04/01/2025

Không đúng khoa học khi hợp nhất các bộ sách giáo khoa

2 bộ sách giáo khoa của NXB Giáo dục Việt Nam ‘biến mất’

Không đúng khoa học khi hợp nhất các bộ sách giáo khoa

Sách giáo khoa lớp 1 vốn đã có nhiều chuyện ‘lùm xùm’, nay lớp 2 lại giữa chừng ‘bỏ bộ sách này lấy bộ sách khác’, khiến dư luận tiếp tục bức xúc.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hợp nhất 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 thành 2 bộ lớp 2 /// Ảnh: Tuệ Nguyễn
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hợp nhất 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 thành 2 bộ lớp 2 ẢNH: TUỆ NGUYỄN
Đây là điều rất không bình thường của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam và cũng là điều cần suy nghĩ về hoạt động quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT.
Sách giáo khoa (SGK) là cụ thể hóa của chương trình giáo dục phổ thông. Vì thế, người dân kỳ vọng và mong mỏi các bộ SGK ra đời có chất lượng, sớm đi vào cuộc sống.

Hợp nhất hay “nuốt chửng”?

Tại Công văn khẩn số 1326, ngày 2.7.2020, do Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam ký, đã yêu cầu hợp nhất 4 bộ SGK ở lớp 1 thành 2 bộ ở lớp 2.
Về bản chất cũng như thực tế, việc hợp nhất được thực hiện theo phương thức: bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (1) và bộ sách Cùng học để phát triển năng lực (3) hợp nhất thành bộ sách (1), bộ sách Chân trời sáng tạo (2) và bộ sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (4) hợp nhất thành bộ sách (2).

Vai trò quản lý của Bộ GD-ĐT đến đâu ?

Nhiều câu chuyện buồn xảy ra khi chúng ta triển khai làm SGK xã hội hóa trong cơ chế thị trường, như cạnh tranh không lành mạnh và đặt lợi nhuận lên hàng đầu, vẫn thường xảy ra ở nhiều nước. Dư luận xã hội quan tâm ở chỗ Bộ GD-ĐT đã thay đổi tư duy như thế nào và quản lý chặt chẽ đến đâu khi tổ chức làm SGK mới theo chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2018?

Tuy nhiên, khi công bố tên của 2 bộ sách, ta chỉ thấy tên của bộ (1) và bộ (2). Như vậy, không thể gọi là hợp nhất, mà các bộ sách (3) và (4) đã bị 2 bộ sách kia “nuốt chửng”.

Chúng tôi được biết một số tác giả và cả chủ biên của các bộ sách (3) và (4) buồn bã, than phiền, thậm chí uất ức: sách của họ bị “bóp chết” vì là “con nuôi”, không là “con đẻ” như các bộ sách kia. Thực tế, những bộ sách bị bỏ rơi đã không thể hợp nhất.
Điều đáng chú ý là Công văn số 1326 có ghi câu kết: “Đối với các cá nhân, đơn vị không tuân thủ, NXB Giáo dục Việt Nam sẽ áp dụng các hình thức kỷ luật tương ứng”. Không biết NXB này đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GD-ĐT chưa mà có “quyết tâm cao” khi thực hiện một chủ trương chưa thật thuyết phục ấy?
Dư luận các trường đang có nhiều băn khoăn và tâm tư về sự “biến mất” của 2 bộ SGK số (3) và số (4). Và chắc chắn xã hội sẽ có nhiều câu trả lời tiêu cực khác nhau về sự khác thường này, gây hoang mang, bất an trong xã hội. Các thầy cô giáo, học sinh cùng cha mẹ các em đang nâng niu, quý trọng bộ SGK mới mà mình lựa chọn, hy vọng được dạy – học nó liên tục trong nhiều năm, có thể tới 4 năm nữa. Nay, sự thất vọng của họ rõ ràng chưa được giải thích một cách thỏa đáng.

Mỗi bộ SGK có phương pháp sư phạm khác nhau

5 bộ SGK được Bộ GD-ĐT phê duyệt chính thức đưa vào nhà trường giảng dạy cho học sinh lớp 1 là những cách tiếp cận riêng và khác nhau. Tất nhiên, nó có điểm chung là cùng một triết lý đổi mới giáo dục được cấu thành trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, không thể hợp nhất các bộ SGK này với nhau một cách cơ học.
Thực tế khi xem xét các bộ SGK, có thể thấy cách tiếp cận khoa học và phương pháp sư phạm có quan điểm khác nhau ở mỗi nhóm tác giả trong từng bộ SGK. Không thể cắt đứt đoạn các mạch kiến thức, mạch phương pháp và cả cách đánh giá học sinh ở lớp 1 ra khỏi cấu trúc chung cả bộ SGK của giáo dục tiểu học. Nếu nói hợp nhất sách, hợp nhất các nhóm tác giả là vô hại tới quá trình dạy học và quá trình đổi mới giáo dục là cố ý không hiểu hết về khoa học SGK.
Tuy chưa có văn bản nào quy định học sinh và các trường phải dạy học đủ 5 năm theo cùng một bộ SGK nhưng qua ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: cần dạy học thống nhất theo cùng bộ SGK để đảm bảo sự giống nhau về cách tiếp cận khoa học và giảm lãng phí khi mua nhiều bộ SGK khác nhau.

Cần một bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn theo nghị quyết ?

Lúc đầu, theo nghị quyết của Quốc hội, Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức bản thảo để làm riêng một bộ sách, tạm gọi đây là bộ sách công, nhằm chủ động đảm bảo thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục và làm chỗ dựa cho các nhà trường, khi giữa ngã ba đường không biết chọn bộ SGK tư nào cho học sinh trường mình.
Tuy nhiên, do chưa tính xa, Bộ GD-ĐT khi làm xong chương trình giáo dục phổ thông mới khởi động, tập hợp tác giả làm sách. Lúc ấy đã muộn, là thời điểm “hoàng hôn”, trong khi các bộ SGK khác đã triển khai từ rất sớm, khi cùng với “bình minh” của chương trình giáo dục phổ thông mới và môn học vừa bắt đầu.
Việc đánh giá bộ SGK sẽ có 2 mặt: mặt khoa học do Hội đồng thẩm định SGK quyết định và mặt xem xét sự ưng ý do giáo viên trực tiếp đang giảng dạy quyết định. 2 mặt cơ bản này chắc chắn không tương đồng với nhau. Người giảng dạy đa phần chọn những bộ SGK nào thấy quen, dễ hiểu, dễ làm, có lẽ giúp hoạt động nghề của mình ít bị xáo trộn. Các giáo viên đa phần không chú ý hoặc ít có khả năng đánh giá nhiều về điểm mới trong phương pháp. Phải chăng Hội đồng thẩm định SGK nắm rõ nhất khía cạnh này, rất cần lên tiếng. Hoặc Bộ GD-ĐT cần công bố đánh giá của hội đồng thẩm định với từng cuốn SGK.
Phải chăng qua những gì đang diễn ra với việc biên soạn SGK, Bộ GD-ĐT nên quay trở lại tiếp tục thực hiện cho được nghị quyết của Quốc hội, đó là: Bộ GD-ĐT chủ trì việc thực hiện biên soạn một bộ SGK?

Đặng Tự Ân

(Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông)

TNO