Tiếng nước tôi: Người mà đến thế thì thôi
Tiếng nước tôi: Người mà đến thế thì thôi
Trong truyền thống Việt ngữ học, từ hư là lớp từ chỉ có ý nghĩa ngữ pháp, không có ý nghĩa từ vựng, vì thế chuyển sang tiếng Anh, tiếng Pháp chúng được gọi là “từ rỗng nghĩa” (empty word, mot vide).
1. Từ hư
Trong truyền thống Việt ngữ học, từ hư là lớp từ chỉ có ý nghĩa ngữ pháp, không có ý nghĩa từ vựng, vì thế chuyển sang tiếng Anh, tiếng Pháp chúng được gọi là “từ rỗng nghĩa” (empty word, mot vide). Tiếng “hư” trong những từ ghép Hán – Việt đều tạo ra nghĩa như vậy. “Hư” có nghĩa là không thực, không có gì cả: hư ảo, hư cấu, hư danh, hư không, hư vô…
Trong câu Kiều Người mà đến thế thì thôi ngoại trừ từ “người”, 5 từ còn lại đều là từ hư. Ấy vậy mà khi đọc câu này, ai cũng thấy đó là lời cảm khái về thân phận kỹ nữ Đạm Tiên “nổi danh tài sắc một thời”.
2. Từ hư tạo ra nghĩa
Như vậy các từ hư kết hợp với nhau cũng có thể hình thành nghĩa. “Mà”, “thì”, “thôi” là trợ từ, liên từ. “Thế” thuộc lớp đại từ thay thế cho một điều xảy ra trước đó. Cả 4 đều là từ hư.
Chúng tôi chứng minh được rằng trong những tình huống này, “đến” không phải là động từ. “Đến” là trợ từ thể hiện ý nghĩa cực kỳ, tột cùng của từ mà nó đi kèm, như đến nỗi, đến là, đến lạ, đến lắm, đến thế, lấy đến… Xin dẫn chứng qua những tác phẩm văn học.
(Hòn đảo này) “nhỏ đến nỗi tưởng như con gà gáy to ở đầu đảo, cuối đảo cũng nghe thấy” (Nguyễn Khải, Chúng tôi ở Cồn Cỏ); “Tôi cũng chưa bao giờ yêu tự do đến mức tiếp nhận tình trạng nổi loạn” (Đặng Thị Hạnh, V. Hugo); “Cái phố ấy đến lắm nhà” (Lý Biên Cương); “Không chỉ có hối hận suông, tôi còn cắn tay đến chảy cả máu” (Nghìn lẻ một đêm);
“Cuộc ăn vạ này, chúng làm hại lão ta đến hơn trăm bạc” (Ngô Tất Tố, Một cuộc ăn vạ); “[Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này] người ta mới lấy đến con mình” (Kim Lân, Vợ nhặt)”…
3. Vì sao câu “X mà đến thế thì thôi” có nghĩa cảm khái?
Từ “mà” tạo ra danh ngữ “X mà…”, như “Hòn đất mà biết nói năng”. Nếu có từ thì đi tiếp theo “X mà…” sẽ trở thành nguyên nhân và phần sau nó trở thành kết quả “X mà… thì…”, như “Hòn đất mà biết nói năng thì thầy địa lý hàm răng không còn”.
“X mà đến thế” tạo ra nghĩa X là cực kỳ về một phương diện nào đó. Từ hư “thôi” có nghĩa “ít” (tôi nặng 45kg thôi; chỉ còn 5 phút nữa thôi…). Nó nhập với nghĩa của thực từ “thôi” là ngừng, là kết thúc để hình thành nghĩa ở phần kết quả “không còn gì để nói nữa”.
Vậy là “X mà đến thế thì thôi” luôn luôn tạo ra nghĩa “X mà đến thế thì không còn gì để nói nữa”. Đây là một lược đồ nghĩa khái quát đúng với mọi thực từ X. Tùy thuộc X mà lược đồ trên có những nghĩa cụ thể trong tâm trí chúng ta.
Bạn thử lấy X= yêu, anh em, khổ, chồng, lãnh đạo, đời… hay bất kỳ một thực từ nào khác, sẽ đều có những nghĩa cảm khái tương ứng thích hợp:
– Yêu mà đến thế thì thôi.
– Anh em mà đến thế thì thôi.
– Khổ mà đến thế thì thôi.
– Chồng mà đến thế thì thôi.
– Lãnh đạo mà đến thế thì thôi.
– Đời mà đến thế thì thôi…
Tiếng Việt có nhiều lược đồ nghĩa của những từ hư lý thú như vậy.