29/12/2024

Thay đổi góc nhìn lịch sử với ả đào

Thay đổi góc nhìn lịch sử với ả đào

Một dự án phim tài liệu lịch sử về nghệ thuật ả đào (ca trù) đang được tiến hành sản xuất dưới sự đỡ đầu, bảo trợ của Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Giáo phường ả đào ngày xưa /// TL
Giáo phường ả đào ngày xưa  TL
Dự án phim Ả đào do Công ty truyền thông BIBI media thực hiện theo thủ pháp phim truyện hồi cố, khắc họa cả cuộc đời, số phận của những đào kép thuở xưa.

Từ những câu chuyện có thật

“Tôi viết kịch bản phim Ả đào trong đúng 1 tháng vào năm 2017”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho hay. Kịch bản được đúc rút từ tư liệu lịch sử, tản văn, hồi ký, từ những câu chuyện ông được nghe từ chính những nghệ nhân ả đào trong các chuyến điền dã… Ông Hiền nghiên cứu sâu về ả đào từ năm 2014. “Anh Loan (nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan – PV) đưa cho tôi nghe băng ả đào lưu giữ ở Viện Âm nhạc, có băng thu từ năm 1959 – 1979. Khi ấy, tôi đã rất sửng sốt”, ông Hiền nói, và kể thêm: “Hơn 6 năm, mỗi ngày lại có những điều khiến tôi vỡ ra, có khi thấy sốc. Ả đào không chỉ có vài bài mình nghe suốt trong mấy chục năm qua, mà có rất nhiều bài bản biểu hiện những sắc thái khác nhau, có điều không còn ai hát nữa. Ả đào là một thể tài rộng lớn mà mỗi đào nương có khi chỉ biết một góc, không ai biết hết tất cả”. “Cùng với kịch bản, tôi đã đặt sẵn sơ đồ nhạc cho phim. Tôi muốn dùng thứ âm nhạc có sức biểu cảm này làm nhạc nền để nối cảm xúc với người xem”, ông Hiền cho biết.
Lấy bối cảnh những năm 40 của thế kỷ 20, bộ phim được chia thành 3 chương theo diễn tiến lịch sử của nghệ thuật ả đào: Cửa đình, Nhà hát cô đầu và Lưu lạc. “Tất cả nhân vật trong phim được dựa theo những nhân vật, câu chuyện có thật trong lịch sử (nghệ nhân Quách Thị Hồ, Phó Đình Kỳ, Nguyễn Phú Đẹ…), gồm cả những đào kép vô danh đã ngã xuống bên chiến lũy, hy sinh vì Hà Nội. Chúng tôi cố gắng dựng lại, mô phỏng một cách trung thực nhất”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói. Sự trung thực còn nằm ở việc nhìn nhận những đóng góp của đào kép với lịch sử đất nước, lịch sử của nghệ thuật, âm nhạc Việt Nam.
“Sách sử thời Lý đã ghi nhận giáo phường ả đào và nói rõ triều đình cai quản việc làm ăn của giáo phường thông qua quản giáp. Theo tài liệu của Nguyễn Đôn Phục, trước thế kỷ 20, các tỉnh miền Bắc trở vào đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, trung bình mỗi huyện có 1 – 2 làng ả đào. Cho đến những năm 1940, người Pháp thống kê, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 2.000 cô đầu hoạt động trong hàng trăm nhà hát cô đầu. Số lượng những diễn viên tuồng, chèo, cải lương khi đó cộng lại cũng không thể bằng ả đào”, ông Hiền cho hay và nhìn nhận nhà hát cô đầu là mô hình nhà hát thính phòng đầu tiên trong lịch sử, cho thấy sức sống tự thân của một loại nhạc chuyên nghiệp, nghĩa là loại nhạc đã thành phương tiện nghệ thuật để kiếm sống.

Tình yêu dành cho ả đào

Kịch bản hoàn thành từ năm 2017, nhưng “suốt mấy năm chưa có tiền để làm”, ông Hiền cho hay. Ông quyết định tặng lại bản quyền kịch bản phim Ả đào cho đạo diễn Nguyễn Trung Thành (Giám đốc Công ty truyền thông BIBI). “Mới đầu, tôi tham gia sản xuất một số chương trình truyền hình về đào kép theo kiểu chân dung nhỏ, sau anh Hiền đi tập huấn, hay biểu diễn ở đâu, tôi cũng đi theo để quay tư liệu. Từ công việc rồi tôi mê luôn ả đào. Kịch bản này anh em ấp ủ từ lâu nhưng chưa biết làm thế nào… Tôi nói câu chuyện này với nhiều người, không ngờ mọi người thích muốn được chung tay vào”, đạo diễn Nguyễn Trung Thành kể.
Vị đạo diễn cho hay một đơn vị làm kỹ xảo hứa tài trợ phần trailer, còn các diễn viên tham gia thì nhiều người không nhận cát sê. “Anh em làm bối cảnh nói cần tiền mua vật liệu, còn tiền công họ không lấy. Cùng tham gia bộ phim này là cái duyên của chúng tôi mà vẫn hay trêu nhau là cùng có “căn” hay “lên đồng” với ả đào”, ông Thành kể. Trailer phim dự kiến sẽ được hoàn thiện vào tháng 5, để tiếp đó tìm tài trợ kinh phí làm phim dài. Niềm vui được nhân lên khi PGS-TS Bùi Hoài Sơn (viện trưởng) chính thức đồng ý để Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia đứng ra đỡ đầu, bảo trợ cho phim.
Nhạc sĩ Nhất Lý tình nguyện tham gia với vai trò đạo diễn âm thanh. Cùng với một số bản ghi âm của các danh ca, danh cầm ngày trước, phim sẽ được nhạc sĩ thu âm trực tiếp với dàn diễn viên chính là những ca nương, kép đàn thực thụ. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, ca nương Vũ Thùy Linh và Phạm Thị Liên vào vai chính là những ca nương được rèn giũa tốt nhất. Vào vai tái hiện hình ảnh chính người thầy của mình – nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, ca nương Vũ Thùy Linh được ông Hiền đánh giá là người gõ phách “giống các cụ số 1”. Phim còn có những nhân vật là văn sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng từng lui tới, quan hệ thân thiết với giới cô đầu Hà Nội, như Nguyễn Tuân, Tchya Đái Đức Tuấn, Văn Cao… Có nhiều cái duyên đến với đoàn phim khi tìm diễn viên vào những vai này, chẳng hạn vào vai nhà văn Trần Tiêu dự kiến sẽ là chắt của ông – anh Trần Hoàng, con trai đạo diễn Trần Lực; hay nhà văn Trương Quý vào vai Văn Cao khi anh được chính người thân gia đình nhạc sĩ xác nhận là “rất giống”…
Tôi vừa viết, vừa khóc
Ngày xưa, đào nương phải học từ tấm bé trong chục năm trời mới bắt đầu đi hát. Họ đã khổ luyện để giữ gìn thứ âm nhạc nghìn năm tuổi “khuôn vàng thước ngọc” này. Vậy nhưng, ở nhiều thời đoạn lịch sử, tài năng, vai trò, giá trị của cô đầu chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng đắn. Họ chịu nhiều điều tiếng, thậm chí bị xã hội lên án. “Khi viết đến chương 3 trong kịch bản, tôi trào nước mắt, vừa viết, vừa khóc”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nhớ lại.
NGỌC AN
TNO