24/11/2024

Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh từng diễn thuyết ‘hớp hồn’ ở Sài Gòn

Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh từng diễn thuyết ‘hớp hồn’ ở Sài Gòn

Ở Sài Gòn thập niên 1920, hình thức diễn thuyết rất được dư luận quan tâm nên Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh – những nhà hoạt động tại Pháp lần lượt về nước đăng đàn diễn thuyết về văn hoá, giáo dục, luân lý Đông – Tây…
Chân dung tiến sĩ luật khoa Phan Văn Trường /// Ảnh: Thư viện Quốc gia Pháp (Gallica)
 Chân dung tiến sĩ luật khoa Phan Văn Trường ẢNH: THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP (GALLICA)
Cùng Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường tham gia diễn thuyết “hớp hồn” ở Sài Gòn thập niên 1920 có Nguyễn An Ninh. Ông tham gia diễn thuyết vào năm 1922 với chủ đề Cần xây dựng cho dân An Nam ta một nền văn hóa. Tiếp đó lần thứ hai diễn thuyết tại Hội quán Nam kỳ Khuyến học đêm 15.10.1923 với chủ đề Lý tưởng của thanh niên An Nam. Bài diễn thuyết sau đó được đăng hai kỳ trên báo La Cloche Fêlée (Chuông rè) số 5-6, ngày 7 và 14.1.1924 với nhan đề L’idéal de la Jeunesse Annamite, đến năm 1926 thì phần nội dung này được Nhà in Xưa – Nay (Sài Gòn) in thành sách.
Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh từng diễn thuyết 'hớp hồn' ở Sài Gòn - ảnh 1

Bìa sách Cao-vọng của bọn thanh-niên An-Nam của Nguyễn An Ninh ẢNH: THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP (GALLICA)

Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh từng diễn thuyết 'hớp hồn' ở Sài Gòn - ảnh 2

Bìa sách Quân-trị chủ-nghĩa, dân-trị chủ-nghĩa của Phan Châu Trinh   ẢNH: THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP (GALLICA)

Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh nhấn mạnh trong bài diễn thuyết: “Một nước được tự chủ mà còn phải nhờ học thức của nước khác thì cũng không được thật tự do. Vả lại, nền tri thức là cái hồn của một đoàn dân.” Quốc dân mà ông hướng đến là thanh niên, trí thức. Theo ông, thanh niên cần phải biết giá trị của mình, cần phải sống trong một chỗ nào nó giúp cho tri thức và tinh thần được nâng cao thêm nữa; rằng “khi nào mà thanh niên không còn đặt nặng chuyện bằng cấp, không sính danh dự giả dối, không còn theo đuổi mấy cái ý kiến yếu thấp hẹp hòi… thì ngày ấy không có chi là khó với ta cả”.
Bài diễn thuyết của Nguyễn An Ninh khiến nhà cầm quyền lo ngại. Thống đốc Cognacq liền triệu tập ông đến và dằn mặt ông rằng, xứ này không cần có trí thức, nếu muốn làm trí thức thì hãy sang Moscou (Nga).
Còn luật sư Phan Văn Trường thì cuối năm 1923 rời Pháp, điểm dừng chân là Sài Gòn. Ông đấu tranh chống chính quyền thực dân bằng công cụ báo chí qua hai tờ báo tiếng Pháp La Cloche Fêlée (Chuông rè)  và L’Annam (Nước Nam). Bằng ngòi bút sắc sảo, sự am tường luật pháp, ông tích cực đấu tranh chống lại các chính sách hà khắc của thực dân Pháp, đòi tự do dân chủ…
Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh từng diễn thuyết 'hớp hồn' ở Sài Gòn - ảnh 3

Sách Việc giáo-dục học-vấn trong dân-tộc Annam của luật sư Phan Văn Trường

Ông cũng tham gia diễn thuyết tại Hội quán Nam kỳ Khuyến học (ngày 17.3.1925), bài diễn thuyết này được ông Phan Trường Mạnh xuất bản bằng tiếng Việt, in tại nhà in Xưa – Nay (năm 1925) với nhan đề Việc giáo-dục học-vấn trong dân-tộc Annam. Ông kêu gọi mỗi người dân tùy tài, tùy lực mà hãy tận tâm phụ giúp những việc giáo dục học vấn cho dân tộc An Nam. Nước nào muốn cho hồn cố hương mỗi ngày càng tinh anh hơn thì phải “học hành, luyện tập chép sách, dịch sách, để cho tiếng quốc ngữ càng ngày càng rõ ràng, gọn gàng, thâm thúy, tinh thần hơn.”
Năm 1925, nhà hoạt động Phan Châu Trinh từ Pháp về Sài Gòn và có hai buổi diễn thuyết: một buổi tại Hội Việt Nam đêm 19.11.1925 với chủ đề Đạo-đức luân-lý Đông Tây, nội dung bài diễn thuyết sau đó được Nhà in Xưa – Nay (Saigon) ấn hành năm 1926; cuối năm 1925 cụ nói về chủ đề Quân-trị chủ-nghĩa, dân-trị chủ-nghĩa, nội dung bài diễn thuyết sau đó được Chân Phương ấn quán (Hanoi) ấn hành năm 1926.
Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh từng diễn thuyết 'hớp hồn' ở Sài Gòn - ảnh 4

Chân dung Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh ẢNH: WIKIPEDIA

Phan Châu Trinh cho rằng bất cứ dân tộc hay quốc gia nào muốn cạnh tranh với các dân tộc khác thì không chỉ cậy nhờ sức mạnh mà còn phải có đạo đức làm gốc nữa, “nhứt là dân tộc nào đã bị té nhào xuống, nay muốn đứng lên khỏi bị người đè lên trên thì lại cần phải có một nền đạo đức vững chặt hơn dân tộc đương giàu mạnh hơn mình. Quốc dân hãy cố mà gìn giữ lấy những đức hay tính tốt ông cha truyền lại, khiến cho các dân tộc khác đem lòng kính trọng đối với mình”.
Cụ Phan cũng so sánh để quốc dân hiểu rõ hai mặt lợi/hại của chủ nghĩa quân chủ và dân chủ, kêu gọi cải cách hệ thống quan lại vốn đang hủ bại. Hai bài diễn thuyết, cũng như 18 năm lăn lộn đây đó, của cụ Phan chung quy là nhằm thức tỉnh đồng bào, quốc dân giáo dục trùng tu xã hội, chấn khởi quốc hồn … Tiếc là ba tháng sau cụ Phan Châu Trinh qua đời, công chưa thành, chí chưa toại.
NGUYỄN QUANG DIỆU
TNO