Thách đố của cộng đoàn Kitô hữu thiểu số Iraq để duy trì sự hiện diện của Kitô giáo
Từ con số 1,5 triệu, do chiến tranh, khủng bố, bạo lực, bách hại, hiện nay tại Iraq chỉ còn khoảng hơn 300.000 Kitô hữu. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định mục đích của chuyến thăm Iraq là để bày tỏ tình liên đới với cộng đoàn Kitô hữu thiểu số tại nước này. Làm thế nào để các Kitô hữu ở lại vùng đất cổ kính của Kitô giáo là một thách đố đối với các Kitô hữu Iraq và cũng là của Giáo hội hoàn vũ.
Chỉ còn 2 ngày nữa là Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ lên đường thực hiện chuyến viếng thăm lịch sử kéo dài 4 ngày tại Iraq. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định chuyến đi của ngài là để bày tỏ tình liên đới với cộng đoàn Kitô hữu thiểu số tại Iraq. Trước năm 2003, tại Iraq có khoảng 1,5 triệu Kitô hữu, chiếm khoảng 6% dân số. Nhưng theo thống kê mới nhất, tại nước này ước tính chỉ còn khoảng 300.000 đến 400.000 Kitô hữu. Và số Kitô hữu này đang ngày càng giảm đi do các vụ xuất cư để tránh khỏi bạo lực, chiến tranh, bách hại, khủng bố.
Sự hiện diện lâu đời của Kitô giáo tại Iraq
Trong bối cảnh này, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha chắc chắn sẽ đặc biệt có ý nghĩa đối với cộng đoàn Kitô hữu Iraq, cộng đoàn đã hiện diện tại vùng Mesopotamia – Lưỡng hà – từ thời đầu của Kitô giáo. Theo truyền thống, Kitô giáo được loan báo đến những vùng đất này từ thế kỷ thứ I, sau khi Thánh Tôma Tông đồ và các môn đệ của ngài rao giảng Tin Mừng đến tận vùng Đông Á. Do đó Iraq là một miền đất trong Kinh Thánh và có tầm quan trọng lịch sử đối với mọi Kitô hữu, bởi vì sự phong phú văn hoá và tôn giáo của nó có ảnh hưởng quyết định.
Hiện diện tại Iraq có các Giáo hội Kitô khác nhau. Bên cạnh các Giáo hội Công giáo Canđê, Siriac, Armeni, Latinh, Melkite, còn có các Giáo hội Chính thống và Tin Lành.
Giáo hội Công giáo Canđê
Giáo hội Công giáo Canđê là cộng đoàn Kitô giáo đông nhất tại Iraq với khoảng 250 ngàn tín hữu vào năm 2010, nhưng đã giảm dần từ năm 2014, khi Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng miền bắc Iraq. Giáo hội này có 5 tổng giáo phận: Baghdad, Erbil, Bassorah, Kerkuk và Mosul. Ngôn ngữ phụng vụ của Giáo hội Canđê là tiếng Aramaico, nhưng vì các tín hữu hiện nói tiếng Ả Rập nên Thánh lễ được cử hành bằng hai ngôn ngữ.
Giáo hội Công giáo Canđê luôn là tiếng nói kêu gọi hòa giải, tha thứ, hiệp nhất và gắn kết. Trước tình trạng người dân phải di cư và tị nạn, rời bỏ nhà cửa do bạo lực và các cuộc tấn công khủng bố, Giáo hội hỗ trợ vật chất và luân lý cho người dân. Các linh mục và giám mục góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về thảm kịch của dân chúng.
Lịch sử Kitô giáo tại Iraq là một lịch sử của bách hại và phân biệt đối xử
Kể từ khi Hồi giáo xuất hiện và ngay cả sau khi nước Iraq độc lập ra đời, Kitô giáo đã bị đánh dấu bởi sự đàn áp và phân biệt đối xử. Saddam Hussein đã khai sinh ra một chế độ thế tục, trong đó, bất chấp việc quốc hữu hoá các trường học của Kitô giáo và sự phân biệt đối xử dai dẳng, các Kitô hữu đã tìm ra một phương thức để Giáo hội có thể thực hiện các hoạt động, cả trong lĩnh vực bác ái xã hội. Nhưng ngay từ thời chế độ độc tài này, các Kitô hữu đã gia tăng xuất cư do các cuộc chiến tranh nối tiếp nhau trên đất nước bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ XX.
Những cuộc xuất cư lớn sau năm 2003 và giữa các năm 2014 đến 2017
Những cuộc xuất cư lớn nhất tại Iraq xảy ra sau cuộc can thiệp quân sự của Hoa Kỳ vào năm 2003, do tình trạng mất an ninh, bạo lực và các cuộc tấn công, và từ năm 2014 đến năm 2017, sau khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS ) chiếm miền bắc Iraq. Chỉ trong giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 3 năm 2015, 1.200 Kitô hữu đã bị giết, bao gồm Đức cha Paulos Rahho, Tổng Giám mục Giáo phận Mosul của Công giáo Canđê, bị sát hại vào năm 2008; 5 linh mục và 48 là nạn nhân của cuộc tấn công thánh chiến vào ngày 31 tháng 10 năm 2010, chống lại Công giáo Syriac tại Nhà thờ Đức Mẹ Phù Hộ; và 62 nhà thờ bị hư hại hoặc phá huỷ.
Kitô giáo bị xoá sổ tại vùng bình nguyên Ninive
Việc Nhà nước Hồi giáo chiếm vùng bình nguyên Ninive, chiếc nôi lịch sử của Kitô giáo ở vùng Lưỡng Hà, đã xoá sổ sự hiện diện của Kitô giáo ở khu vực này, theo đúng nghĩa đen. Hơn 100.000 Kitô hữu, cùng với các nhóm thiểu số bị đàn áp khác như người Yazidis, đã buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ. Nhiều gia đình trong số những gia đình này đã tìm ẩn náu ở vùng Kurdistan của Iraq, chính xác hơn là ở Ankawa, khu Kitô giáo của Erbil, trong các trại tị nạn ở Jordan, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Liban, hoặc đã xin tị nạn ở Châu Âu và các châu lục khác.
Kitô hữu cũng rời bỏ miền Kurdistan
Trong những năm gần đây, ít nhất 55.000 Kitô hữu Iraq cũng đã rời bỏ miền Kurdistan của Iraq. Các chiến binh thánh chiến đã điên cuồng hủy diệt, không chừa các nhà thờ và tài sản của họ, vốn đã bị phá huỷ hoặc hư hại nghiêm trọng. Một phần quan trọng của di sản lịch sử Kitô giáo đã được cứu khỏi sự tàn phá này nhờ Đức cha Najib Mikhael Moussa, Tổng Giám mục Mosul từ tháng 1 năm 2019. Ngài đã cứu được hơn 800 bản thảo lịch sử có từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19. Đây là một kỳ tích và vị giám mục Dòng Đaminh đã được Liên minh Châu Âu trao tặng Giải thưởng Sakharov vào năm 2020.
Tình trạng bất an và chủ nghĩa bè phái tiếp tục đe dọa sự hiện diện của Kitô hữu ở Iraq
Sau thất bại của vương quốc Hồi giáo ở Iraq vào năm 2017, các Ki-tô hữu dần dần bắt đầu quay trở lại vùng bình nguyên Ninive, nhờ sự hỗ trợ của Giáo hội hoàn vũ và đặc biệt là của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ, là tổ chức đóng góp vào việc tái thiết hơn 14.000 ngôi nhà và nhà thờ đã bị phá huỷ hoặc hư hại. Trong số 363 công trình có liên quan bao gồm cả các công trình có chức năng y tế, hỗ trợ xã hội và giáo dục, 34 công trình hoàn toàn bị phá huỷ, 132 bị cháy và 197 bị hư hỏng một phần.
Kitô hữu Ninive hồi hương
Vào tháng 11 năm 2020, gần một nửa số Kitô hữu của Ninive đã trở về, trong khi 80% nhà thờ ở bình nguyên đang trong quá trình xây dựng lại (ngoại trừ Mosul, nơi mà do sự chậm chạp về mặt hành chính, công việc chỉ bắt đầu ở một nhà thờ trong số 10 nhà thờ). Cho đến nay, khoảng 57% số ngôi nhà bị thiệt hại thuộc về các gia đình Kitô hữu trong khu vực và nằm trong kế hoạch can thiệp đã được xây dựng lại, trong đó 35% nhờ Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ. Từ năm 2014 đến cuối năm 2020 tổ chức này đã lạc quyên được hơn 48 triệu euro để bảo đảm sự hiện diện của Kitô hữu ở Iraq.
Sự trợ giúp của Giáo hội hoàn vũ
Sau thất bại của Nhà nước Hồi giáo, nguồn tài trợ của tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ đã được chuyển từ viện trợ khẩn cấp thành các dự án tái thiết và tái cấu trúc. Nhờ tổ chức này, 3 Giáo hội Kitô chính ở vùng bình nguyên Ninive (Canđê, Công giáo Syriac và Chính Thống Syriac) đã thành lập Uỷ ban Tái thiết Ninive (NRC) với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các Kitô hữu trở về với cộng đồng gốc của họ, sau khi Nhà nước Hồi giáo sụp đổ, và đảm bảo cho họ và các nhóm thiểu số khác được bảo vệ hợp pháp và bảo vệ các quyền cơ bản của con người, đặc biệt là quyền công dân đầy đủ. Nỗ lực liên đới tuyệt vời của cộng đồng Công giáo quốc tế đã giúp hơn 45% các gia đình cư dân ở Ninive bị bạo lực Hồi giáo xua đuổi có thể trở về quê hương.
Nỗi sợ hãi sự trở lại của Nhà nước Hồi giáo (IS)
Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn và sợ hãi ngăn cản sự trở lại của nhiều người. Tình trạng thiếu an ninh, sự quấy rối, đe doạ và việc dân quân và các nhóm thù địch đòi tiền dân chúng tiếp tục là mối đe doạ thực sự đối với cộng đồng Kitô hữu Iraq, đặc biệt là ở vùng lãnh thổ này. Báo cáo “Cuộc sống sau thời Nhà nước Hồi giáo: Những thách thức mới đối với Kitô hữu ở Iraq”, được công bố hồi mùa thu năm 2020, nhấn mạnh rằng trong số những nguyên nhân chính gây ra nỗi sợ hãi là hoạt động bạo lực của dân quân địa phương và khả năng trở lại của Nhà nước Hồi giáo. Kết quả là 57% Kitô hữu cân nhắc việc di cư và 55% trong số này có kế hoạch thực hiện vào năm 2024.
Những khó khăn không ngừng đối với các Kitô hữu Iraq được xác nhận bởi “Open Doors”, một tổ chức Kitô giáo giúp đỡ các Kitô hữu bị đàn áp vì đức tin. Theo đó, Iraq đứng thứ 13 trong danh sách 50 quốc gia trên thế giới có điều kiện sống khó khăn nhất đối với các Kitô hữu. Tổ chức phi chính phủ cam kết giúp đỡ các Kitô hữu Iraq thông qua sáng kiến ”Trung tâm Hy vọng” nhằm xây dựng lại nhà cửa, hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế – xã hội, trường học và thúc đẩy tinh thần của họ.
Một Nhà nước thế tục, bảo đảm đầy đủ quyền công dân cho Kitô hữu Iraq
Để bảo đảm một tương lai cho các Kitô hữu ở một nước Iraq hiệp nhất và không còn đe doạ của các phần tử thánh chiến cực đoan, trước hết cần nhìn nhận quyền công dân đầy đủ và thật sự của họ. Vì thế, từ nhiều năm qua, các Giáo hội Kitô đã yêu cầu một Hiến pháp thế tục và chỗ đứng cho Kitô hữu trong đời sống chính trị và xã hội của quốc gia. Hiến pháp được phê chuẩn năm 2005 đảm bảo tôn trọng tự do tôn giáo nhưng trong điều 2 lại thiết lập Hồi giáo là tôn giáo chính thức và là nguồn luật chính. Do đó, Hồi giáo tiếp tục là một tôn giáo đặc quyền trong chính quyền Iraq, gây bất lợi cho người dân thuộc các nhóm thiểu số, những người trên thực tế bị phân biệt đối xử, ngay cả trong việc tiếp cận các vị trí công quyền và học thuật.
Một Nhà nước dựa trên bình đẳng, công lý, luật pháp
Đức Thượng phụ Louis Raphaël Sako, Giáo chủ Công giáo Canđê, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc đối thoại can đảm giữa tất cả các bên liên quan ở Iraq để xây dựng một nhà nước đa nguyên và mạnh mẽ, tôn trọng mọi công dân, bất kể sắc tộc của họ, trong đó không có chỗ đứng cho sự ganh đua bè phái.
Hội đồng năm 2019 của Giáo hội Canđê kêu gọi thành lập một nhà nước “dân sự” dựa trên “bình đẳng, công lý, luật pháp” và công nhận sự đại diện công bằng cho các Kitô hữu trong các cơ quan chính phủ. Chính các Kitô hữu phải được chọn đại diện của họ trong Quốc hội và trong các hội đồng cấp tỉnh, đặc biệt là đối với “hạn ngạch” được giao cho các nhóm thiểu số, mà không có sự can thiệp của “các đảng lớn” có thể thao túng phiếu bầu và sự đồng ý. Các lãnh đạo Giáo hội đẩy mạnh việc thành lập một liên minh các đảng Kitô giáo, để đảm bảo sức mạnh quyết định lớn hơn, cả ở cấp chính quyền trung ương và ở khu tự trị Kurdistan của Iraq.
Những thay đổi tích cực
Từ khi nhậm chức vào ngày 7 tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Mustafa al Kadhimi đã nhiều lần bày tỏ ý muốn ngăn chặn việc các Kitô hữu xuất cư và mời gọi họ tham gia vào việc tái thiết đất nước. Ông nhấn mạnh rằng họ đại diện cho một trong những thành phần đích thực nhất của Iraq. Những lời tuyên bố của ông được đi kèm với những hành động cụ thể như bổ nhiệm một nữ tín hữu Công giáo Canđê làm Bộ trưởng Bộ tị nạn và di dân, hay việc Quốc hội công nhận Lễ Giáng Sinh là ngày nghỉ lễ trên toàn quốc.
Mới đây, vị thủ lĩnh Hồi giáo Shiite, Muqtada al Sadr, người đứng đầu đảng Sadrist hùng mạnh đã gặp Đức Thượng phụ Sako và công bố thành lập uỷ ban thu thập và xác minh các tin tức và khiếu nại liên quan đến các trường hợp chiếm đoạt bất hợp pháp các bất động sản của các Kitô hữu ở nhiều vùng khác nhau. Vào tháng 2, chiến dịch trả lại tài sản bị chiếm đoạt cho các chủ sở hữu hợp pháp của họ đã được phát động.