Giáo viên vất vả với ‘minh chứng’
Giáo viên vất vả với ‘minh chứng’
Mấy ngày nay, nhiều giáo viên ở TP.HCM “tá hoả” với yêu cầu có đủ minh chứng cho 15 tiêu chí, trong đó có tiêu chí về chứng chỉ ngoại ngữ, mới được truy cập vào hệ thống tập huấn giáo viên cho chương trình mới.
“Cả tuần đi dạy, chủ nhật cũng không được nghỉ ngơi vì phải đi học tập huấn chương trình mới. Mà đi học cũng phải tìm đủ thứ biên bản, chứng chỉ… để minh chứng mới được học” – thầy Th., giáo viên môn toán ở Q.3, phản ảnh với Tuổi Trẻ.
Phải khai 15 tiêu chí
Cô N. – giáo viên dạy ngữ văn ở TP.HCM – cho biết được cấp trên thông báo tham gia tập huấn môđun 3 (phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh) chương trình giáo dục mới. Thời hạn cuối cùng phải tập huấn xong đối với giáo viên diện đại trà (theo hình thức trực tuyến) là ngày 30-3. Thế nhưng, nhiều giáo viên còn chưa tiếp cận được tài liệu và truy cập vào hệ thống tập huấn trực tuyến do chưa thực hiện xong các yêu cầu để “cổng mở ra”.
Theo giáo viên, những người tập huấn đều phải khai 15 tiêu chí, trong đó có tiêu chí dành cho giáo viên chủ nhiệm, tiêu chí dành cho giáo viên bộ môn. Mỗi phần khai trong một tiêu chí thì có phần minh chứng (bản chụp các biên bản họp, báo cáo, giáo án, chứng chỉ).
Ví dụ, giáo viên chủ nhiệm phải khai và cập nhật các minh chứng như biên bản họp tổ đánh giá – phân loại giáo viên, kế hoạch dạy học, sổ chủ nhiệm, kết quả học tập – rèn luyện của học sinh lớp chủ nhiệm, biên bản họp cha mẹ học sinh năm học 2019 – 2020… Giáo viên bộ môn sẽ phải đảm bảo các tiêu chí như kế hoạch dạy học, biên bản họp tổ, bảng điểm học sinh…
Cả giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn đều phải khai thông tin hoàn thành môđun 2, có minh chứng. Điều ngạc nhiên là trong 15 tiêu chí của cả giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn đều có tiêu chí là chứng chỉ Anh văn (có bản chụp chứng chỉ kèm theo).
“Vừa mới mừng vì Bộ GD-ĐT thông báo bỏ chứng chỉ ngoại ngữ thì lại phải đôn đáo lo chứng chỉ để có thể đủ điều kiện tập huấn”, một giáo viên nói.
Cô N. – giáo viên tại TP.HCM – cho biết thời điểm này nhiều trường phải gấp rút kiểm tra giữa kỳ II, chấm bài, lên điểm cho học sinh nên giáo viên đã rất vất vả rồi thì lại phải lo có “minh chứng” để kịp tập huấn.
Cảm giác bị “hành”
Chưa hết, thầy Ng. – giáo viên dạy vật lý ở Q.10 – còn bức xúc: “Để học môđun 3, giáo viên cần có minh chứng đã học môđun 2 là cần thiết. Tuy nhiên, tôi không hiểu tại sao Bộ GD-ĐT lại bắt chúng tôi minh chứng đến 15 tiêu chí rồi mới được học môđun 3, trong đó có những tiêu chí tôi không hiểu có ý nghĩa gì đối với việc tập huấn.
Chẳng hạn như chúng tôi phải tìm cho được biên bản họp tổ chuyên môn về đánh giá – phân loại giáo viên năm 2020 (tiêu chí số 1, số 2, số 9). Giáo viên chủ nhiệm như tôi còn phải lấy cuốn sổ chủ nhiệm của mình ra chụp phần Mục tiêu – chỉ tiêu và kế hoạch thực hiện để làm minh chứng cho tiêu chí số 8…”.
Không những thế, nhiều giáo viên ở Q.1, Q.8 còn chia sẻ họ có cảm giác đang bị cấp quản lý “hành” khi phải đi tìm minh chứng cho 15 tiêu chí rồi mới được học môđun 3.
“Tôi muốn hỏi ban quản lý lớp học môđun 3 rằng đưa ra 15 tiêu chí nhằm mục đích gì? Ban quản lý lớp có ai bỏ công ra để đọc hết cả minh chứng của giáo viên trên cả nước hay không? Tại sao học tập huấn chương trình mới mà chúng tôi phải chụp bản kết quả học tập – rèn luyện của học sinh lớp mình chủ nhiệm năm học 2019 – 2020 (tiêu chí 10) và biên bản họp cha mẹ học sinh năm học 2019 – 2020 (tiêu chí 11, 12, 13) để làm minh chứng?”.
Thậm chí, có giáo viên còn nói với phóng viên Tuổi Trẻ: “Chúng tôi họp tổ chuyên môn và thống nhất mỗi giáo viên trong tổ chụp một loại biên bản rồi chia sẻ cho cả tổ, có trùng lặp cũng chẳng sao. Bởi tôi biết chả ai bỏ công sức ra để đọc hết 15 minh chứng của từng giáo viên. Chúng tôi làm theo dạng trả nợ cho xong việc để được tập huấn”.
Bộ GD-ĐT nói gì?
Ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), khẳng định việc điền thông tin theo các tiêu chí (cập nhật dữ liệu lên Temis) chỉ là quy định mang tính kỹ thuật để truy cập vào hệ thống tập huấn trực tuyến. Nhưng không nhất thiết giáo viên đều phải ghi “đạt” mà có thể ghi “không đạt” nếu thực tế chưa đạt. Còn nếu đã ghi “đạt” thì hệ thống này sẽ yêu cầu cung cấp minh chứng.
Theo ông Thành, tiêu chí chỉ là cụ thể hóa của quy định trong thông tư 20/2018/TT-BGDĐT về chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đã được ban hành hai năm nay và giáo viên các nhà trường đã phải thực hiện rồi.
Tuy nhiên, không có quy định nào bắt buộc giáo viên phải đạt 15 tiêu chí mới được tập huấn, ngoại trừ yêu cầu hoàn thành môđun 1, môđun 2 thì mới được tập huấn tiếp môđun 3. Bởi vì điểm khác biệt của lần tập huấn chương trình mới này là giáo viên không chỉ nghe hướng dẫn mà phải thực hành, hoàn thành các bài tập để đạt yêu cầu rồi mới tiếp tục đi tiếp lộ trình.
“Việc điền thông tin theo các tiêu chí chỉ nhằm để biết giáo viên đã đạt mức nào, điểm nào còn chưa đạt. Điều này để giảng viên chủ chốt và giáo viên cốt cán nắm được tình hình giáo viên khi hướng dẫn, hỗ trợ” – ông Thành chia sẻ.
Sao vẫn yêu cầu tiêu chí chứng chỉ ngoại ngữ?
Về sự “tiền hậu bất nhất” trong việc bỏ quy định chứng chỉ ngoại ngữ rồi lại yêu cầu giáo viên điền thông tin và minh chứng, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết bộ tiêu chí này xây dựng từ năm trước và chưa điều chỉnh sau khi có quy định bỏ chứng chỉ ngoại ngữ đối với giáo viên.
“Sau khi có phản ảnh của giáo viên, chúng tôi đã yêu cầu bỏ tiêu chí chứng chỉ ngoại ngữ và bỏ luôn phần cập nhật minh chứng đi kèm tiêu chí. Những quy định cản trở việc tiếp cận vào hệ thống tập huấn trực tuyến của giáo viên sẽ phải điều chỉnh, vì mong muốn của Bộ GD-ĐT là tất cả giáo viên dù đạt hay chưa đạt chuẩn nghề nghiệp đều được tập huấn kịp thời chương trình giáo dục phổ thông mới”, ông Thành nói.