25/12/2024

Tiếng Hàn, tiếng Đức được đưa vào chương trình phổ thông, học sinh được tự chọn

Tiếng Hàn, tiếng Đức được đưa vào chương trình phổ thông, học sinh được tự chọn

Chương trình phổ thông nay sẽ có thêm hai ngoại ngữ là tiếng Hàn và tiếng Đức. Các trường có thể tự chọn hai ngoại ngữ này để dạy, học sinh được tự chọn chứ không bị bắt buộc lựa chọn như thông tin lan truyền gần đây.

 

Tiếng Hàn, tiếng Đức được đưa vào chương trình phổ thông, học sinh được tự chọn - Ảnh 1.

Một tiết học với giáo viên nước ngoài của học sinh lớp tích hợp Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG

Bộ Giáo dục và đào tạo vừa có quyết định ban hành chương trình giáo dục phổ thông tiếng Hàn và tiếng Đức – ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm.

Với quyết định này, môn tiếng Hàn và tiếng Đức được coi là ngoại ngữ 1, được tổ chức giảng dạy từ lớp 3 đến hết lớp 12. Quyết định có hiệu lực từ 9-2-2021.

Mục tiêu cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Đức hoặc tiếng Hàn là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp).

Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể theo các chủ điểm, và chủ đề phù hợp với nhu cầu, khả năng của học sinh phổ thông nhằm giúp học sinh đạt được các yêu cầu quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết thông tin đang lan truyền trên mạng cho rằng “tiếng Hàn được coi là ngoại ngữ 1, nên sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12” là không chuẩn xác.

Khái niệm ngoại ngữ 1 đúng là ngoại ngữ bắt buộc. Tuy nhiên quy định của Chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2006 cho phép học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ 1.

Năm 2011, bộ tiếp tục cho phép tiếng Nhật là ngoại ngữ 1 được dạy trong trường phổ thông.

Thực tế các trường phổ thông đã có thêm các lớp tiếng Nhật, phụ huynh và học sinh nào có nhu cầu chọn tiếng Nhật là ngoại ngữ chính sẽ đăng ký vào các lớp này, chứ trường không bắt buộc.

Với quyết định nêu trên, có thể hiểu Bộ Giáo dục và đào tạo bổ sung hai ngôn ngữ tiếng Hàn và tiếng Đức vào chương trình phổ thông, còn có chọn học hai thứ tiếng này hay không là quyền của học sinh.

NGỌC DIỆP
TTO