Nhân tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và Giáo triều Roma
Trong tuần tĩnh tâm Mùa Chay, Đức Thánh Cha mời gọi Giáo triều Roma và các tín hữu tìm về cùng Thiên Chúa, kín múc nghị lực để đương đầu với những thách đố mới.
Từ chiều Chúa Nhật 21/2/2021, Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo trong Giáo triều Roma bắt đầu tuần tĩnh tâm Mùa Chay cho đến trưa thứ sáu 26/2/2021. Năm nay, vì đại dịch, các vị không tĩnh tâm chung như mọi năm tại Nhà Thầy Chí Thánh ở Ariccia, mạn nam Roma. Trái lại mỗi vị tĩnh tâm riêng tại nơi thích hợp. Trong những ngày qua, Đức Thánh Cha đã gửi tặng mỗi vị cuốn sách thiêng liêng giúp suy niệm với tựa đề “Abbi a cuore il Signore” (Hãy có Chúa trong lòng).
Sách để suy niệm
Sách dầy 320 trang gồm các thủ bản cũ do một đan sĩ thuộc Đan viện Thánh Bartolo biên soạn hồi thế kỷ 17, trên từng tờ rời, dường như để hướng dẫn các môn đệ.
Những bài huấn dụ trong sách được xếp theo những tiểu đề như “Hãy nghĩ đến lúc Chúa đã đến gặp con và con đã biết Ngài”, “Cuộc sống thực là thầy dạy khôn ngoan”, “Đức tin là nhân đức quý giá nhất”, “Hoán cải là công trình của ơn thánh”. Trong sách cũng có một thiên bàn về các mối tội đầu. Trong lời tựa cuốn sách này, Đức cha Libanori nhận xét rằng tất cả những điều ghi trong sách nhắm giúp người đọc vượt thắng bản thân để tiến bước mau lẹ về Thiên Chúa.
Trở về cùng Thiên Chúa, rồi quan tâm tới tha nhân
Trong bài giảng Thứ Tư lễ tro vừa qua (17/2) để khai mạc mùa chay, Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Mùa Chay là một hành trình trở về cùng Thiên Chúa. Bao nhiêu lần, hoặc vì quá bận rộn hoặc dửng dưng, chúng ta đã nói với Chúa: ‘Lạy Chúa, chúng con sẽ đến cùng Chúa vào ngày khác… Hôm nay con không thể, nhưng ngày mai con sẽ bắt đầu cầu nguyện và làm cái gì đó cho tha nhân…’ Trong cuộc sống, chúng ta luôn có những điều phải làm, và có những cớ để thoái thác, nhưng nay là lúc trở về cùng Thiên Chúa.”
Đức Thánh Cha nói thêm: ‘Ngày hôm nay chúng ta cúi đầu lãnh tro. Sau mùa Chay, chúng ta còn hạ mình hơn nữa để rửa chân cho anh em. Mùa Chay là một sự khiêm tốn hạ mình trong chúng ta và tiến về tha nhân.”
Những quan tâm của Đức Thánh Cha
Chắc chắn đó cũng sẽ là điều Đức Thánh Cha sẽ làm. Mối quan tâm lớn của ngài 1 tuần sau những ngày tĩnh tâm là cuộc viếng thăm 4 ngày tại Iraq, từ 5 đến 8/3, chuyến tông du đầu tiên sau gần 18 tháng tạm ngưng vì đại dịch, với mong ước giúp Giáo Hội và nhân dân Iraq tăng cường hy vọng sau bao năm chiến tranh.
Trong số bao nhiêu quan tâm khác của Đức Thánh Cha như ngài đã nhắc đến, đặc biệt trong diễn văn trước ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh ngày 8/2 vừa qua có tình trạng đại dịch tiếp tục hoành hành tại nhiều nơi, sự phân phối vắc-xin công bằng còn gặp bao nhiêu vấn đề, trong đó người nghèo bao giờ cũng bị thiệt thòi, tình trạng những người di dân bị xua đuổi, không được giúp đỡ, những người còn bị mất mạng trên đường vượt biên.
Quan tâm về Con đường Công nghị tại Đức
Trong số những quan tâm về nội bộ Giáo Hội, đặc biệt có những nguy hiểm mà “Con đường Công nghị” tại Đức có thể dẫn đến, điều mà nhiều chức sắc của Giáo Hội đã lên tiếng cảnh giác.
Công nghị này có 230 tham dự viên, trong đó có 69 giám mục thuộc 27 giáo phận toàn quốc, nhắm cải tổ Giáo hội Công giáo tại Đức trong 4 lĩnh vực: việc thực thi quyền bính trong Giáo Hội, vai trò phụ nữ, đời sống linh mục và luân lý tính dục. Trong Công nghị này mọi thành viên, dù là giáo sĩ hay giáo dân đều có quyền bỏ phiếu như nhau.
Nhiều đề nghị được đưa ra như truyền chức phó tế cho phụ nữ, như một giai đoạn tiến đến việc truyền chức linh mục cho phụ nữ, hoặc thay đổi giáo lý Công Giáo về vấn đề đồng tính luyến ái và chúc hôn cho các cặp đồng phái, như Đức cha Georg Baetzing, Giám mục Giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã tuyên bố, và đề nghị thay đổi sách giáo lý Công Giáo về những vấn đề này. Cũng có đề nghị biến luật độc thân linh mục thành điều tuỳ ý, dân chủ hóa Giáo Hội, với những biện pháp cụ thể: giáo dân tham gia việc bầu giám mục và có quyền phủ quyết các quyết định của giám mục.
Quan tâm của Đức Thánh Cha
Hồi đầu tháng 10 năm ngoái (2020), Đức cha Heinz Josef Algermissen, nguyên Giám mục Giáo phận Fulda của Đức, đã đến Roma và gặp Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Cha kể với tuần báo Công giáo “Die Tagespost” số ra ngày 14/10 sau đó rằng: Qua câu chuyện, Đức Thánh Cha đã tỏ ra lo âu về tình hình Giáo hội Công giáo tại Đức, và than phiền là không có phản ứng gì về lá thư ngài gửi cộng đoàn dân Chúa tại Đức hồi tháng 6 năm 2019. Trong thư Đức Thánh Cha đã cảnh giác rằng các cuộc thảo luận về việc cải tổ Giáo Hội tại Đức quá chú trọng vào những đề tài cơ cấu và chính sách của Giáo Hội, thay vì quan tâm tới tình trạng mất đức tin và cần phải đặt việc tái truyền giảng Tin Mừng ở vị trí trung tâm các cuộc thảo luận. (KNA 14/10/2020)
Quan tâm của một số Giám mục Đức
Trước đó, cũng có một số Giám mục tại Đức cảnh giác về nguy cơ mà Con đường Công nghị tại Đức có thể dẫn đến. Như Đức Hồng y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám mục Giáo phận Koeln, cảnh giác rằng “Con đường Công nghị” đối thoại để cải tổ Giáo Hội tại Đức có thể dẫn đến một “Giáo Hội quốc gia Đức”.
Tuyên bố với hãng tin Công giáo Đức KNA hôm 16/9 năm ngoái (2020), Đức Hồng y Woelki nói: “Kết quả tệ hại nhất là khi Con đường Công nghị đưa tới sự phân rẽ và đưa Giáo Hội tại Đức ra khỏi tình hiệp thông với Giáo hội Công giáo hoàn vũ. Điều tệ nhất là từ đó nảy sinh một Giáo Hội quốc gia Đức.”
Đức Hồng y mạnh mẽ cảnh giác rằng về đề tài truyền chức linh mục cho phụ nữ, Con đường Công nghị sẽ khơi lên những hy vọng không thể đạt được, từ đó dẫn đến sự bất mãn, vì vấn đề Giáo Hội không thể truyền chức linh mục cho phụ nữ đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phán quyết chung kết. Đức Hồng y nói: “Tôi không thể bàn về vấn đề này như thể đó vẫn còn là một vấn đề mở ngỏ. Vì thế cuộc thảo luận diễn ra ngoài đạo lý của Giáo Hội.”
Đức Hồng y Woelki bày tỏ hy vọng Con đường Công nghị thực sự đạt tới một cuộc cải tổ mà Giáo Hội đang cần: cuộc cải tổ này phải loại bỏ tất cả những hình ảnh bề ngoài và thực tại khiến cho Giáo Hội xa lìa yếu tính của mình. Vấn đề ở đây là đừng hiểu Giáo Hội như một cơ cấu xã hội học thuần tuý, nhưng là hiểu Giáo Hội là một công trình của Thiên Chúa. Mục đích của mỗi cuộc cải tổ phải là làm sao đưa con người đến gần Chúa Kitô và sứ điệp của Ngài.
Đức Hồng y than rằng “nhiều tín hữu Công giáo ở Đức không còn biết Chúa Kitô là ai, Giáo Hội là gì, họ không còn biết bí tích là gì, đâu là cơ cấu bí tích của Giáo Hội (KNA 16/9/2020)
Đức Hồng y Mueller
Trong cuộc phỏng vấn dành cho trang mạng Công giáo Đức Kath.net, truyền đi ngày 5/1 năm nay (2021), Đức Hồng y Mueller người Đức, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, nói: “Cái gọi là con đường Công nghị của các giáo phận Đức không có thẩm quyền nào để du nhập những đạo lý và luân lý lệch lạc vào trong tín lý và luân lý có tính chất bó buộc của Giáo Hội. Vì thế quyết định áp đặt những nghị quyết trái ngược với đức tin cho các tín hữu Công giáo ở Đức là trái với đạo lý cơ bản của Giáo Hội và hoàn toàn vô hiệu. Các Giám mục không bao giờ được dùng quyền áp đặt kỷ luật để phục vụ cho những giáo lý rối đạo hoặc những hành vi vô luân.”
Đức Hồng y Mueller cũng nói: “Từ các nơi trên thế giới tôi nghe được những mối quan tâm về Con đường Công nghị ở Đức… Việc lặp đi lặp lại những đề tài nóng bỏng của Con đường Công nghị cũng dựa trên một tâm tình bài Công giáo.”
Tranh đấu để được như Tin Lành
Xét cho cùng những đề nghị gọi là để cải tổ Giáo hội Công giáo tại Đức đều là những điều đang có trong các Giáo hội Tin Lành Đức từ thời cải cách của Luther. Mối quan tâm của Đức Thánh Cha và nhiều người là đa số các Giám mục Đức thuộc khuynh hướng cấp tiến khiến người ta e ngại rằng nếu Con đường Công nghị bỏ phiếu chấp nhận những đề nghị đó, thì có thể có ly giáo. Giữa lúc Đức Thánh Cha Phanxicô đang liên kết các tôn giáo thế giới và nhân loại trong việc sống tình huynh đệ, thì viễn tượng chia rẽ trong nội bộ Công giáo thực là một mối quan tâm lớn.