GIỚI THIỆU tài liệu “ƠN GỌI NHÀ LÃNH ĐẠO DOANH NGHIỆP”

“Ơn gọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp” thực sự là một trong những tài liệu quan trọng nhất và rất bổ ích của giáo huấn xã hội Công giáo cho đời sống kinh doanh của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

GIỚI THIỆU tài liệu “ƠN GỌI NHÀ LÃNH ĐẠO DOANH NGHIỆP

Người dịch Bùi Đức Thái

17/02/2021

Hầu hết doanh nhân Công giáo Việt Nam đều cho rằng việc kinh doanh của họ chẳng liên quan gì đến việc giữ đạo, có chăng là cầu nguyện để xin Chúa ban cho làm ăn phát đạt.

Những nguyên tắc xã hội của Công giáo: Nhân vị, Công ích, Liên đới, Bổ trợ thật là nhân bản, nhưng chúng có vẻ quá trừu tượng, chẳng vào đâu trong cuộc sống kinh doanh vật chất, không có tính thực tiễn cho kinh doanh. Chúng quá lý thuyết, chỉ lơ lửng đâu đó ở giữa tầng mây và trái tim của họ. Cũng có thể vì thế mà các doanh nhân Công giáo Việt Nam khi nghe nói đến các nguyên tắc xã hội thì tránh ra, cho rằng chúng rất tốt để áp dụng trong xã hội nói chung thôi, nhưng bên ngoài kinh doanh. Họ đinh ninh rằng trong “Thịnh vượng và Công bằng cho mọi người”, điều mà Giáo huấn XHCG hô hào thì chỉ được Giáo hội qua tâm đến ‘Công bằng”, còn “Thịnh vượng” sẽ ra sao thì Giáo hội không qua tâm đến. Hoặc chẳng quan tâm gì đế sự liên quan giữa hai khái niệm đó với nhau trong đời sống thực tế.

Đôi khi trước mặt Chúa, các doanh nhân Công giáo cũng xin Chúa ban cho ơn khôn ngoan để đưa Phúc Âm vào đời sống thực tế của họ. Nhưng mấy ai tìm ra con đường đó? Thỉnh thoảng chúng ta hay thấy người doanh nhân Công giáo trích quĩ để giúp người khó ghèo và xây nhà thờ, nhưng chỉ vậy thôi.

Điều này đối với giới doanh nhân Công giáo trên toàn thế giới nói chung, trong thời đại ngày nay, cũng rất rõ nét. Đức tin thường được xem là hoàn toàn chỉ thuộc về cuộc sống riêng tư của mỗi người. Phúc Âm của Chúa được để riêng ra một chỗ. Doanh nghiệp được xem là nơi tìm lợi nhuận, đòi hỏi phải được tổ chức để đạt được hiệu suất tối đa. Nhiều người lo sợ, cuộc sống bươn chải rất khắc nghiệt của thương trường không hề có chỗ cho các giá trị Kitô giáo, các nguyên tắc đạo đức xã hội của Giáo huấn xã hội Công giáo. Nếu tìm cách áp dụng thì sẽ mất lợi thế kinh tế và sẽ mất sản nghiệp. Kết cuộc là các nhà doanh nhân Công giáo rơi vào đời sống có hai phần tách biệt. Đời sống phân liệt này sẽ làm câm lặng những đòi hỏi xã hội của đức tin và che khuất thay vì tỏ lộ “gương mặt đích thực của Thiên Chúa và của tôn giáo”, điều mà. “Hiến chế mục vụ của Giáo hội về thế giới ngày nay” của Công đồng Vatican II đã đề cập đến (GS, 19). Công đồng gọi “sự phân cách giữa đức tin mà nhiều người tuyên xưng với đời sống hằng ngày của họ” (GS, 43) như “một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất của thời đại chúng ta”.

Ở Việt Nam thì cuộc sống phân liệt của người doanh nhân Công giáo càng rõ nét hơn trong cơ chế xin cho. Tính tự do của thị trường bị hạn chế bằng những mối quan hệ, và những nguồn thông tin gốc có thể biến thành lợi thế cạnh tranh. Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ ngoài việc kinh doanh còn phải luôn ngụp lặn trong cái rừng thủ tục, ngõ ngách lắt léo của phép tắc, luật lệ và các qui định thuế, lao động không rõ ràng… Mặt khác, các giá trị Tự do, Công bằng, Bác ái và Sự thật không được công nhận đúng mức cách phổ quát trong xã hội. Các nguyên tắc xã hội Công giáo cũng chẳng được coi là các đóng góp cho cấu trúc đạo đức xã hội. Trong cuộc sống như vậy, cũng thật khó cho các doanh nhân Công giáo Việt Nam còn có thể nhận ra và tâm đắc với những giá trị và những nguyên tắc đạo đức Công giáo để coi chúng là cấp thiết và đưa áp dụng vào thực tiễn cuộc sống nghề nghiệp của mình. Lại càng khó khi muốn áp dụng giáo huấn đó trong từng hoạt động chuyên biệt: mua, bán, sản xuất, hợp tác, dịch vụ cụ thể …

Nhưng Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình (nay là Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện) đã đi sâu vào để hướng dẫn giải quyết vấn đề này. Ngày 30/3/2012 Đức Hồng y Peter Turkson, chủ tịch Hội đồng đã giới thiệu một tài liệu tên là “Ơn gọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp” với 2.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Đại hội thế giới Liên hiệp Kitô giáo Quốc tế và các nhà Lãnh đạo Doanh nghiệp (UNIAPAC) tại Lyon, Pháp.

Việc phát hành “Ơn gọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp” là một dấu ấn sâu đậm của Đức Hồng Y Peter Turkson và Đức Giám mục Mario Toso tại Hội đồng Giáo hoàng về Công Lý‎ và Hòa Bình, những vị này đã kêu gọi đến sự đóng góp rộng rãi của giới học giả và doanh nhân hầu Phúc âm hóa tốt hơn thế giới xã hội. Nguồn gốc là một hội nghị chuyên đề được tổ chức và tài trợ bởi hội đồng mang danh hiệu “Lý lẽ của Ơn gọi và Ý nghĩa của Kinh Doanh” (xem bit.ly/businessvocation) và sau đó là một số các cuộc hội thảo vào năm 2010 và 2011. Hội đồng Giáo Hoàng đã qui tụ các lãnh đạo doanh nghiệp và các học giả nhiều ngành như kinh tế, thần học, triết học, quản trị, đạo đức kinh doanh và công nghệ để suy gẫm tư tưởng của Đức Bênêđictô XVI trong “Caritas in Veritate”[1] (Tình yêu trong Chân lý). Tài liệu này là sự hợp tác của Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Viện John A. Ryan về Tư tưởng Xã hội Công giáo thuộc Trung tâm Nghiên cứu Công giáo tại Đại học St. Thomas, Hoa Kỳ, Quỹ Ecophilos, Viện Nghiên cứu Công giáo Cao cấp tại Los Angeles, và Liên minh Quốc tế các Hiệp hội những Giám đốc Doanh nghiệp Kitô hữu (UNIAPAC).

Có lẽ do sự tham gia của đông đảo doanh nhân Công giáo, mà tài liệu này rất cụ thể, đi vào từng mảng vấn đề thường ngày của đời sống kinh doanh, chứ không chung chung, nhưng vẫn bao quát các vấn đề chính của lãnh vực kinh doanh. Đôi khi người đọc là doanh nhân có thể rất ngạc nhiên vì lời giải cho các vấn nạn trong kinh doanh đã được nêu ra cách rõ ràng. Chẳng hạn: thuê mướn, cho thôi việc, tiếp thị và quảng cáo, các khoản phải thu, các khoản phải trả, ban quản trị, việc huấn luyện nhân viên, phát triển cấp lãnh đạo, quan hệ với nhà cung cấp và nhiều thứ khác…

Dưới đây xin trích mấy đọan trong bài viết The Ethical Executive: The Vatican’s strategic plan for the business community (Nhà điều hành đạo đức: Kế hoạch chiến lược của Vatican cho cộng đồng doanh nghiệp) của Michael J. Naughton. Tiến sĩ Michael J. Naughton là giám đốc Viện John A. Ryan về Tư tưởng Xã hội Công giáo đã nêu ở trên.

“Công việc của các nhà lãnh đạo kinh doanh,… là “một ơn gọi đích thực của con người và của Kitô hữu” xuất phát từ Thiên Chúa. Tài liệu đã xem kinh doanh không chỉ dưới ánh sáng của những đòi hỏi pháp l‎ý tối thiểu – “chớ ăn gian, nói dối hay lường gạt” – nhưng như một ơn gọi mang lại “một sự đóng góp không thể thay thế cho cuộc sống vật chất và ngay cả sự hưng thịnh tâm linh của nhân loại.” Không có gì là hạng hai ở đây cả….

Để cho thấy ý nghĩa của ơn gọi này, tài liệu “Ơn gọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp” được sắp đặt theo một cấu trúc phổ biến trong truyền thống xã hội Công giáo: “Xem, Xét và Làm”. Bất kỳ ai trong ngành kinh doanh cũng đều “xem” thấy sự phức tạp ngày càng tăng của hoạt động kinh doanh. “Ơn gọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp” không né tránh các xu hướng nghiêm trọng và phức tạp trong kinh doanh, cũng như các vấn đề đạo đức và tinh thần mà các xu hướng này biểu lộ. Trong nhiều thách thức và cơ hội nhận biết được, tài liệu tập trung vào bốn yếu tố: toàn cầu hóa, công nghệ truyền thông, tài chính hóa và thay đổi văn hóa. Tài liệu giải thích rằng những xu hướng hoặc dấu hiệu này là “một sự pha trộn phức tạp của các yếu tố” thể hiện “sự tác động lẫn nhau phức tạp của ánh sáng và bóng tối, của cái thiện và cái ác, sự thật và giả dối, những cơ hội và các mối đe dọa.”

Tài liệu mô tả, ví dụ, hiện tượng “tài chính hóa” ngày càng tăng, một thuật ngữ học thuật ưa thích để chỉ sự chuyển dịch trong nền kinh tế tư bản từ sản xuất sang tài chính như một yếu tố quyết định cho sự phát triển kinh tế. Trong một nền kinh tế thị trường có trật tự tốt, tài chính được sử dụng để sản xuất, phát triển và tạo ra của cải, cho phép đầu tư hiệu quả và cải thiện nguồn nhân lực. Ngược lại, “tài chính hóa” chuyển đổi mối quan hệ này, và sản xuất trở thành phải phục vụ cho tài chính…

Doanh nghiệp trên toàn thế giới đang có nhiều xu hướng tăng cường thương mại hóa các mối quan hệ, và giảm chúng xuống thành một giá trị – giá cả – giá của một sản phẩm, trả lương lao động và giá trị tiền bạc của công ty. Câu thần chú trong kinh doanh và ngày càng nhiều trong các lĩnh vực khác của cuộc sống là “nếu nó không thể đo lường được thì nó không tồn tại”. Và một thước đo rõ ràng nhất trong kinh doanh là tài chính. Nếu không có ý thức mạnh mẽ về ơn gọi, tài chính hóa trở thành cơ chế mặc định đưa hoạt động kinh doanh từ các mối quan hệ của nhân đức sang sợi dây mỏng manh của giá cả.”[mfn]The Ethical Executive: The Vatican’s strategic plan for the business community (Nhà điều hành đạo đức: Kế hoạch chiến lược của Vatican cho cộng đồng doanh nghiệp), Michael J. Naughton, America Magazine, 21/5/2012.[/mfn] [1]

Tâm điểm của tài liệu là việc làm rõ lại các nguyên tắc cơ bản của Giáo huấn xã hội Công giáo và đưa ra Sáu nguyên tắc thực tiễn cho doanh nghiệp để giúp các doanh nhân phán đoán và biện phân những điều tốt xấu trong kinh doanh, cụ thể cho ba mục tiêu kinh doanh rộng lớn là hàng hóa tốt, công việc tốt và của cải tốt như sau:

“a) Hàng hóa tốt: Đáp ứng nhu cầu của thế giới thông qua việc tạo ra và phát triển hàng hóa và dịch vụ

1. Doanh nghiệp đóng góp vào công ích bằng cách sản xuất hàng hóa thực sự tốt và dịch vụ thực sự phục vụ.

2. Doanh nghiệp duy trì sự liên đới với người nghèo bằng cách chú ý đến những cơ hội để phục vụ các nhóm dân cư bị tước đoạt và không được chăm sóc, và những người có nhu cầu, bằng cách loại bỏ các trở ngại ngăn cản những người bị loại trừ tham gia vào nền kinh tế.

b) Lao động tốt: Tổ chức tốt và lao động có năng suất

3. Doanh nghiệp đóng góp cho cộng đồng bằng cách thúc đẩy lao động phù hợp với phẩm giá đặc biệt của con người.

4. Doanh nghiệp áp dụng chính sách bổ trợ tạo cơ hội cho nhân viên thực hiện năng khiếu của mình khi đóng góp vào sứ mệnh của tổ chức.

c) Của cải tốt: Tạo ra của cải bền vững và phân phối nó một cách công bằng

5. Doanh nghiệp lập mô hình quản lý các nguồn lực dưới sự kiểm soát của mình — cho dù là vốn, con người hay môi trường — để chăm sóc ngôi nhà tự nhiên và xã hội chung của nhân loại.

6. Doanh nghiệp phân bổ chính đáng lợi ích cho tất cả các bên liên quan (nhân viên, khách hàng, nhà đầu tư, nhà cung cấp và cộng đồng) và chịu chi phí cách công bằng cho hoạt động kinh doanh của mình.”[mfn]“Ơn gọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp”[/mfn] [2]

Sáu nguyên tắc này cố gắng giúp các doanh nhân nhìn mọi sự một cách tổng thể chứ không chỉ từng phần. Các doanh nhân bị cám dỗ gắn bó hơn với một nguyên tắc hay một lãnh vực kinh doanh so với một điều khác. Mối gắn bó thường nhất là gắn bó với việc làm giàu và dịch vụ mà bỏ mặc việc phân bố của cải và công bằng, tập trung vào những cổ đông hơn mà không đến xỉa gì đến phẩm giá của nhân viên. Doanh nhân khôn ngoan và công bằng sẽ tránh sự phân lập và tìm cách đạt đến mức độ hòa nhập sâu xa hơn. [1]

Để giúp những nhà lãnh đạo doanh nghiệp hồi tâm, tài liệu gợi ra:

“Đức Bênêđictô XVI, trước khi lên làm giáo hoàng, đã viết trong tác phẩm “Dẫn nhập vào Kitô giáo” (Phạm Hồng Lam dịch sang tiếng Việt: “Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay”) rằng con người “đến với bản thân theo ý nghĩa sâu sắc nhất không phải qua những gì anh ta làm mà qua những gì anh ta chấp nhận”, không phải qua những gì anh ta đạt được mà là qua những gì anh ta nhận được.”[mfn]“Ơn gọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp”, 71[/mfn] [3]

“Khi những quà tặng của đời sống thiêng liêng được chấp nhận và hòa nhập vào cuộc sống năng động, chúng cung cấp ân sủng cần thiết để vượt qua cuộc sống bị phân liệt và nhân bản hoá chúng ta, đặc biệt là trong công việc của chúng ta. Giáo hội kêu gọi người lãnh đạo doanh nghiệp Kitô hữu lãnh nhận các bí tích, đón nhận và được Kinh Thánh soi dẫn, giữ ngày Chúa nhật, cầu nguyện, chiêm nghiệm công trình sáng tạo, tham gia vào tĩnh tâm và các hoạt động khác của đời sống thiêng li[mfn]“Ơn gọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp”, 72[/mfn]êng. Đây không phải là những hoạt động tùy chọn của người Kitô hữu, không phải chỉ là những hành động riêng tư bị tách rời và không liên quan đến công việc kinh doanh. Chẳng hạn, bí tích hòa giải kích thích chúng ta nhìn nhận lỗi lầm; sự tự phê bình này có thể dẫn đến thay đổi trái tim và tâm trí của chúng ta và thu được lợi ích từ các bài học kinh nghiệm.” [4]

Doanh nhân cần tư duy lại mục đích, cứu cánh của mình, doanh nghiệp phải đóng góp cho công ích, thay vì bò rút từ công ích, hoặc từ những người khác …Hành vi thứ hai Giáo hội kêu gọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp là cho đi theo cách để đáp ứng lại những gì đã được lãnh nhận. Việc cho đi này không chỉ là những điều tối thiểu cho hợp lý, mà phải là sự đi vào cuộc hiệp thông đích thực với tha nhân để biến thế giới thành một nơi chốn tốt đẹp hơn. Đặc biệt, việc cho đi của các lãnh đạo doanh nghiệp phải cùng với những hành động và chính sách trau dồi, đẩy mạnh việc phát triển toàn diện con người. Điều đó bao gồm việc định giá cả hợp l‎ý, trả thù lao công bằng, thiết kế công việc nhân bản hơn, việc làm có trách nhiệm với môi trướng, đầu tư xã hội và có trách nhiệm với xã hội. …..[mfn]The Ethical Executive: The Vatican’s strategic plan for the business community (Nhà điều hành đạo đức: Kế hoạch chiến lược của Vatican cho cộng đồng doanh nghiệp), Michael J. Naughton, America Magazine, 21/5/2012.[/mfn]

Tài liệu kết thúc với bảng câu hỏi để doanh nhân có thể đối chiếu, tự kiểm tra, để đánh giá mức độ họ đã

thực hiện những nội dung được chỉ ra trong tài liệu vào đời sống kinh doanh của họ như thế nào. Đó là một công cụ hữu dụng và cụ thể để giúp các doanh nhân điều chỉnh chính mình.

“Ơn gọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp” thực sự là một trong những tài liệu quan trọng nhất và rất bổ ích của giáo huấn xã hội Công giáo cho đời sống kinh doanh của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Tài liệu đã được dịch ra 16 thứ tiếng. Bản tiếng Việt do Bùi Đức Thái dịch cũng vừa bắt đầu xuất hiện trong các nhà sách Công giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vào giữa tháng 1/2021, giá bìa 50.000 đồng, in màu, cách trình bày cùng với hình ảnh giống như bản gốc tiếng Anh.

Ghi chú:

[1] The Ethical Executive: The Vatican’s strategic plan for the business community (Nhà điều hành đạo đức: Kế hoạch chiến lược của Vatican cho cộng đồng doanh nghiệp), Michael J. Naughton, America Magazine, 21/5/2012.

[2] “Ơn gọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp

[3] “Ơn gọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp”, 71

[4] “Ơn gọi nhà lãnh đạo doanh nghiệp”, 72