23/11/2024

Trợ cấp nghệ nhân ‘như làm từ thiện’

Trợ cấp nghệ nhân ‘như làm từ thiện’

Cuốn sách Nghệ nhân thực hành di sản văn hoá phi vật thểchỉ ra rằng việc xét trợ cấp cho nghệ nhân đang theo kiểu làm từ thiện chứ không phải tôn vinh tài năng.
Biểu diễn di sản văn hóa phi vật thể hát bả trạo (Nhơn Hải, Bình Định) /// TS PHẠM CAO QUÝ
Biểu diễn di sản văn hóa phi vật thể hát bả trạo (Nhơn Hải, Bình Định)   TS PHẠM CAO QUÝ

Trợ cấp theo hoàn cảnh hay tài năng ?

Bài viết của tác giả Nguyễn Quang Tuệ về chính sách với nghệ nhân sử thi và cồng chiêng làm nhà nghiên cứu Phạm Cao Quý suy nghĩ mãi. Theo đó, các nghệ nhân ưu tú (NNƯT) được phân loại theo tiêu chí nghèo khổ và bệnh tật để xét trợ cấp.
“Bài viết đó làm tôi suy nghĩ và quyết tâm nghiên cứu sâu về chính sách với nghệ nhân thực hành di sản phi vật thể. Tôi nhớ ông Tuệ đặt câu hỏi rằng có cần thiết phân loại NNƯT theo tiêu chí nghèo khổ và bệnh tật để xét trợ cấp không. Ở đây là vấn đề tôn vinh tài năng, sự cống hiến chứ không phải nhân đạo, từ thiện”, TS Phạm Cao Quý (Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL) nhớ lại.
Cuốn sách Nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể (NXB Khoa học xã hội ấn hành) ra đời sau những đeo bám thực tế, phân tích chính sách của ông Quý. Ở đó, người đọc có thể thấy những khoảng trống của chính sách với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể. Họ cũng thấy những mong mỏi của nghệ nhân. Thêm vào đó, là sự bất lực của nhiều nhà quản lý khi chính sách bất cập khiến họ có muốn cũng không thể giúp gì các nghệ nhân được.
Ông Quý cho biết đang có sự nhầm lẫn trong tiêu chí đánh giá để trợ cấp cho nghệ nhân. Chẳng hạn, NNƯT có thể được nhận trợ cấp nếu bị khuyết tật nặng hoặc bệnh nặng. Cuốn Nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể nêu rõ đây là “công thức hỗ trợ cho hộ nghèo”. Cách thức này không phải hỗ trợ tài năng.
Cách “hỗ trợ hộ nghèo” này khiến các nghệ nhân rất khó tiếp cận sự hỗ trợ của nhà nước. Chẳng hạn, ông Quý đưa ra việc nhiều NNƯT là cán bộ đã nghỉ hưu, có lương hưu. Do mức lương của họ không dưới 50% mức lương cơ sở nên họ không đủ điều kiện khó khăn để nhận trợ cấp. Do đó, ít ai có khả năng được thụ hưởng chính sách này, nếu cán bộ cơ sở làm đúng.
Trợ cấp nghệ nhân 'như làm từ thiện'1

Nghệ nhân của bộ này, nghệ nhân của bộ kia

Một thực trạng nữa về các nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể là họ đang được hai bộ quản lý. Tuy nhiên, cách thức quản lý, tôn vinh lại giẫm chân nhau. Vì thế, chính sách hỗ trợ cũng như tôn vinh họ khó thực hiện. Hiện Bộ Công thương quản lý lĩnh vực nghề thủ công truyền thống, Bộ VH-TT-DL quản lý tri thức dân gian, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực…
Trong khi đó, một số nghề thủ công truyền thống có thể đưa vào loại hình tri thức dân gian. Nghệ nhân khi muốn xét danh hiệu có thể nộp hồ sơ cho một trong hai sở tại địa phương hoặc cho cả hai. Chính vì thế, cũng có trường hợp hồ sơ bị loại ở hội đồng này thì nộp lại cho hội đồng kia. Cũng có trường hợp cá nhân làm hồ sơ NNƯT theo sở này, và lại làm hồ sơ nghệ nhân nhân dân (NNND) tại sở khác.
Theo Nghị định 123 quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ (do Bộ Công thương soạn thảo), muốn được các danh hiệu này, nghệ nhân cần có sản phẩm đoạt giải hoặc có chứng nhận thành tích tại các cuộc thi, hội chợ triển lãm…
“Thực tế không phải nghệ nhân nào cũng có sản phẩm được tiêu chuẩn của Nghị định 123, thậm chí rất khó hoặc không có. Trong khi đó, các nghệ nhân vẫn mải miết gìn giữ và phát huy các sản phẩm đặc trưng của dân tộc như trang phục truyền thống…, nhưng lại không có quy định cụ thể xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT đối với loại hình nghề thủ công truyền thống”, trích một phiếu khảo sát mà TS Phạm Cao Quý công bố.
Cũng theo ông Quý, hiện nay người xây dựng chính sách cho nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể mới chỉ quan tâm đến chính sách tôn vinh và an sinh. Trong khi đó, điều quan trọng hơn cả là phải hướng đến việc tạo điều kiện cho họ có thể thực hành, lưu truyền những lĩnh vực công việc mà họ đam mê và đang nắm giữ.
Trên cơ sở đó, trong cuốn Nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể, ông Quý đưa ra ý kiến nên bổ sung chương mới về nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể khi sửa luật Di sản. Theo đó, cần bổ sung thêm hình thức bảo vệ và tôn vinh nghệ nhân khác. “Chúng cần được xây dựng trên tinh thần khuyến khích bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chứ không nên chỉ là thi đua và khen thưởng”, ông Quý cho biết.
TRINH NGUYỄN
TNO