25/12/2024

Uống nước ở nhiệt độ nào là tốt nhất?

Uống nước ở nhiệt độ nào là tốt nhất?

Có thể nói rằng tất cả chúng ta đều cố gắng uống nhiều nước suốt cả ngày, đặc biệt là khi tập thể dục nhiều hơn và khi cố gắng giảm cân.
Nên giữ cho cơ thể luôn đủ nước /// Ảnh: Shutterstock
Nên giữ cho cơ thể luôn đủ nước ẢNH: SHUTTERSTOCK
Nhưng bạn có biết uống nước ở nhiệt độ nào sẽ tốt cho cơ thể hơn không?
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí về chuyển hóa Clinical Endocrinology and Metabolism đã xem xét tác động của việc uống nước ở người trưởng thành khỏe mạnh.
Mỗi người tham gia được cho uống gần 500 ml nước ở nhiệt độ phòng.
Kết quả là trong vòng 40 phút sau khi uống nước, những người tham gia đã tăng 30% sự trao đổi chất, theo First For Woman.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng uống 2 lít nước ở nhiệt độ phòng hằng ngày có thể làm tăng tiêu hao năng lượng của cơ thể, đồng thời cũng thúc đẩy sự tiêu hóa tuyệt vời.
Uống nước không quá lạnh cũng đã được chứng minh là có thể làm dịu táo bón như nghiên cứu đã đề xuất trên tạp chí về tiêu hóa Gastrointestinal Nursing.
Nghiên cứu đã xem xét điều gì xảy ra sau khi bệnh nhân đã phẫu thuật cắt túi mật được uống khoảng 200 ml nước ở nhiệt độ vừa phải.
Kết quả chỉ ra, những người uống nước có thể đi vệ sinh dễ dàng hơn nhiều so với không uống nước, theo First For Woman.
Rõ ràng, ngoài việc giữ cho cơ thể đủ nước, lưu ý đến nhiệt độ của nước uống là chìa khóa để thúc đẩy quá trình trao đổi chất của bạn đạt mức cao để đốt cháy chất béo và giảm cân nhanh chóng.

Lợi ích tuyệt vời của việc uống nước nóng

Uống nước ở nhiệt độ nào là tốt nhất? - ảnh 1

Đơn giản chỉ cần cảm nhận nước không quá nóng hoặc quá lạnh là được

1. Có thể làm giảm nghẹt mũi

Một cốc nước nóng tạo ra hơi nước. Cầm một cốc nước nóng và hít sâu làn hơi nhẹ nhàng này có thể giúp làm thông các xoang bị tắc và thậm chí giảm đau đầu do viêm xoang.
Uống nước nóng có thể giúp làm ấm màng nhầy trong xoang và làm dịu cơn đau họng do chất nhầy tích tụ, theo Health Line.
Theo một nghiên cứu, uống nước nóng giúp giảm sổ mũi, ho, đau họng và mệt mỏi nhanh chóng và lâu dài.

2. Có thể hỗ trợ tiêu hóa

Uống nước nóng đặc biệt hiệu quả để kích hoạt hệ tiêu hóa.
Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy nước ấm có thể có tác dụng thuận lợi đối với chuyển động của ruột và tống khí ra ngoài sau khi phẫu thuật.

3. Có thể cải thiện chức năng hệ thần kinh trung ương

Nghiên cứu từ năm 2019 đã chỉ ra rằng uống nước – dù nóng hay lạnh, có thể cải thiện hoạt động của hệ thần kinh trung ương, cũng như tâm trạng.
Nghiên cứu này cho thấy rằng uống nước giúp tăng cường hoạt động não trong các hoạt động trí óc và cũng làm giảm sự lo lắng.

4. Có thể giúp giảm táo bón

Trong nhiều trường hợp, uống nước là cách hữu hiệu để ngăn ngừa táo bón. Uống đủ nước sẽ giúp làm mềm phân và giúp đi ngoài dễ dàng hơn.
Uống nước nóng thường xuyên có thể giúp đại tiện đều đặn.

5. Cải thiện lưu thông máu

Uống nước ấm có thể giúp các cơ quan tuần hoàn – động mạch và tĩnh mạch – giãn nở và đưa máu đi khắp cơ thể hiệu quả hơn.

6. Có thể giảm mức độ căng thẳng

Vì uống nước nóng giúp cải thiện các chức năng của hệ thần kinh trung ương, nên sẽ giúp giảm cảm giác lo lắng, giữ sự bình tĩnh, hài lòng và cảm xúc tích cực.
Ngoài ra, hơi ấm từ việc uống nước nóng hoặc tắm vào ban đêm có thể giúp bạn thư giãn và chuẩn bị cho giấc ngủ ngon.

7. Có thể giúp giải độc cơ thể

Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy uống nhiều nước hơn có thể giúp bảo vệ thận nhờ làm loãng các chất thải trong máu,
Và theo Tổ chức Viêm khớp, uống nước rất quan trọng để thải độc cơ thể. Nó cũng có thể giúp chống viêm, giữ cho khớp được bôi trơn tốt và ngăn ngừa bệnh gút, theo Health Line.

Còn uống nước lạnh thì sao?

Uống nước lạnh ảnh hưởng đến cơ thể của bạn theo những cách mà bạn có thể không lường trước.
Một nghiên cứu cho thấy uống nước lạnh khiến chất nhầy ở mũi dày hơn và khó đi qua đường hô hấp hơn.
Nếu bạn đang cố gắng điều trị cảm lạnh hoặc cúm, uống nước lạnh có thể khiến tình trạng tắc nghẽn trở nên tồi tệ hơn.
Có một số căn bệnh mà uống nước lạnh có thể làm trầm trọng thêm.
Uống nước lạnh còn có thể gây ra chứng đau nửa đầu ở những người đã từng bị chứng đau nửa đầu, theo Health Line.
Chứng achalasia – một chứng bệnh làm ngăn cản thức ăn di chuyển qua thực quản, cũng có thể trở nên tồi tệ hơn khi uống nước lạnh trong bữa ăn.

Nên uống nước ấm cỡ nào?

Uống nước ở khoảng 20 độ C là tốt nhất.
Đơn giản chỉ cần cảm nhận nước không quá nóng hoặc quá lạnh là được.
Cần chú ý tránh uống nước quá nóng vì có thể làm hỏng mô trong thực quản, đốt cháy vị giác và bỏng lưỡi, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng.
Vì vậy, từ bây giờ hãy bỏ thói quen uống nước đá và tập uống nước ấm bạn nhé!
THIÊN LAN
TNO