24/11/2024

Người bị bệnh gút ăn tết như thế nào?

Người bị bệnh gút ăn tết như thế nào?

Tết đoàn viên của người Việt không thể thiếu những bữa cỗ quây quần bên gia đình, người thân.
Việc bổ sung vitamin C từ trái cây (cam, quýt, bưởi, dứa…) cũng giúp giảm a xít uric máu /// Ảnh: Shutterstock
Việc bổ sung vitamin C từ trái cây (cam, quýt, bưởi, dứa…) cũng giúp giảm a xít uric máu ẢNH: SHUTTERSTOCK
Cùng với sự phát triển của xã hội, mâm cao cỗ đầy ngày Tết không chỉ là những món ăn truyền thống, mà còn du nhập thêm nhiều món ngon vật lạ để bữa tiệc mừng Xuân thêm phần thịnh soạn.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tuân thủ điều trị bằng thuốc, việc ăn uống điều độ cần được lưu tâm đúng mức ở những người có bệnh gút (gout) mạn tính, vì một chế độ ăn không phù hợp có thể làm tăng nguy cơ bùng phát các đợt gút cấp trong dịp Tết, gây đau đớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Chế độ ăn cho người bệnh gút trước tiên phải đảm bảo đầy đủ và đa dạng, cung cấp chất dinh dưỡng, năng lượng theo nhu cầu sinh hoạt. Giảm cân giúp giảm lượng a xít uric máu, giảm các cơn gút cấp.
Người bị bệnh gút ăn tết như thế nào? - ảnh 1

Người bệnh gút nên tăng cường trái cây, rau xanh vào chế độ ăn uống SHUTTERSTOCK

Vì vậy, cần lưu ý kiểm soát cân nặng, hạn chế sử dụng thịt mỡ, sữa béo, các sản phẩm có chứa đường đơn giản như nước ngọt có ga hoặc đồ ngọt chế biến sẵn, thay vào đó là thịt nạc, trứng, sữa ít béo, trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu giàu protein và chất béo không bão hòa như đậu phộng, đậu nành, vừng, đậu Hà Lan, ô liu…
Hạn chế các thực phẩm giàu purin có thể gây tăng a xít uric máu: nội tạng động vật, thịt đỏ, hải sản (tôm, cua, ghẹ), thịt thú rừng, thịt gia cầm, các loại động vật có vỏ (sò, ốc, hến…..). Nên có định mức sẵn để tránh sử dụng quá nhiều. Một số loại hải sản như cá cơm, cá mòi, cá ngừ có purine cao, tuy nhiên khẩu phần ăn bao gồm lượng cá vừa phải sẽ tốt cho sức khỏe.
Các nghiên cứu cũng cho thấy các loại rau trong nhóm giàu purine như măng tây, rau bina không làm tăng nguy cơ của đợt gút cấp, nên vẫn có thể sử dụng được. Tinh bột chứa ít purine (dưới 20%) nên có thể sử dụng cơm, phở, mì, bún, khoai, sắn…
Đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ bệnh gút do làm tăng quá trình tạo a xít uric ở gan, đồng thời làm giảm thải a xít uric ở thận.
Ngày Tết khó tránh khỏi rượu bia, nhưng cần tiêu thụ có chừng mực. Trong cơn gút cấp cần tuyệt đối không sử dụng rượu bia. Nên uống nhiều nước để hỗ trợ đào thải a xít uric qua thận, tuy nhiên cần hạn chế sử dụng các thức uống có nhiều đường fructose như nước ngọt có ga, nước trái cây vì nghiên cứu cho thấy fructose làm tăng acid uric máu. Sử dụng cà phê được chứng minh giúp giảm nguy cơ gút, và bổ sung vitamin C từ trái cây (cam, quýt, bưởi, dứa…) cũng giúp giảm a xít uric máu.
Người bị bệnh gút cần xem xét thành phần bữa ăn và có kế hoạch ăn uống phù hợp, để vừa có thể tận hưởng món ngon ngày Tết, vừa giữ cho mình khỏe mạnh, tránh được bệnh tật mệt mỏi, vui vẻ đón Xuân về.