Ăn Tết sao cho ngon và không ‘ngán’?
Ăn Tết sao cho ngon và không ‘ngán’?
Tết, gần như nhà nào cũng nhiều đồ ăn, món nào cũng hấp dẫn, nhưng chỉ ăn một, hai bữa đã thấy ‘ớn’. Làm sao để ăn tết ngon, khoẻ và không ngán?
Vì sao ngán tết?
Với nhiều người, mâm cơm tết rất quan trọng, mang ý nghĩa đón chào năm mới và cầu mong chuỗi ngày sung túc, no ấm, sum vầy và hạnh phúc phía sau. Do đó họ thường chuẩn bị nhiều món với số lượng lớn để “đảm bảo” đủ đầy.
“Năm nào nhà mình cũng một nồi thịt kho trứng chục ký, nồi canh khổ qua nhồi thịt, chả, giò, thịt nguội, lạp xưởng, các món kho tàu… đầy ắp tủ lạnh, ăn từ 30 Tết cho tới khi ra tết. Ngán muốn chết”, Thanh Ngân (31 tuổi, quận 8, TP.HCM) chia sẻ.
Còn Ngọc Hạnh (33 tuổi, Biên Hòa) “ngán tết” kiểu khác: “Thường đồ ăn phải cúng xong mới được ăn, cúng xong thì đồ ăn quắt queo, có khi tàn nhang rơi xuống cả dĩa thức ăn… chẳng muốn ăn”.
Ngoài ra nhiều mâm cơm tết dư thừa thịt cá, nhiều món chiên xào mà ít món luộc, thiếu rau xanh… khiến người ăn mau ngán.
“Bí kíp” ăn tết ngon, khỏe
Theo tiến sĩ dinh dưỡng Lê Thị Quỳnh Nhi – Giảng viên trường ĐH Y dược TP.HCM, để ăn tết ngon mà không ngán, việc đầu tiên là đảm bảo mâm cơm tết an toàn.
“Vòng đời” của thực phẩm từ tự nhiên đến thực phẩm công nghiệp đều trải qua 6 bước (nuôi trồng – sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chuẩn bị, chế biến và phân phối), trong mỗi bước đều có thể dẫn đến nhiễm khuẩn.
Do đó khi chọn thực phẩm, phải lựa chọn nguồn gốc đáng tin cậy, có nhãn mác với các thông số theo quy định. Sau khi mua về cần bảo quản đúng cách, chú ý đến vật truyền nhiễm trung gian, nhiễm chéo… trong khi bảo quản thực phẩm và thức ăn.
Thực phẩm bảo quản ngăn đông nên được rã đông ở ngăn mát (trong nhiệt độ 5 độ), không rã đông ở nhiệt độ phòng (quá 2 tiếng), hoặc muốn rã đông nhanh cần rã bằng lò vi sóng.
Ở khâu chuẩn bị, cần đảm bảo nguyên tắc “sạch – tách riêng”. Nguồn nước dùng chế biến thực phẩm phải đảm bảo an toàn, sạch, đã qua xử lý.
Khi chế biến, nhớ nấu chín kỹ. Hạn chế ăn đồ sống, đặc biệt là máu sống động vật, dù có vắt chanh hay các gia vị vào cũng không thể hạn chế được vi khuẩn phát tán. Thức ăn sau khi nấu chỉ nên dùng trong 2 tiếng sau khi tiếp xúc với không khí bên ngoài.
Tiếp đó là đảm bảo mâm cơm tết có đủ các nhóm thực phẩm chứ đừng chỉ ưu tiên thịt cá.
Thứ tự ăn uống cũng quan trọng. Nên ăn rau củ quả trước, sau đó đến các món thịt cá và cơm.
Kế đến là không khí ăn uống. Cũng là thịt kho, nhưng ăn trong không khí vui tươi đầm ấm, món ăn sẽ ngon hơn, kích thích vị giác nhiều hơn, tinh thần sảng khoái hơn… và dinh dưỡng sẽ được hấp thu tốt nhất.
“Ngược lại, dù là món ăn rất dinh dưỡng, nhưng không khí bữa ăn nặng nề, gượng ép, món ăn sẽ trở nên vô vị và dinh dưỡng cũng vì thế mà không được hấp thu tối ưu”, TS Quỳnh Nhi phân tích.
Một số mẹo để ăn tết không ngán:
. Nên ưu tiên các loại trái cây, nhất là bưởi, cam, quýt, chanh… vừa bảo quản lâu vừa giàu chất chống oxy hóa. Nếu ăn nhiều đạm quá, có thể uống nước ép thơm, ép cóc để giúp tiêu hóa tốt hơn.
. Nên chọn thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, tránh thực phẩm công nghiệp.
. Ăn các loại hạt như hạt bí, hạnh nhân, macca… thay vì bánh kẹo công nghiệp.
. Ăn vừa phải các món từ bột đường như bánh chưng, bánh tét bởi nếu thừa năng lượng từ bột đường, chúng sẽ chuyển hóa thành mỡ dự trữ trong cơ thể.
10 nguyên tắc ăn an toàn theo gợi ý của WHO
Chọn thực phẩm an toàn
Phân loại sống – chín
Môi trường (địa điểm, dụng cụ) chế biến sạch sẽ
Nguồn nước sạch an toàn
Không có côn trùng: ruồi muỗi kiến gián
Nấu kỹ
Bảo quản kỹ
Ăn ngay sau khi nấu
Đun lại trước khi ăn
Rửa tay