10/01/2025

Việt Nam sẽ nới lỏng với người có ‘hộ chiếu’ vắc xin?

Việt Nam sẽ nới lỏng với người có ‘hộ chiếu’ vắc xin?

Theo một chuyên gia của Bộ Y tế, chắc chắn hướng tới sẽ giảm thời gian cách ly với những người đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19, nhưng bãi bỏ hẳn cách ly thì phải chờ khi số người được tiêm lớn hơn.

 

Việt Nam sẽ nới lỏng với người có hộ chiếu vắc xin? - Ảnh 1.

Bác sĩ Calvin Q Trịnh nhập cảnh về nước từ Mỹ tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng 10-3 – Ảnh: NVCC

Hôm 10-3, một bác sĩ Việt kiều đã tiêm và có chứng nhận tiêm đủ 2 liều vắc xin tại Mỹ về đến Việt Nam. Theo quy định hiện hành, bác sĩ này vẫn phải cách ly 14 ngày và lấy 2 lần xét nghiệm như bình thường.

“Thái Lan đang cân nhắc xem xét rút ngắn thời gian cách ly đối với người đã tiêm đủ vắc xin ngừa COVID-19. Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đang giao cơ quan chuyên môn có đề xuất và xây dựng hướng dẫn đối với người có hộ chiếu vắcxin” – ông Đặng Quang Tấn, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết.

Còn chần chừ, vì sao?

Phát biểu tại buổi khởi động chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Việt Nam tổ chức cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết người tiêm ngừa vắc xin tại Việt Nam sẽ được cấp giấy chứng nhận đã tiêm chủng, đồng thời cập nhật thông tin trên hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử, để công dân có thể mang “hộ chiếu” vắc xin đi các nước.

Rõ ràng đại đa số người đã tiêm vắc xin là có miễn dịch, nhưng hiện nay dù tiêm hay chưa tiêm, đến Việt Nam vẫn phải cách ly đầy đủ như bình thường. Điều này cũng đang cản trở mong muốn mở lại du lịch quốc tế, bay thương mại… nếu số lượng người được tiêm lớn hơn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia của Bộ Y tế giải thích lý do hiện chưa có chính sách riêng với người đã tiêm đủ vắcxin. Theo vị này, chắc chắn hướng tới sẽ giảm thời gian cách ly với những người này, nhưng bãi bỏ hẳn cách ly thì phải chờ khi số người được tiêm lớn hơn.

“Bên cạnh đó, có 95% người tiêm vắc xin Pfizer được bảo vệ, với vắc xin của AstraZeneca có 81% được bảo vệ sau tiêm mũi 2, như vậy còn 5-19% người đã tiêm chưa được bảo vệ khỏi COVID-19, có thể vẫn mang mầm bệnh” – chuyên gia này nói.

Chuyên gia này cũng cho biết Tổ chức Y tế thế giới đang xây dựng khuyến cáo và các nước sẽ thực hiện theo điều lệ y tế quốc tế. “Khi số lượng người được tiêm nhiều hơn và có khuyến cáo chung, Việt Nam sẽ thực hiện theo khuyến cáo này” – chuyên gia này chia sẻ.

11-3: mở tiêm vắcxin tại Hưng Yên

Hôm nay 11-3, Bộ Y tế mở điểm tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên tại Hưng Yên. Đây là địa phương thứ 5 triển khai tiêm ngừa, sau Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Gia Lai.

Sau 2 ngày đầu tiên tiêm chủng, đã có 5 ca có phản ứng sau tiêm phải xử trí tại bệnh viện, trong đó có 2 trường hợp phản vệ độ 2 đã được xử lý theo quy định và tình trạng sức khỏe đã trở lại bình thường, 3 trường hợp có biểu hiện tiêu chảy, dị ứng, kẹt huyết áp, bên cạnh đó có một số có phản ứng tại chỗ tiêm. Sức khỏe của tất cả các trường hợp trên hiện đã ổn định.

vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca là vắc xin rất mới, đang phải theo dõi thêm, kể cả về thời gian bảo vệ sau tiêm, vắc xin có bảo vệ người dưới 18 tuổi hay không… Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia khuyến cáo người có dị ứng với thành phần của vắc xin sẽ là nhóm dễ có nguy cơ gặp phản ứng sau tiêm.

Theo quy định của Bộ Y tế, các điểm tiêm chủng đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lưu giữ và bảo quản vắcxin, bố trí các khu vực chức năng (chỗ đón tiếp, nơi ngồi chờ, phòng khám sàng lọc, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm, phòng xử lý sốc phản vệ) theo quy tắc một chiều, được trang bị hộp chống sốc và tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.

Bộ Y tế cũng yêu cầu đảm bảo khám sàng lọc trước tiêm, tất cả những người đi tiêm chủng đều được khám sàng lọc, phổ biến cách theo dõi sức khỏe, phản ứng sau tiêm, khi phát hiện những biểu hiện bất thường phải liên lạc với cơ sở y tế để được xử lý và điều trị kịp thời. Người trên 65 tuổi, có bệnh nền sẽ được tiêm chủng tại bệnh viện.

4,2 triệu liều vắc xin phòng COVID-19

Theo tin từ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong tháng 3 và 4 này Việt Nam sẽ nhận được gần 4,2 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 do COVAX Facility hỗ trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF). Ngày 25-3 Việt Nam sẽ tiếp nhận 1.373.800 liều vắc xin và trong tháng 4 sẽ tiếp nhận trên 2,8 triệu liều vắcxin. Tất cả đều là vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca. Cũng trong tháng 4, Việt Nam sẽ tiếp nhận 1,48 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca do Bộ Y tế mua thông qua VNVC.

Tổng cộng trong hai tháng 3 và 4 này, Việt Nam sẽ tiếp nhận 5,657 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.

Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết khi lô vắc xin trên 1,3 triệu liều về ngày 25-3 sẽ mở rộng số địa phương được phân bổ vắc xin (hiện mới có 13 tỉnh thành được phân bổ).

Ngày 10-3, Bộ Y tế cũng cho biết đã tiêm mũi 1 vắc xin ngừa COVID-19 nội địa (vắc xin Nanocovax) cho đủ 560 người tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Dự kiến thử nghiệm giai đoạn 2 sẽ kết thúc vào tháng 4 và chuyển ngay sang giai đoạn 3, đánh giá trên quy mô lớn khoảng 10.000 người.

Công dân đầu tiên có “hộ chiếu” vắc xin về nước

 

vaccine passport 1 6(read-only)

Bác sĩ Calvin Q Trịnh tiêm đủ 2 liều vắc xin với thẻ tiêm chủng CDC đính kèm passport về nước – Ảnh: NVCC

Bác sĩ Việt kiều Calvin Q Trịnh là người Việt Nam tiêm đủ 2 liều vắc xin tại Mỹ về nước tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Tuy có “hộ chiếu” vắcxin, bác sĩ này vẫn phải cách ly theo quy định của Việt Nam.

Bác sĩ Trịnh cho biết rạng sáng 10-3, ông đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất từ Mỹ. Trước khi về nước, ông đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và trên passport của ông có đính kèm thẻ tiêm chủng CDC. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có cơ chế riêng cho công dân có “hộ chiếu” vắc xin nên bác sĩ này vẫn phải cách ly theo quy định. Do đó, ngay sau khi nhập cảnh, ông đã về cách ly theo quy định của Việt Nam tại một khách sạn ở Q.3, TP.HCM.

Bác sĩ Calvin Q Trịnh cho biết trong tương lai, Chính phủ Mỹ đang cân nhắc việc phát hành hộ chiếu “vắc xin điện tử”.

Tuy nhiên trở ngại ở đây là có thể tạo ra sự phân biệt và quan trọng hơn là quốc gia điểm đến không có cơ sở dữ liệu.

Hiện tại công dân có thể sử dụng “hộ chiếu” vắc xin thông thường gồm thẻ tiêm chủng CDC để check-in các điểm đến hay quốc gia chấp nhận người đã hoàn tất quá trình tiêm chủng mà không chịu sự cách ly.

ĐÔNG HÀ

LAN ANH
TTO