23/11/2024

Ngưng thở khi ngủ, coi chừng có ngày ‘ngủ’ luôn

Ngưng thở khi ngủ, coi chừng có ngày ‘ngủ’ luôn

Ngưng thở khi ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng tiềm ẩn, khiến người bệnh liên tục ngừng thở và thở lại trong khi ngủ.
Ngưng thở khi ngủ là do các cơ ở phía sau cổ họng giãn ra, làm đường thở bị thu hẹp hoặc đóng lại khi hít vào /// Ảnh minh họa: Shutterstock
Ngưng thở khi ngủ là do các cơ ở phía sau cổ họng giãn ra, làm đường thở bị thu hẹp hoặc đóng lại khi hít vào ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Nếu một người ngáy to và uể oải buồn ngủ ngay cả sau khi đã ngủ cả đêm, có thể người này đã mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
Nếu bị ngưng thở khi ngủ, hãy đi khám ngay.
Điều trị có thể làm giảm các triệu chứng và có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về tim và các biến chứng nguy hiểm, theo Mayo Clinic.

Các triệu chứng cảnh báo chứng ngưng thở khi ngủ

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của chứng ngưng thở khi ngủ, bao gồm:
• Ngáy to
• Ngừng thở từng đợt trong khi ngủ
• Thở hổn hển khi ngủ
• Khô miệng khi thức giấc
• Nhức đầu buổi sáng
• Cảm giác thèm ngủ vào ban ngày
• Khó chú ý vào ban ngày
• Cáu gắt

Khi nào nên đi khám?

Ngáy to có thể chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng tiềm ẩn, nhưng không phải ai mắc chứng ngưng thở khi ngủ cũng ngáy.
Hãy đi khám nếu có các dấu hiệu hoặc triệu chứng kể trên. Hãy hỏi bác sĩ về bất kỳ vấn đề giấc ngủ nào khiến mệt mỏi, buồn ngủ và cáu kỉnh.

Nguyên nhân của chứng ngưng thở khi ngủ

Nguyên nhân là do các cơ ở phía sau cổ họng giãn ra, làm đường thở bị thu hẹp hoặc đóng lại khi hít vào, có thể làm giảm mức ô xy trong máu.
Bộ não cảm nhận được tình trạng không thể thở và đánh thức người bệnh khỏi giấc ngủ để có thể mở lại đường thở.
Có thể thở phì phì, thở tắc nghẽn hoặc thở hổn hển.
Mô hình này có thể lặp lại từ 5 đến 30 lần trở lên mỗi giờ, trong suốt đêm, làm suy giảm khả năng đạt đến giai đoạn sâu của giấc ngủ.
Ngưng thở khi ngủ, coi chừng có ngày ngủ luôn1

Ngưng thở khi ngủ cũng có thể làm tăng nguy cơ đau tim tái phát, đột quỵ và nhịp tim bất thường như rung nhĩ  ẢNH: SHUTTERSTOCK

Các biến chứng từ việc ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Các biến chứng có thể bao gồm:

1. Huyết áp cao hoặc các vấn đề về tim

Nồng độ ô xy trong máu giảm đột ngột xảy ra trong quá trình ngưng thở khi ngủ làm tăng huyết áp và căng thẳng hệ thống tim mạch.
Ngưng thở khi ngủ làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.
Ngưng thở khi ngủ cũng có thể làm tăng nguy cơ đau tim tái phát, đột quỵ và nhịp tim bất thường như rung nhĩ.
Nếu bị bệnh tim, nhiều đợt thiếu ô xy trong máu có thể dẫn đến đột tử do nhịp tim không đều.

2. Bệnh tiểu đường loại 2

Ngưng thở khi ngủ làm tăng nguy cơ kháng insulin và bệnh tiểu đường loại 2.

3. Mắc hội chứng chuyển hóa

Rối loạn này, bao gồm huyết áp cao, mức cholesterol bất thường, lượng đường trong máu cao và tăng vòng eo, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.

4. Biến chứng sau phẫu thuật

Những người bị chứng ngưng thở khi ngủ có nhiều nguy cơ bị biến chứng sau cuộc phẫu thuật lớn vì họ dễ gặp các vấn đề về hô hấp, đặc biệt là khi được an thần và nằm ngửa.
Người bị ngưng thở khi ngủ, trước khi phẫu thuật, hãy cho bác sĩ biết về tình trạng này của mình.

5. Vấn đề về gan

Những người bị chứng ngưng thở khi ngủ có nhiều nguy cơ bị bất thường chức năng gan và gan có nguy cơ bị sẹo do bệnh gan nhiễm mỡ.
Ngoài ra chứng ngưng thở khi ngủ thường khiến người bệnh buồn ngủ quá mức vào ban ngày, sẽ đặc biệt nguy hiểm khi lái xe, theo Mayo Clinic.

Những ai có nguy cơ?

Chứng ngưng thở khi ngủ có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, ngay cả trẻ em.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc dạng ngưng thở khi ngủ này bao gồm:
• Cân nặng quá mức
Chất béo tích tụ xung quanh đường thở trên có thể cản trở việc thở.
• Chu vi cổ lớn hơn
Những người có cổ dày hơn có thể có đường thở hẹp hơn.
• Đường thở bị thu hẹp
Người có cổ họng hẹp bẩm sinh. Sưng amidan hoặc VA cũng gây tắc nghẽn đường thở, đặc biệt là ở trẻ em.
• Giới tính
Nam giới có nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ cao gấp 2 – 3 lần phụ nữ. Nhưng phụ nữ thừa cân, đặc biệt là sau khi mãn kinh, cũng có nguy cơ cao.
• Tuổi tác
Ngưng thở khi ngủ xảy ra thường xuyên hơn đáng kể ở người lớn tuổi.
• Lịch sử gia đình
Có thành viên trong gia đình mắc chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
• Sử dụng rượu hoặc thuốc an thần
Những chất này làm giãn các cơ trong cổ họng, có thể làm trầm trọng thêm chứng ngưng thở khi ngủ.
• Hút thuốc
Những người hút thuốc có nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ cao gấp 3 lần.
• Nghẹt mũi
Người khó thở bằng mũi có nhiều khả năng mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
• Mắc một số bệnh
Suy tim sung huyết, huyết áp cao, bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh Parkinson là một số bệnh có thể làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ.
Hội chứng buồng trứng đa nang, rối loạn nội tiết tố, từng bị đột quỵ và hen suyễn cũng có thể làm tăng nguy cơ, theo Mayo Clinic.
THIÊN LAN
TNO