23/01/2025

Nhiều nỗi đau từ các ‘tử huyệt’ nhà chung cư

Nhiều nỗi đau từ các ‘tử huyệt’ nhà chung cư

Đã có không ít vụ việc trẻ rơi từ ban công, cửa sổ, lô gia nhà chung cư xuống gây tử vong kèm theo các lời cảnh báo, nhưng nhiều gia đình có con nhỏ vẫn chủ quan trước các “tử huyệt” của nhà chung cư.
Lắp lưới an toàn ở ban công, lô gia, cửa sổ... là biện pháp che chắn giúp hạn chế nguy hiểm cho trẻ nhỏ khi ở nhà chung cư /// Ảnh Lê Quân
Lắp lưới an toàn ở ban công, lô gia, cửa sổ… là biện pháp che chắn giúp hạn chế nguy hiểm cho trẻ nhỏ khi ở nhà chung cư ẢNH LÊ QUÂN

Nỗi đau từ “tử huyệt” nhà chung cư

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa ở những thành phố lớn diễn ra nhanh, xu hướng đô thị nén được đẩy mạnh phát triển với nhà chung cư là tất yếu. Tuy nhiên, kỹ năng ở nhà chung cư của người Việt dường như chưa được chú ý nhiều. Dù nhiều vụ việc đau lòng từng xảy ra, báo chí, mạng xã hội loan tin liên tục nhưng vẫn có không ít người còn chủ quan, có nhận thức chưa đầy đủ về thực hiện các biện pháp an toàn, che chắn trước các “tử huyệt” ở nhà chung cư như ban công, lô gia, cửa sổ…
Khoảng giữa tháng 7.2016, tại tòa nhà Rainbow Linh Đàm, P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai, Hà Nội, một cháu bé 6 tuổi rơi từ tầng 11 xuống tầng 2 tử vong. Gia đình của nạn nhân sống trên tầng 11, tiếp giáp với giếng trời không được lắp lưới an toàn nên khi cháu bé leo lên cửa sổ chơi thì bị ngã.
Chiều 27.5.2017, một bé trai 5 tuổi bất ngờ rơi từ tầng 17 của một chung cư ở P.Văn Quán, Q.Hà Đông, Hà Nội tử vong tại chỗ. Thời điểm xảy ra tai nạn, bé trai ở nhà cùng mẹ trong một căn hộ trên tầng 17, đã leo lên ghế rồi trèo qua cửa sổ lan can, rơi xuống đất.
Ngày 6.7.2018, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận bé gái 4 tuổi rơi từ tầng 7 của một chung cư tại thành phố xuống đất trong tình trạng đa chấn thương. Bé gái ở nhà cùng mẹ, nhưng ra ban công chơi và trèo qua lan can rơi xuống đất.
Ngày 15.11.2018, bé N.Đ.N (5 tuổi) ở nhà cùng ông nội tại tầng 7 của một chung cư ở P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội. Khi đang chơi ngoài ban công, N. trèo qua lan can, rơi xuống đất, nguy kịch.
Đến ngày 3.3.2019, một bé trai 4 tuổi đang chơi đùa ngoài khu vực ban công tầng 3, tòa nhà Rice City, khu đô thị Linh Đàm, P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai, Hà Nội thì bất ngờ rơi xuống đất, bất tỉnh. Tuy đã được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, nhưng do vết thương quá nặng, cháu bé đã tử vong trước khi nhập viện.
Nhiều nỗi đau từ các ‘tử huyệt’ nhà chung cư - ảnh 1

Hình ảnh bé gái 3 tuổi trèo ra từ ban công một căn hộ ở tầng 12A chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng rồi rơi xuống khiến nhiều người không khỏi hoảng sợ  ẢNH CẮT TỪ CLIP NGƯỜI DÂN CUNG CẤP

 

Mới đây nhất, chiều tối 28.2, vụ việc khiến nhiều người không khỏi hoảng sợ đến thót tim khi xem clip bé gái 3 tuổi leo qua lan can rồi treo mình lơ lửng ở ban công một căn hộ ở tầng 12A (tầng 13 – PV) ở chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, P.Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội.
Rất may mắn, bé gái sinh năm 2018 này được anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, ở H.Đông Anh, Hà Nội) làm nghề chờ hàng nghe tiếng khóc, tiếng tri hô của người dân đã nhanh chân leo lên mái tôn ngay dưới vị trí bé gái treo mình, kịp đỡ được khi bé tuột tay rơi xuống. Ngay sau đó, bé gái được đưa đi bệnh viện cấp cứu, xác định bị gãy xương tay, chân, không nguy hiểm đến tính mạng.
Chứng kiến cảnh này qua clip của một cư dân tòa chung cư bên cạnh ghi lại bằng điện thoại đưa lên mạng xã hội, nhiều người không khỏi hoảng sợ đến thót tim. Ngay trong đoạn clip cũng thể hiện nhiều người chứng kiến đã không giữ được bình tĩnh, hét lớn mong có người cứu lấy bé gái 3 tuổi đang trèo qua lan can ban công.

Cần nắm vững kỹ năng ở nhà chung cư

Trong đêm 28.2 đến sáng nay, 1.3, nhiều tài khoản mạng xã hội đã chia sẻ trên trang cá nhân về clip bé gái 3 tuổi trèo qua ban công tại chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng và kèm theo đó là đường link những bài báo viết về vụ việc với mục đích cảnh báo đến người thân, bạn bè cần cẩn trọng, sát sao hơn khi trông trẻ nhỏ, nhất là những gia đình sinh sống ở căn hộ chung cư.
Tại hội, nhóm nhiều nhà chung cư, thông tin về bé gái trèo lan can ban công ở chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng cũng được lan truyền, cảnh tỉnh lẫn nhau…
Anh Phan Tuấn Anh (43 tuổi), cư dân khu chung cư Hapulico ở đường Vũ Trọng Phụng, Q.Thanh Xuân, Hà Nội cách không xa chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, chia sẻ kinh nghiệm từng chuyển qua ở 4 căn hộ chung cư cho biết, đã hơn 10 năm sống ở nhà chung cư, mỗi lần dọn đến căn hộ mới đều chú trọng đến các “tử huyệt” nhà chung cư: ban công, lô gia, cửa sổ… vì những vị trí đó đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là với trẻ nhỏ chưa nhận thức được mối nguy hiểm.
“Lần đầu tiên mua được căn hộ chung ở khu tái định cư Trung Hòa Nhân Chính, cả nhà còn đang chuyển đồ vào thì tá hỏa phát hiện cậu con trai 4 tuổi đang gác chân định trèo qua lan can tầng 8, may mắn kịp thời ngăn lại. Sau lần đó, trước khi chuyển đến căn hộ mới, tôi đều gọi thợ lắp đặt lưới an toàn phủ kín ban công, lô gia, cửa sổ… trong nhà, thậm chí cả cửa thông gió ngoài hành lang. Những nơi nào thấy còn tiềm ẩn nguy cơ, tôi đều cố gắng tìm ra biện pháp giảm thiểu tai nạn. Đáng buồn là vẫn còn nhiều gia đình chưa ý thức hết được mức độ cần thiết của biện pháp che chắn các “tử huyệt” chung cư”, anh Tuấn Anh nói và cho biết đến nay, dù 2 con đã lớn, nhưng vẫn giữ thói quen kiểm tra độ chắc chắn của lưới che ban công thường xuyên có còn đảm bảo qua mưa nắng.
Nhiều nỗi đau từ các ‘tử huyệt’ nhà chung cư - ảnh 2

Chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng ở P.Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội vẫn còn những căn hộ chưa có lưới an toàn ở ban công, lô gia, cửa sổ   ẢNH LÊ QUÂN

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Thu, (62 tuổi), cư dân chung cư Imperia Garden ở 203 Nguyễn Huy Tưởng, cho biết nhà có 2 người già và 1 cậu con trai đã hơn 20 tuổi nhưng trước khi dọn đến đã thuê người lắp lưới che chắn ban công, lô gia lại, tránh trường hợp trẻ con hàng xóm hay con, cháu bạn bè đến chơi xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Người lớn cố gắng để ý thì sẽ hạn chế được rất nhiều nguy cơ cho trẻ nhỏ. Nhất là ở nhà chung cư xu hướng hiện nay, nhiều nhà kê bàn uống trà, để chậu cây ở ban công, lô gia trẻ con rất dễ leo trèo qua. Chưa kể, người trẻ bây giờ cứ về là ôm khư khư điện thoại, ti vi, ít để mắt đến trẻ nhỏ, lơ là thế càng dễ dẫn đến nguy cơ tai nạn cho các bé nên rất cần các biện pháp phong tỏa “tử huyệt” nhà chung cư”, bà Thu phân tích.
Trước đó, từng nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra khiến không ít người giật mình vội gọi thợ lắp lưới chắn ban công, lô gia. Nhưng chỉ được một thời gian hay chỉ trong cộng đồng nhỏ, lẻ là “biết sợ”, còn không ít trường hợp vẫn chưa có ý thức bảo vệ an toàn nhà chung cư.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, từ năm 2008 đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở và công trình công cộng – an toàn sinh mạng và sức khỏe. Theo đó, các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở (lỗ mở bao gồm cả các cửa sổ – PV) phải có lan can chắn và đảm bảo các yêu cầu: từ tầng 9 trở lên, lan can, rào chắn phải có chiều cao tối thiểu 1,4 m (các vị trí khác tối thiểu 1,1 m); phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100 mm; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.
Các yêu cầu kỹ thuật về ban công chung cư đã được nghiên cứu, cân nhắc nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng, phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường ở Việt Nam, đồng thời đảm bảo khả năng cứu nạn, cứu hộ và tự thoát nạn khi xảy ra cháy. Tuy nhiên, việc sử dụng ban công, lô gia, đặc biệt ở những gia đình có con nhỏ, cần được mỗi cá nhân, gia đình quan tâm hơn nữa để tránh những tai nạn đáng tiếc.
LÊ QUÂN
TNO