24/12/2024

Tu viện dòng Franciscaines – Đà Lạt cần được đối xử như di sản

Tu viện dòng Franciscaines – Đà Lạt cần được đối xử như di sản

Xung quanh số phận của công trình nhà nguyện và đan viện Benedict / Tu viện dòng Franciscaines – Đà Lạt (Tuổi Trẻ ngày 2-3), Tuổi Trẻ ghi nhận thêm ý kiến chuyên gia và người trong cuộc.

 

Tu viện dòng Franciscaines - Đà Lạt cần được đối xử như di sản - Ảnh 1.

Mặt trước khu nhà ở của các nữ tu thuộc công trình tu viện dòng Franciscaines – Đà Lạt – Ảnh: Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM

PGS.TS Lê Văn Thương (hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc TP.HCM):

Chúng tôi giữ gìn tối đa công trình

Tu viện dòng Franciscaines - Đà Lạt cần được đối xử như di sản - Ảnh 2.

PGS.TS Lê Văn Thương

Về mặt hình thức, đối với khu nhà nguyện và khu nhà ở của các tu sĩ (những công trình đầu tiên trên khu đất), chúng tôi sẽ gìn giữ nguyên như hiện nay. Những chi tiết bị hư hỏng như cửa, vì, kèo trên mái… sẽ sửa chữa lại hoặc thay mới. Đây là hai công trình mà trường quan tâm nhất trong khuôn viên.

Chúng tôi sẽ giữ lại nguyên bản kiến trúc và kết cấu; giữ nguyên hiện trạng đá lát tường; vệ sinh, làm sạch lại những mảng tường bên ngoài bị ẩm mốc; vệ sinh lại ngói cũ, thay thế các viên ngói bị hư hỏng; thay thế khung cửa sổ mái…

Phần nhà dòng sẽ cải tạo tường bên ngoài nhà, tháo dỡ toàn bộ hệ cửa cũ và thay hệ cửa mới (vì người dân ở đây đã làm hỏng và thay thế toàn bộ hệ cửa nguyên thủy của khu nhà), tháo dỡ mái hiện trạng, vệ sinh ngói cũ, lợp lại bằng ngói cũ, thay mới hệ vì, kèo, cầu phong, xà gồ, thanh chống bằng vật liệu an toàn…

Khối nhà là trường học hiện không còn nguyên như bản xây dựng ban đầu. Các đơn vị sử dụng trước đây đã xây thêm khối hành lang áp sát vào hai mặt của khối trường học nhưng không xây mái che bên trên. Vì vậy trong phương án sửa chữa, đơn vị thiết kế đã thiết kế thêm mái ngói ở các tầng để mưa khỏi tạt vô.

Tinh thần là chúng tôi giữ gìn tối đa theo kiến trúc, vật liệu nguyên bản, chỗ nào mục cũ thì phải thay thế vật liệu mới cho bảo đảm. Ngay cả màu sơn cũng giữ lại theo màu nguyên bản.

Sau khi cải tạo, nhà nguyện sẽ được sử dụng làm hội trường. Khu nhà ở của các tu sĩ cũng sẽ được giữ nguyên công năng ở, khối trường học cũ được sử dụng làm giảng đường. Người dân có thể chụp ảnh bây giờ để so sánh với công trình sau khi sửa chữa xong. Bảo đảm chúng tôi chỉ làm cho công trình sạch sẽ, chắc chắn hơn.

KTS Cao Thành Nghiệp: 

Việc bảo tồn công trình này còn có ý nghĩa giáo dục về kiến trúc

Tu viện dòng Franciscaines - Đà Lạt cần được đối xử như di sản - Ảnh 3.

KTS Cao Thành Nghiệp

Mặc dù công trình tu viện dòng Franciscaines – Đà Lạt không phải là di sản, không thuộc danh sách công trình kiểm kê của UBND tỉnh Lâm Đồng, nhưng đó là một công trình có giá trị kiến trúc.

Đây là cụm công trình hội tụ hai hình thức kiến trúc tiêu biểu trong hai giai đoạn phát triển của Đà Lạt – giai đoạn trước năm 1945 và giai đoạn từ 1955 – 1975. Công trình có tỉ lệ mặt đứng kiến trúc và màu sắc vật liệu xây dựng rất hài hòa, các công trình có sự chuyển tiếp trong kiến trúc mà khó có cụm công trình nào ở Đà Lạt có được.

Chủ đầu tư công trình ở đây là Trường đại học Kiến trúc TP.HCM, một đơn vị nổi tiếng về đào tạo kiến trúc trong cả nước. Việc bảo tồn giá trị kiến trúc của cụm công trình này còn có ý nghĩa giáo dục về kiến trúc và bảo tồn đối với các thế hệ sinh viên của trường. Vì vậy, công trình trên cần phải được bảo tồn bài bản chứ không chỉ sửa chữa như một công trình đơn giản.

Vì công trình đã cũ, kết cấu chịu lực yếu nên khi sửa chữa cần có một hệ giằng để bảo vệ các cấu kiện kiến trúc không bị biến dạng trong quá trình thi công. Các đơn vị thi công, tư vấn giám sát… phải có chuyên môn về bảo tồn và trùng tu di sản.

ThS Ninh Việt Anh (giảng viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM):

Phải rất cẩn trọng

 

kts ninh viet anh

ThS Ninh Việt Anh

Đối với công trình có giá trị, việc bảo tồn phải rất cẩn trọng, phải trực tiếp cụ thể từng hạng mục. Ví dụ, phần cửa khi thay mới cần đúng với hình ảnh cũ (tỉ lệ, kiểu dáng, vật liệu).

Ngoài ra, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hiện hệ cửa của đan viện (khu nhà nguyện và khu nhà ở của các tu sĩ) vẫn còn một số cửa khung còn tốt chứ không phải đã hỏng hết.

Bảo tồn một công trình không thể chỉ quan tâm tới công trình đó, mà còn cần quan tâm tới các mối liên hệ với các kiến trúc xung quanh, với cảnh quan môi trường và con người sử dụng.

Việc hai dãy nhà học bị tác động khá mạnh tay về mặt đứng, mái (thay đổi hình thức, thay đổi độ dốc, tăng mật độ xây dựng thay đổi cảnh quan chung) không chỉ làm bản thân công trình này bị thay đổi lớn mà còn đang tác động trực tiếp tới kiến trúc của tòa đan viện, làm mất đi tỉ lệ kiến trúc chung trong tổng thể đã được bồi đắp ở thời gian trước…

Phương án cải tạo tòa nhà này đang phần nào làm giảm các giá trị kiến trúc, lịch sử của cụm công trình cũng như nếu xét riêng công trình tòa đan viện.

THIÊN ĐIỂU ghi

D.NGỌC HÀ ghi
TTO