23/12/2024

Chương trình lớp 1 mới: dần vượt khó

Chương trình lớp 1 mới: dần vượt khó

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết hết học kỳ 1 năm học này, Bộ GD-ĐT đã đi kiểm tra việc dạy lớp 1 mới tại nhiều địa phương từ miền núi phía Bắc đến miền Trung, Tây Nguyên, ĐBSCL và các đô thị lớn.

 

Chương trình lớp 1 mới: dần vượt khó - Ảnh 1.

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nhân Thịnh (Hà Nam) đã đọc trơn thành thạo khi kết thúc học kỳ 1 – Ảnh: VĨNH HÀ

Bộ GD-ĐT cũng đang yêu cầu các địa phương báo cáo để đánh giá kết quả triển khai chương trình mới trong một học kỳ và rút kinh nghiệm thực hiện học kỳ 2 và thực hiện chương trình mới ở lớp 2, 6.

Bài toán thiếu giáo viên

Thiếu giáo viên do chỉ tiêu hạn hẹp, do nguồn tuyển không có là những khó khăn chung được bộc lộ rõ hơn ở thực tế triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1. Tại Hà Nội, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nam… đều có điểm chung là đã dồn lực cho lớp 1 nên có nơi chỉ đủ 1,5 giáo viên/lớp và có nơi 1,2 – 1,3 giáo viên/lớp.

Tuy nhiên, để đủ giáo viên và đủ phòng học hai buổi/ngày theo điều kiện bắt buộc khi triển khai chương trình mới thì sĩ số các lớp phải cao hơn quy định. Điển hình ở Hà Nội, tình trạng sĩ số trên 50 học sinh/lớp vẫn còn nhiều. “Lớp 1 đã cố sức rồi. Chưa biết sẽ phải vượt qua khó khăn như thế nào khi thực hiện chương trình mới ở lớp 2 và các lớp cao hơn” – một lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết.

Về điều này, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết bộ đã giao một đơn vị thực hiện đề tài nghiên cứu về định mức giáo viên/lớp, số giờ dạy của giáo viên/tuần để đề xuất tỉ lệ giáo viên phù hợp. Khi đánh giá về thực hiện chương trình lớp 1 trong một học kỳ để rút kinh nghiệm cho triển khai tiếp, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết sẽ điều chỉnh để thời gian tập huấn giáo viên sắp tới được đẩy nhanh tiến độ và chú trọng các hình thức tập huấn tại chỗ, tập huấn thường xuyên ngay trong quá trình dạy học.

“Vượt chướng ngại vật”

“Chúng tôi vẫn nói đùa thời gian vừa qua là giai đoạn vượt chướng ngại vật. Rất vất vả nhưng vượt qua rồi mới nhìn thấy rõ những khác biệt tích cực…”, cô Ngô Thị Kim Dung – hiệu trưởng Trường tiểu học Danh Thắng (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) – chia sẻ về việc thực hiện chương trình lớp 1 mới sau một học kỳ.

Về những chỉ đạo quyết liệt từ ngày đầu thực hiện lớp 1 với quá nhiều khó khăn, ông Bạch Đăng Khoa – phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang – cho rằng điều đầu tiên lãnh đạo sở yêu cầu dứt khoát với các hiệu trưởng là mỗi trường phải có đủ cả năm bộ sách giáo khoa lớp 1 mới để giáo viên tự nghiên cứu, thảo luận.

“Khi nắm chắc yêu cầu của chương trình và nghiên cứu các bộ sách, chúng tôi thống nhất với lãnh đạo các trường xây dựng kế hoạch dạy học mở, trao quyền cho giáo viên, linh hoạt điều chỉnh tiến độ dạy học, chủ động thay ngữ liệu trong quá trình dạy để phù hợp với học sinh” – ông Khoa nói.

Cô Dương Thị Thúy – Trường tiểu học Danh Thắng (Bắc Giang) – cho biết: “Giáo viên dạy lớp 1 đều ghi nhật ký dạy học. Trong đó có những việc giải quyết linh hoạt mà cô giáo thấy tốt để chia sẻ cho đồng nghiệp. Cũng có những khó khăn, vướng mắc, những điểm còn bất cập để đưa ra thảo luận trong buổi sinh hoạt chuyên môn để cùng tìm cách gỡ”.

Cô Thúy thừa nhận chuyện “nặng” là có thật khi có những bài 3 – 4 âm, vần. Khó khăn nhất là học sinh lớp 1 năm nay không có hai tuần “0”, tức tựu trường sớm để rèn nền nếp, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng.

“Những bài trẻ không thể học hết trong buổi học chính sẽ điều chỉnh bớt sang buổi thứ 2 hoặc ngày hôm sau, bố trí để có các tiết luyện tập chung cho học sinh. Ngoài ra, chúng tôi cũng bàn bạc thống nhất trong khi họp chuyên môn để giảm bớt những yêu cầu mà học sinh có thể bị quá tải. Ví dụ không yêu cầu học sinh viết dài như trong sách mà viết câu ngắn hơn, giảm bớt yêu cầu đọc – hiểu, trả lời câu hỏi” – cô Thúy chia sẻ.

Về việc dạy những “từ khó”, cô Ngô Thị Kim Dung cho biết các từ khó được đưa xen kẽ vào bài đọc chứ không dạy riêng như trước. Khi đặt trong một ngữ cảnh, tình huống giao tiếp cụ thể, các từ khó trở nên dễ hiểu, dễ nhớ với trẻ hơn…

Xem xét để lớp 1, lớp 6 tựu trường sớm

Trả lời đề xuất của nhiều địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết năm học tới sẽ xem xét để học sinh lớp 1, lớp 6 tựu trường sớm hơn 2 tuần so với các khối lớp khác. Đây được xem là các tuần “0” để học sinh được chuẩn bị tâm thế trước khi bước vào tuần thực học.

Phụ huynh, giáo viên dự giờ

Theo ông Trần Văn Huân – trưởng Phòng GD-ĐT huyện Việt Yên (Bắc Giang), việc phụ huynh dự giờ học của học sinh lớp 1 là chủ trương chung của cả tỉnh. Việc này vừa để phụ huynh yên tâm vừa giúp phụ huynh hiểu thêm về cách thức dạy học mới để có thể phối hợp giáo dục trẻ.

Tại Phú Thọ, nhiều trường tiểu học cũng cho phép phụ huynh dự giờ các tiết dạy lớp 1. Bà Trần Thị Ánh Nguyệt, hiệu trưởng Trường tiểu học Thọ Sơn (TP Việt Trì), cho biết việc cho phép phụ huynh dự giờ không những không gây áp lực cho giáo viên mà ngược lại là cơ hội để phụ huynh chia sẻ những khó khăn và cùng đồng hành, hỗ trợ.

Trong khi đó, theo ông Bạch Đăng Khoa, ở Bắc Giang giáo viên không chỉ dự giờ trực tiếp mà còn dự giờ trực tuyến với những lớp có gắn camera ở 4 góc. “Dự giờ không phải để xem giáo viên dạy như thế nào mà để xem học sinh học thế nào, có tiếp thu được không, có những gì cần rút kinh nghiệm” – ông Khoa nói.

TP.HCM: dạy học linh hoạt

 

ong do

Ông Nguyễn Hữu Độ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT (giữa), đi kiểm tra việc thực hiện chương trình lớp 1 mới – Ảnh: V.H.

Tại TP.HCM, đa số các trường tiểu học trên địa bàn đều cho biết sau vài tuần đầu có phần hơi lúng túng khi triển khai giảng dạy chương trình mới, giáo viên lớp 1 đã bình tĩnh hơn và chọn phương pháp dạy học linh hoạt. Cụ thể là các trường đã xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng học sinh của từng lớp, đồng thời sẵn sàng thay đổi, chấp nhận việc “chạy” chương trình chậm hơn các lớp khác nếu thấy học sinh có khó khăn trong quá trình tiếp thu.

Chị Lê Thị Nguyên Minh – phụ huynh học sinh lớp 1 ở Q.Phú Nhuận – cho biết: “Đầu năm học, bé nhà tôi hơi sốc vì mỗi ngày cháu phải học hai âm, cứ nhầm lẫn suốt. Tôi đã phải gặp trực tiếp cô giáo chủ nhiệm để trao đổi và tìm biện pháp phối hợp, giúp bé theo kịp chương trình. Bên cạnh việc hỗ trợ bé trên lớp, cô giáo cũng giãn bài học ra, “đi” chậm hơn, dạy kỹ hơn, đồng thời cô cũng giảm bớt bài tập về nhà, hướng dẫn phụ huynh giúp con ôn lại bài đã học trên lớp mà thôi. Hết học kỳ 1 con tôi đã tiến bộ khá nhiều, bài kiểm tra cuối học kỳ của con cũng đạt được loại khá. Trên hết là bé đã tự tin hơn trong học tập, không cảm thấy áp lực nặng nề như hồi đầu năm” – chị Minh chia sẻ.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, ghi nhận đến thời điểm này cho thấy nhiều giáo viên lớp 1 đã biết sử dụng hiệu quả các tiết ôn tập, thực hành, ôn luyện tiếng Việt để hỗ trợ học sinh gặp khó khăn trong quá trình học tập môn tiếng Việt. Bên cạnh việc thiết kế bài giảng gồm bốn hoạt động chính gồm khởi động, khám phá, luyện tập và vận dụng, các giáo viên cũng đã áp dụng nhuần nhuyễn phương pháp dạy học theo hướng phân hóa đối tượng học sinh. Dĩ nhiên, trên thực tế, ở một số lớp có sĩ số học sinh đông, các thầy cô giáo khá vất vả khi áp dụng phương pháp này.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng cho rằng thời gian qua, các giáo viên lớp 1 ở TP đã rất nỗ lực trong công tác truyền thông cho phụ huynh về chương trình tiểu học mới. Hầu hết các giáo viên đều tạo group Zalo, Viber… để thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tất cả việc học tập, sinh hoạt của học sinh lớp 1 tại trường. Những vấn đề phụ huynh băn khoăn, các giáo viên cũng đã kịp thời giải đáp ngay trong những group này. Riêng đối với những học sinh gặp khó khăn trong quá trình học tập, nhiều giáo viên đã chủ động mời phụ huynh đến trường gặp gỡ, trao đổi và hướng dẫn phụ huynh giúp đỡ con em mình khi bé học tập tại nhà.

H.HG.

VĨNH HÀ
TTO