Làm gì khi trẻ đau tăng trưởng?
Làm gì khi trẻ đau tăng trưởng?
Đau tăng trưởng được xem là đau lành tính trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ.
Nhưng nếu bố mẹ không có khái niệm về cơn đau này để quan tâm, hỗ trợ trẻ thì sẽ dẫn đến hoang mang, không có chế độ sinh hoạt vận động đúng cách.
Ám ảnh những cơn đau về đêm
Nhiều tháng qua, bé T.M.Q (9 tuổi, ngụ Q.Hải Châu, Đà Nẵng) thường xuất hiện những cơn đau nhức ở hai cẳng chân. Cơn đau dai dẳng khiến bé khó chịu về đêm và không ngủ được. Thấy con nói đau nhức ở trong xương với tần suất ngày càng cao và kéo dài, bố mẹ bé đã đưa đến bác sĩ khám và kiểm tra. Kết quả khám lâm sàng cho thấy bé Q. đau tăng trưởng ở mức độ nhạy cảm với cơn đau. Từ đó, bố mẹ bé Q. bắt đầu lưu ý hơn về mức vận động của bé, chú trọng cân bằng dinh dưỡng cho bé trong những giai đoạn bé đau tăng trưởng.
Bé N.T.T.N (10 tuổi, ngụ Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cũng có những cơn đau nhức tương tự. Anh Lê Minh, ba của bé, cho biết khi nghe con nói đau trong xương thì cả hai vợ chồng đều vô cùng căng thẳng. Đưa trẻ đi khám thì được chẩn đoán đau tăng trưởng lành tính. Cứ đến chiều tối là bé N. lại đau chân và khóc rưng rức. Có khi cả đêm hai vợ chồng anh Minh mất ngủ vì con rên rỉ do đau. “Vợ chồng tôi ám ảnh với những cơn đau trong xương về đêm của cháu. Có khi đau quá cháu khóc rưng rức sốt ruột kinh khủng, phải cho cháu một viên thuốc giảm đau theo tư vấn của bác sĩ”. Theo anh Minh, con của anh đã đau tăng trưởng gần 3 năm nay chưa dứt…
Bác sĩ Đặng Văn Hào, Trưởng khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng), cho biết: Đau tăng trưởng hay còn gọi là đau nhức xương tăng trưởng thường xuất hiện ở các cháu nhỏ bậc tiểu học và THCS. Đau tăng trưởng ở trẻ nhỏ giai đoạn này chiếm tỷ lệ khoảng 4 – 18% chứ không phải trẻ nhỏ nào cũng cảm nhận được những cơn đau tăng trưởng. Điều này có nghĩa là phần nhiều trẻ em sẽ bỏ qua giai đoạn này hoặc có thể không có cảm nhận rõ rệt về cơn đau. Tuy nhiên, số khác lại cảm nhận cơn đau rất rõ, thậm chí nhiều trẻ có cơn đau quá mức chịu đựng, thành từng đợt, từng cơn và có thể kéo dài nhiều năm.
Đau tăng trưởng ở trẻ thường nằm trong giai đoạn đầu trẻ phát triển, cụ thể là 2 giai đoạn, nhóm 3 – 4 tuổi và nhóm 7 – 14 tuổi, nhưng vẫn chưa được xác định nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, điểm chung sẽ gặp ở trẻ có các rối loạn phát triển cảm xúc; một số trẻ vận động quá mức trong ngày; một số trẻ khác đau khi đau tăng trưởng sẽ kèm cả cơn đau bụng, đau đầu; trẻ chơi một môn thể thao duy nhất và vận động sai tư thế…
Triệu chứng được ghi nhận ở đa số trẻ đau tăng trưởng là cơn đau vào buổi chiều và đến gần sáng thì hết. Rất ít trẻ có cơn đau tăng trưởng trong ngày. Cơn đau kéo dài chừng 30 phút đến vài tiếng. Nhiều trẻ có cơn đau trước bữa ăn tối với kiểu đau nhói ở vùng đùi, mặt sau khớp gối, bắp chân, cẳng chân mặt trước và mặt sau, đau cả 2 chân… Một số hiếm trẻ đau cả cẳng tay. Khi trẻ đau tăng trưởng, hoàn toàn không có biểu hiện sưng khớp hay sưng đỏ…
Nên có chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý
Những trẻ đối diện với cơn đau tăng trưởng thường được các bác sĩ khám, tư vấn dinh dưỡng, vận động chứ ít khi phải nhập viện. Trường hợp trẻ đau nhiều quá mà phụ huynh không an tâm thì mới phải nhập viện để các bác sĩ theo dõi và giúp kiểm soát cơn đau.
Theo bác sĩ Đặng Văn Hào, trên thực tế, không nhiều phụ huynh biết và hiểu về cơn đau tăng trưởng ở trẻ. Thường thì khi bác sĩ chẩn đoán trẻ đau tăng trưởng, bố mẹ nên hỗ trợ trẻ giảm đau tạm thời bằng cách massage ở vị trí đau để trẻ đi vào giấc ngủ, hoặc có thể chườm nước ấm để trẻ dịu dần cơn đau. Một số trẻ đau nhiều và kéo dài sẽ sử dụng những biện pháp khác thuộc chuyên ngành phục hồi chức năng, được nhân viên phục hồi chức năng hỗ trợ những bài tập kéo giãn cơ. Trẻ đau nhức quá có thể tạm dùng thuốc giảm đau theo khuyến cáo và chỉ định của bác sĩ.
Cũng theo bác sĩ Hào, khi phát hiện trẻ đau tăng trưởng, bố mẹ nên lưu ý chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ. Tăng cường vitamin D theo chỉ định của bác sĩ để trẻ hấp thụ tốt canxi. Tăng cường vận động ngoài trời, có nắng… Không tự ý bổ sung canxi quá liều tránh tăng canxi huyết, canxi niệu…
Một khuyến cáo khác dành cho trẻ vận động nhiều, trẻ chơi thể thao quá sức. Đó là trẻ nên được khuyến khích chơi nhiều môn thể thao để các nhóm cơ được hoạt động đồng đều, không nên chơi một môn thể thao duy nhất. Tốt nhất vẫn nên chọn những môn thể thao vận động toàn thân như bơi lội, bóng rổ…
Thời điểm trẻ xuất hiện cơn đau liên quan đến những vị trí cơ, xương khớp, phụ huynh không được chủ quan. Khi đau tăng trưởng, trẻ sẽ đau cả 2 chân (hoặc lúc chân này lúc chân kia), đau về đêm. Do đó, nếu trẻ đau 1 chân hoặc đau kèm sưng khớp, đau kèm sốt, đi không được, da xanh xao, kém ăn, mệt mỏi… thì phải đưa trẻ đi khám bác sĩ. Nếu có nghi ngờ, bác sĩ sẽ khám và làm các xét nghiệm cần thiết, xét nghiệm công thức máu hoặc chụp X-quang để loại trừ một số bệnh khác.
AN DY
TNO