23/01/2025

Bảo vệ trẻ em ở nhà học trực tuyến, chơi qua mạng ra sao?

Bảo vệ trẻ em ở nhà học trực tuyến, chơi qua mạng ra sao?

Trải qua giai đoạn giãn cách xã hội, việc hiểu rõ về thế giới mạng của trẻ cũng như có những biện pháp để bảo vệ trẻ – đối tượng rất dễ bị tổn thương bởi tấn công mạng – trở thành mối quan tâm lớn của phụ huynh.

 

Theo báo cáo gần đây được thực hiện bởi hãng bảo mật Kaspersky Lab, số lượng tập tin độc hại được phát hiện mỗi ngày trong năm 2020 tăng 5,2% so với năm 2019.

Đặc biệt, dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19, hình thức học tập và làm việc qua mạng Internet trở nên phổ biến dẫn đến số lượng người dùng khu vực Đông Nam Á phải đối mặt với các vụ tấn công được ngụy trang dưới các nền tảng học tập trực tuyến và hội nghị trực tuyến trong ba quý đầu năm 2020 tăng hơn 1.000%.

Riêng tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Trọng Huấn, đại diện Kaspersky Việt Nam, gần 40% trẻ em Việt Nam sử dụng những phương tiện truyền thông trực tuyến, như mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin; 38% truy cập nhiều phần mềm, bài hát và video trực tuyến.

“Đây có thể là kết quả của việc gia tăng những hoạt động giáo dục và truyền thông trực tuyến trong thời gian giãn cách vì đại dịch. Trong giai đoạn này, có 9% trẻ em dành nhiều thời gian để chơi trò chơi điện tử; 6% tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử; và 4,5% sử dụng Internet để theo dõi tin tức. Chúng tôi cũng nhận thấy tín hiệu tích cực là chỉ một tỷ lệ nhỏ trẻ em tiếp xúc với các chủ đề không bị kiểm duyệt, nội dung khiêu dâm, cờ bạc, hoặc ma túy”, ông Huấn nhấn mạnh.

Một nghiên cứu khác cũng của hãng bảo mật này cho biết mạng xã hội có số người dùng ẩn danh nhiều nhất là Facebook (chiếm 70%). Việc ẩn danh trên môi trường trực tuyến cho phép các cá nhân thoải mái theo đuổi sở thích và sử dụng quyền tự do ngôn luận, nhưng đồng thời cũng dễ dàng thực hiện những hành vi gây hại như quấy rối và bắt nạt trên mạng, mà trẻ em là một trong những đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng.

Do đó, nhằm giúp cha mẹ bảo vệ trẻ khỏi các mối đe dọa trực tuyến, hãng Kaspersky khuyến nghị họ nên giao tiếp cởi mở với trẻ về những lợi ích và rủi ro khi trực tuyến. Đồng thời nhắc nhở con về những sai lầm có thể mắc phải khi trực tuyến để trẻ tự rút ra bài học hoặc tìm đến sự trợ giúp của cha mẹ khi cần.

Cha mẹ nên thảo luận với trẻ về thời gian có thể sử dụng mạng xã hội cũng như các cách để tự bảo vệ mình khi trực tuyến. Phụ huynh cũng có thể dành thời gian để chơi game trực tuyến cùng trẻ, từ đó cha mẹ và trẻ sẽ có cơ hội để hiểu nhau hơn.

Bên cạnh đó, cha mẹ hãy chủ động giải thích với trẻ rằng tất cả thông tin nhạy cảm chỉ có thể được chia sẻ với những người trẻ biết ngoài đời thực. Đặc biệt, phụ huynh nên cài đặt phần mềm bảo mật uy tín để bảo vệ trẻ trước các mối đe dọa trực tuyến.

ĐỨC THIỆN
TTO