23/12/2024

Nỗ lực tìm nguồn 150 triệu liều vắc xin Covid-19

Nỗ lực tìm nguồn 150 triệu liều vắc xin Covid-19

Theo Bộ Y tế, sau lô vắc xin Covid-19 đầu tiên với 117.000 liều về VN hôm 24.2 vừa qua, cuối tháng 3.2021 có thể thêm 1,2 triệu liều.
Lô hàng 117.000 liều vắc xin Covid-19 đầu tiên về VN được chuyển bảo quản kho lạnh chờ ngày tiêm chủng /// ẢNH: VNVC
Lô hàng 117.000 liều vắc xin Covid-19 đầu tiên về VN được chuyển bảo quản kho lạnh chờ ngày tiêm chủng  ẢNH: VNVC
Dự kiến, trong năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 150 triệu liều vắc xin Covid-19 từ nguồn tài trợ và nhập khẩu.

Đàm phán từ nhiều nguồn

Trong số 150 triệu liều vắc xin Covid-19, nguồn của COVAX Facility (cơ chế “Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa Covid-19”) khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế cho biết đang nỗ lực đàm phán để trong năm 2021 có đủ 30 triệu liều này. Tuy nhiên, COVAX cũng phụ thuộc vào nguồn vắc xin được cung cấp từ các nhà sản xuất để có thể cung ứng đủ như cam kết, do nhu cầu đặt mua rất cao. Thứ 2 là nguồn vắc xin của AstraZeneca, với 30 triệu liều, do Công ty Việt NamVC nhập khẩu.
Nguồn thứ 3 là vắc xin của Pfizer. Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán và xin chủ trương huy động xã hội hóa cho việc tiếp cận nguồn vắc xin này, khả năng trong năm 2021 Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều.
Thứ 4 là tiếp cận vắc xin Sputnik V của Nga. Bộ Y tế đã họp hội đồng cấp phép cho vắc xin của Nga. Nhà sản xuất thông báo có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 60 triệu liều trong năm nay. Ngoài ra, theo bộ này, các tập đoàn, công ty cũng đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin khác…
Từ những nguồn khả dĩ, Bộ Y tế dự kiến ngoài 1,3 triệu liều về trong quý 1, quý 2 sẽ có 9,5 triệu liều, quý 3 có 25,9 triệu liều và quý 4 có 51,1 triệu liều… Các nguồn khác sẽ được xác nhận trong thời gian tới.
Nỗ lực tìm nguồn 150 triệu liều vắc xin Covid-19

Kiểm tra nhiệt độ kho bảo quản vắc xin Covid-19

Giữa tháng 3 tiêm mũi đầu tiên

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng thông tin, lô vắc xin Covid-19 đầu tiên với 117.000 liều về Việt Nam hôm 24.2 vừa qua sẽ được tiêm cho các đối tượng ưu tiên là nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19; lực lượng biên phòng đang làm nhiệm vụ tại các chốt, lực lượng công an tại các khu vực cách ly phong tỏa, lực lượng lấy mẫu, truy vết, lực lượng phòng chống dịch thuộc các tổ Covid-19 cộng đồng, các phóng viên tác nghiệp tại khu vực có dịch… Khoảng giữa tháng 3 sẽ tiến hành tiêm lô vắc xin đầu tiên.

Thêm 12 ca lây nhiễm trong nước và 4 ca nhập cảnh từ Campuchia

Ngày 28.2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo ghi nhận 16 ca mắc Covid-19 mới, là các bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 2.433 – 2.448 tại Việt Nam. Trong đó, 12 ca ghi nhận trong nước tại Hải Dương; 4 ca nhập cảnh từ Campuchia, được cách ly ngay tại Tây Ninh 3 ca và Đồng Tháp 1 ca.

Cụ thể, trong số 12 ca tại Hải Dương, H.Kim Thành có 6 ca (BN 2433, 2435, 2436, 2437, 2445 và 2447), H.Nam Sách 1 ca (BN 2434), TP.Chí Linh 2 ca (BN 2438 và 2439), H.Cẩm Giàng 1 ca (BN 2444), TP.Hải Dương 1 ca (BN 2446) và H.Kinh Môn 1 ca (BN 2448). Đây là các ca F1 và ca bệnh được phát hiện qua sàng lọc trong khu vực đã phong tỏa, riêng BN 2448 được phát hiện qua lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng.
Trong 4 ca nhập cảnh, có 3 ca tại tỉnh Tây Ninh gồm BN 2440 (nữ, 58 tuổi) và BN 2441(nữ, 60 tuổi, cùng địa chỉ tại Q.Tân Bình, TP.HCM), BN 2442 (nữ, 66 tuổi, địa chỉ tại Q.1, TP.HCM). 1 ca nhập cảnh tại tỉnh Đồng Tháp là BN 2443 (nam, 37 tuổi, địa chỉ tại H.Châu Thành, Hậu Giang).
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, thuộc BCĐ, trong ngày 28.2 có 32 BN được công bố khỏi bệnh. Trong số 2.448 BN Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam từ đầu dịch đến nay, có 1.876 ca đã được điều trị khỏi.

Lô 1,2 triệu liều về cuối tháng 3.2021 sẽ ưu tiên tiêm cho những người có nguy cơ tại vùng có nguy cơ Covid-19. Các địa phương, bộ, ngành chủ động lên danh sách, số lượng trong nhóm được tiêm đầu tiên. Cục Y tế dự phòng, Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia sẽ trực tiếp triển khai việc tiêm vắc xin này. “Kế hoạch tiêm chi tiết đang được lãnh đạo Bộ xem xét phê duyệt, với yêu cầu tối đa về an toàn”, TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết.

Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, phụ trách chương trình TCMR quốc gia, nhân lực tham gia công tác TCMR và tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam đều đã được tập huấn về tiêm chủng, có kinh nghiệm trong việc tổ chức buổi tiêm. Tuy nhiên, vắc xin phòng Covid-19 là vắc xin mới, nên cán bộ tiêm chủng sẽ được tập huấn về việc sử dụng vắc xin và theo dõi xử lý sự cố bất lợi sau tiêm, đảm bảo an toàn.
Bà Hồng cho hay việc triển khai tiêm vắc xin sẽ theo tiến độ cung ứng vắc xin và người tiêm được theo dõi, giám sát chặt chẽ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai biến. “Cũng như sử dụng thuốc, các loại vắc xin đều có thể có phản ứng không mong muốn bao gồm: phản ứng thông thường như các phản ứng tại chỗ đau, sưng/hoặc đỏ tại chỗ tiêm; phản ứng toàn thân bao gồm sốt và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn) và có thể có những trường hợp nặng hơn, như: phản ứng dị ứng, sốc phản vệ”, bà Hồng thông tin thêm.

Các gien chủng vi rút nào xuất hiện tại Việt Nam?

Theo Bộ Y tế, kết quả giải trình tự gien của trường hợp bệnh nhân Nhật Bản đã tử vong và chùm ca bệnh tại Hà Nội cho thấy đây là vi rút SARS-CoV-2 nhóm 20C, chủng này lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Đài Loan… nhưng không có ở Nhật Bản. Tốc độ lây nhiễm không cao, tuy nhiên mức độ tăng nặng chưa rõ ràng.

Đối với chủng lưu hành tại Hải Dương (là biến chủng
SARS-CoV-2 tại Anh) có 1 mẫu là chủng lưu hành tại Nam Phi; 8 mẫu lưu hành tại Quảng Ninh cũng là biến chủng của Anh.
Mầm bệnh có thể vẫn còn tồn tại trong cộng đồng, do vậy mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch, đặc biệt cần tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Các địa phương tập trung giám sát các cơ sở y tế, bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho trong cộng đồng, các chuyên gia nước ngoài và những người nhập cảnh.

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca (có 117.000 liều đã nhập về Việt Nam) cho thấy các phản ứng thường gặp có tỷ lệ hơn 10%, như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, khó chịu, sốt trên 38 độ C; phản ứng tại chỗ như sưng tấy, ban đỏ tại chỗ tiêm chiếm 1% đến dưới 10%. “Để đảm bảo triển khai vắc xin an toàn, trước khi triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, cán bộ y tế được tập huấn về việc sử dụng vắc xin và theo dõi, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng… Trang thiết bị phòng, chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng (nếu có) cũng được trang bị đầy đủ tại các điểm tiêm”, bà Hồng cho biết và khẳng định hệ thống dây chuyền lạnh để bảo quản vắc xin của Việt Nam bao gồm dây chuyền lạnh trong TCMR ở các tuyến và các cơ sở tiêm chủng dịch vụ có khả năng đáp ứng đủ dung tích bảo quản vắc xin để triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên diện rộng.

LIÊN CHÂU
TNO