “thoát” sổ hộ khẩu nhưng nhiều người dân lại lo không biết sẽ lấy gì chứng minh cho những thông tin cá nhân khi sổ hộ khẩu đã bị thu hồi.

Theo luật sư Hà Hải – phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, những nỗi lo của người dân về khả năng gặp rắc rối sau khi sổ hộ khẩu bị thu hồi là có cơ sở. Bởi vì chỉ còn 3 tháng nữa là Luật cư trú 2020 có hiệu lực nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn chưa được ban hành.

“Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hiện liên quan đến hàng loạt thủ tục hành chính thiết thân công dân mà còn chưa rõ sau khi thu hồi thì những giấy tờ gì sẽ thay thế, trong khi không phải đơn vị nào cũng có quyền khai thác thông tin của người dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Làm sao để người dân chứng minh thông tin cá nhân khi sổ hộ khẩu không còn?” – ông Hải nói.

Theo ông Hải, Luật cư trú được xây dựng với mục tiêu tiến bộ và được đặt trên nền tảng cơ sở dữ liệu về dân cư, cư trú phải được thu thập đủ, vận hành đồng bộ và kết nối, chia sẻ với các ngành khác để bảo đảm thủ tục cho người dân. Tuy nhiên đến nay cơ sở dữ liệu chưa xây dựng xong, trong khi các ngành khác cũng chưa có quy định tương thích thì có khả năng dẫn đến các rắc rối phát sinh cho những người dân bị thu hồi sổ hộ khẩu.

Công chứng viên Nguyễn Thành – trưởng Văn phòng công chứng Nguyễn Thành (Biên Hòa, Đồng Nai) – đề cập những tình huống thực tế hơn. “Khi nhập học cho trẻ, nhà trường đòi hộ khẩu để nhận học sinh theo tuyến, phải có hộ khẩu thì mới đi học theo tuyến được. Như vậy, làm sao chứng minh đứa trẻ thường trú ở đâu nếu sổ hộ khẩu đã bị thu hồi?

Thông thường trẻ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân thì có ghi nhận nơi thường trú trên thẻ, nhà trường có thể căn cứ trên đó nhưng với trẻ dưới 14 tuổi chỉ có mã định danh cá nhân, không có thông tin thường trú thì nhà trường phải giải quyết ra sao?” – ông Thành nêu ví dụ.

Tương tự, khi đăng ký định mức điện, nước, làm hồ sơ nhà đất cũng cần sổ hộ khẩu. Người dân băn khoăn là thu hồi sổ hộ khẩu rồi quyền lợi có bảo đảm được không?

ÁI NHÂN

DANH TRỌNG – THÂN HOÀNG
TTO