Hàng trăm nghìn người chết vì ô nhiễm không khí ở 5 thành phố đông dân nhất thế giới
Hàng trăm nghìn người chết vì ô nhiễm không khí ở 5 thành phố đông dân nhất thế giới
Các nhà khoa học ngày 18-2 cho biết ô nhiễm không khí khiến 160.000 người chết ở 5 thành phố đông dân nhất thế giới trong năm 2020 và gây thiệt hại 85 tỉ USD.
Tổ chức môi trường Greenpeace (Hòa bình xanh) khu vực Đông Nam Á và Công ty đo lường chất lượng không khí IQAir đã đo mức độ ô nhiễm ở 28 thành phố. Kết quả cho thấy tại 5 thành phố đông dân nhất là New Delhi (Ấn Độ), Mexico City (Mexico), Sao Paulo (Brazil), Thượng Hải (Trung Quốc) và Tokyo (Nhật Bản), ô nhiễm không khí đã gây ra khoảng 160.000 cái chết và thiệt hại kinh tế tổng cộng 85 tỉ USD.
“Một vài tháng phong tỏa không thực sự làm giảm mức độ ô nhiễm không khí dài hạn mà mọi người phải tiếp xúc” – Aidan Farrow, nhà khoa học về ô nhiễm không khí tại phòng nghiên cứu Greenpeace ở ĐH Exeter của Anh, nói với Hãng tin Reuters.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là rủi ro môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người trên toàn cầu, cướp đi sinh mạng khoảng 7 triệu người mỗi năm.
WHO chỉ ra cứ 10 người thì có 9 người hít thở không khí ô nhiễm, gây ra nguy cơ đột quỵ, ung thư phổi. Giờ đây ô nhiễm không khí có tác hại tương đương với việc hút thuốc lá, theo các chuyên gia y tế.
Các thành phố đông dân ở châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nguyên nhân chính bao gồm khí thải xe cộ, nhà máy điện than, xây dựng, pháo hoa, phá rừng.
New Delhi có số người chết cao nhất trong số 5 thành phố đông dân nhất, với khoảng 54.000 người, tức cứ 500 người thì có 1 người chết vì ô nhiễm không khí. New Delhi có nồng độ bụi mịn PM2.5 cao, có thể gây ra các bệnh về phổi và tim.
Thủ đô Tokyo của Nhật Bản chịu thiệt hại kinh tế cao nhất là 43 tỉ USD và khoảng 40.000 người chết.
Việc phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 ở các thành phố lớn đã buộc hàng triệu người làm việc tại nhà, trong khi các nền kinh tế phát triển chậm lại, đã giảm lượng khí thải CO2. Tuy nhiên, theo chuyên gia Farrow, phong tỏa chỉ mang lại sự thay đổi trong giao thông đường bộ, hàng không… còn các nguồn ô nhiễm chính vẫn tiếp tục hoạt động như trước đây.
Giải pháp, theo ông Farrow, là kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào công nghệ sạch, năng lượng tái tạo và giao thông công cộng bằng điện.