24/11/2024

Tông du Iraq: Cầu nguyện cho các nạn nhân cuộc chiến ở Hosh al-Bieaa

Tông du Iraq: Cầu nguyện cho các nạn nhân cuộc chiến ở Hosh al-Bieaa

Chúa Nhật, 07/3/2021, ngày cuối cùng trong chuyến tông du tại Iraq, Đức Thánh Cha có 3 hoạt động chính: trước tiên là buổi cầu nguyện cho các nạn nhân của chiến tranh tại Hosh al-Bieaa (quảng trường nhà thờ) ở Mosul. Tiếp đến là cuộc viếng thăm cộng đoàn Qaraqosh tại Nhà thờ “Đức Mẹ Ơn Vô Nhiễm” ở Qaraqosh. Sau cùng là Thánh lễ, tại sân vận động “Franso Hariri” ở Erbil.

Vào lúc 7giờ00, từ Baghdad, Đức Thánh Cha đáp máy bay đi Erbil. Erbil là thủ đô và là thành phố lớn nhất của miền tự trị Kurdistan, cách Mosul 88km về phía đông và cách Syria gần 300km. Erbil được coi là một trong những thành phố cổ đại nhất thế giới, ra đời khoảng thế kỷ XXIII trước Công nguyên. Vào năm 2014, Erbil đã được UNESCO tuyên bố là di sản của nhân loại.

Đón tiếp, Đức Thánh Cha tại phi trường có Đức cha Bashar Matti Warda, thuộc Giáo hội Công giáo Canđê, Tổng Giám mục Giáo phận Erbil; Đức cha Nizar Semaan, Tổng Giám mục của Hadiab–Erbil dei Siri; Tổng thống của miền tự trị Kurdistan, và một số lãnh đạo tôn giáo và dân sự của miền tự trị Kurdistan.

Miền tự trị Kurdistan được chính thức công nhận với sự ra đời của Hiến pháp mới được thông qua vào năm 2005. Vùng này nằm ở phía đông bắc Iraq. Phía đông giáp Iran, phía bắc giáp Thổ Nhĩ Kỳ và phía tây giáp Syria. Thủ đô của người Kurdistan Iraq là Erbil. Tổng thống của miền tự trị Kurdistan là ông Nechirvan Barzani và thủ tướng là ông Masrour Barzani.

Sau khi gặp gỡ tổng thống và thủ tướng tại Phòng khách VIP của Phi trường Erbil, vào lúc 9giờ00, Đức Thánh Cha khởi hành bằng trực thăng đến Mosul.

Tại Phi trường Mosul, Đức Thánh Cha được Đức cha Najeeb Moussa Michaeel, Tổng Giám mục Mosul và Aqra, Thống đốc của Mosul, đón tiếp.

Mosul là thủ đô hành chính của Ninivê cách thủ đô Baghdad 465km về phía tây bắc, trên bờ tây sông Tigris, đối diện với di tích khảo cổ của thành phố Assyria cổ đại, có niên đại trở lại 6.000 năm trước Công nguyên. Trong suốt 2.500 năm, Mosul đã đại diện cho bản sắc đa dạng của Iraq, nhờ sự chung sống, trong các bức tường của Thành Cổ, của các nhóm sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau. Được thành lập vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, là một phần của đế quốc Assyria, Mosul là một trung tâm thương mại quan trọng trong thời đại Abbasid, do vị trí chiến lược của nó, và đạt đến đỉnh cao ảnh hưởng vào thế kỷ 12 sau Công nguyên, dưới triều đại Zangid. Quyền lực và tầm ảnh hưởng của triều đại này hiện vẫn còn thấy rõ ở một số toà nhà mang tính biểu tượng, bao gồm Đại Giáo đường Hồi giáo al-Nuri và tháp nghiêng nổi tiếng al-Hadba, cao 44m, được gọi là “người gù”.

Từng bị Hồi giáo chiếm đóng, và vào tháng 7/2017, Mosul đã được giải phóng. Ngày nay, cũng nhờ sự hợp tác quốc tế, công việc tái thiết thành phố đang được thực hiện để cho phép những người tị nạn trở về.

Tại Hosh al-Bieaa – quảng trường nhà thờ, Đức Thánh Cha chủ sự buổi cầu nguyện cho các nạn nhân của cuộc chiến.

Bắt đầu buổi cầu nguyện, Đức Tổng Giám mục Mosul có bài diễn văn chào mừng Đức Thánh Cha. Và sau khi hai chứng nhân chia sẻ lời chứng, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào và cám ơn. Trước hết, ngài cám ơn Đức cha Najeeb Moussa Michaeel vì những lời chào mừng, cám ơn chứng tá của Cha Raid Kallo và Gutayba Aagha. Theo Đức Thánh Cha, từ những lời chứng của Cha Raid giúp mọi người biết được những đau khổ của các gia đình Kitô phải bỏ nhà cửa ra đi. Những thiệt hại không chỉ về mặt vật chất mà trên hết là đời sống xã hội văn hoá. Đức Thánh Cha còn cám ơn Cha Raik về chứng tá của những trải nghiệm huynh đệ mà cha đã sống với người Hồi giáo khi trở về Mosul. Điều này cho thấy Chúa Thánh Thần đã làm nở hoa trong sa mạc và cho chúng ta niềm hy vọng vào sự hoà giải và một cuộc sống mới.

Đức Thánh Cha nói: “Trước khi cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của cuộc chiến ở thành phố Mosul này, ở Iraq và khắp Trung Đông, tôi muốn chia sẻ với các anh chị em những tư tưởng này:

Nếu Thiên Chúa là Chúa của sự sống – và Người là như thế – chúng ta không được phép nhân danh Thiên Chúa giết anh em.

Nếu Thiên Chúa là Chúa của bình an – và Người là như thế – thì chúng ta không được phép gây chiến nhân danh Người.

Nếu Thiên Chúa là Chúa của tình yêu – và Người là như thế – chúng ta không được phép ghét anh em.

Giờ đây chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của chiến tranh, để Thiên Chúa Toàn Năng sẽ ban cho họ sự sống đời đời và muôn đời bình an, và đón nhận họ trong vòng tay yêu thương của Người. Và chúng ta cũng cầu nguyện cho tất cả chúng ta. Để dù thuộc bất cứ truyền thống tôn giáo nào, chúng ta có thể sống hài hoà và bình an, ý thức rằng trước mắt Thiên Chúa, chúng ta đều là anh chị em.”

Đức Thánh Cha cầu nguyện:

“Lạy Thiên Chúa Tối Cao, Chúa của thời gian và lịch sử, vì yêu thương Chúa đã tạo dựng thế giới và không ngừng tuôn đổ phúc lành cho các thụ tạo của Chúa. Chúa, Đấng vượt trên đại dương của đau khổ và chết chóc, vượt trên những cám dỗ của bạo lực, bất công, xin hãy đồng hành với những người con Chúa bằng tình thương dịu dàng của Cha.

Ấy thế mà chúng con lại từ chối hồng ân Chúa và để cho những bận tâm, những tham vọng trần thế lôi cuốn. Chúng con thường quên những kế hoạch hoà bình và hoà hợp của Chúa. Chúng chỉ quan tâm đến bản thân và lợi ích nhỏ nhen của chúng con. Dửng dưng với Chúa và người khác, chúng con đã chặn các cánh cửa dẫn đến hoà bình. Vì vậy, điều mà Ngôn sứ Giôna đã nghe nói về Ninivê đã được lặp lại: sự gian ác của loài người đã lên thấu tới trời (Gn 1,2). Chúng con đã không nâng những bàn tay thanh sạch lên Trời (1Tm 2,8), nhưng từ mặt đất lại một lần nữa tiếng máu người vô tội vang lên (St 4,10). Trong tường thuật của Giôna, dân thành Ninivê đã nghe theo lời ngôn sứ Chúa và tìm được ơn cứu độ trong sự hoán cải. Lạy Chúa, giờ đây, chúng con xin phó thác nơi Chúa rất nhiều nạn nhân của lòng căm thù con người chống lại con người. Chúng con cũng xin Chúa tha thứ và ân sủng hoán cải:

Lạy Chúa Kitô xin thương xót chúng con!”

Thinh lặng trong giây lát, Đức Thánh Cha tiếp tục cầu nguyện:

“Lạy Thiên Chúa chúng con, tại thành phố này có hai biểu tượng minh chứng cho ước muốn ngàn năm của nhân loại được đến gần với Chúa hơn: Đền thờ Hồi giáo Al-Nouri với tháp Al Hadba và Nhà thờ Đức Mẹ Đồng Hồ. Đó là một chiếc đồng hồ mà hơn 100 năm qua đã nhắc nhở người qua đường rằng cuộc sống thì ngắn ngủi và thời gian là quý giá. Xin dạy chúng con nhận ra rằng Chúa đã giao phó cho chúng con kế hoạch yêu thương, hoà bình và hoà giải, để chúng con có thể thực hiện kế hoạch đó trong thời đại chúng con đang sống, trong khoảng thời gian ngắn ngủi cuộc sống trần thế của chúng con. Xin hãy làm cho chúng con nhận ra rằng chỉ bằng cách áp dụng điều này vào thực tế ngay lập tức thì thành phố và đất nước này mới có thể được tái xây dựng, và những tâm hồn bị tổn thương bởi nỗi đau có thể được chữa lành. Xin giúp chúng con không dành thời gian để phục vụ lợi ích ích kỷ, cá nhân hoặc nhóm của chúng con, nhưng để phục vụ cho kế hoạch yêu thương của Chúa. Và khi chúng con lạc lối, xin hãy làm cho chúng con biết rằng chúng con có thể lắng nghe tiếng nói của những con người đích thực của Chúa và ăn năn kịp thời, để chúng con không bị hư mất một lần nữa bằng sự huỷ diệt và chết chóc.

Chúng con phó thác nơi Chúa những người có cuộc sống trần gian đã bị rút ngắn bởi bàn tay bạo lực của anh chị em họ; chúng con cũng cầu xin cho những người đã gây tổn hại như vậy cho anh chị em của họ. Xin cho họ biết ăn năn, được cảm hoá bởi quyền năng thương xót của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho họ được nghỉ yên muôn đời và xin ánh sáng ngàn năm chiếu soi trên họ. Amen.”

Sau đó, Đức Thánh Cha khánh thành bia kỷ niệm và chim bồ câu trắng được thả biểu tượng của hoà bình

Đức Thánh Cha ban phép lành trước khi rời quảng trường, và chào một số nhân vật tôn giáo và dân sự.

Ngọc Yến