23/11/2024

Gần 500 Trung tâm ngoại ngữ ‘không phép’: Chấn chỉnh nghiêm về thủ tục

Gần 500 Trung tâm ngoại ngữ ‘không phép’: Chấn chỉnh nghiêm về thủ tục

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa công bố danh sách 494 trung tâm ngoại ngữ – tin học chưa được cấp phép hoạt động giáo dục và hết hạn hoạt động giáo dục khiến phụ huynh có con đang học tại những trung tâm này lo lắng.

 

Gần 500 Trung tâm ngoại ngữ không phép: Chấn chỉnh nghiêm về thủ tục - Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ chọn cách ra công viên học tiếng Anh với người nước ngoài – Ảnh: N.C.T.

Theo đó, 253 trung tâm đã đăng ký thành lập nhưng chưa đăng ký hoạt động giáo dục nên phải đăng ký hoạt động bổ sung. 241 trung tâm còn lại hết hạn phải đăng ký gia hạn.

“Con tôi đang học chui?”

“Trung tâm ngoại ngữ con tôi học 2 năm giờ thấy có tên trong danh sách không giấy phép hoạt động giáo dục. Tôi lo ngại nếu không phép thì chương trình học như thế nào, chứng chỉ có được công nhận và tại sao không phép mà vẫn được hoạt động?” – anh Nguyễn Thế Thanh (ngụ Q. Gò Vấp, TP.HCM) nói.

Anh Thanh cho con học tại chi nhánh của một trung tâm Anh ngữ trên đường Thống Nhất (Q. Gò Vấp) vào ngày thứ bảy và chủ nhật.

Anh chia sẻ: “Lớp 2 con học ở đây rồi. Lớp 3 tôi tiếp tục cho con theo học để nâng cao tiếng Anh. Học phí 1 năm khoảng 8 triệu đồng. Hóa ra lâu nay trung tâm không có giấy phép hoạt động, theo cách hiểu của phụ huynh là dạy ‘chui’. Vậy con tôi đang học ‘chui’ hay sao?”.

Tương tự, chị P.T. Giang có con đang học thêm tiếng Anh giao tiếp ở một trung tâm trên đường 3 Tháng 2 (Q.11) cũng hoang mang khi trung tâm có tên trong danh sách chưa được cấp phép.

“Thấy tên trung tâm trong danh sách của sở, tôi giật mình nghĩ chất lượng dạy của trung tâm. Tôi lo rằng lâu nay con mình học về nội dung, giáo viên không được cơ quan nào quản lý…” – chị Giang nói thêm.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh khác cũng giật mình khi hàng trăm trung tâm ngoại ngữ “bỗng nhiên” nằm trong danh sách chưa được cấp phép hoạt động giáo dục.

Trung tâm nói gì?

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, sau quá trình rà soát, sở yêu cầu các trung tâm ngoại ngữ đã được cấp phép thành lập mà chưa đăng ký hoạt động giáo dục phải khẩn trương đăng ký hoạt động theo quy định trong nghị định 46 của Chính phủ.

Đối với các trung tâm ngoại ngữ đã được cấp phép thành lập và hoạt động giáo dục nhưng hết hạn cho phép hoạt động giáo dục thì yêu cầu các đơn vị thực hiện việc gia hạn hoạt động giáo dục theo quy định.

Chủ đầu tư một hệ thống trung tâm Anh ngữ có chi nhánh ở nhiều quận tại TP.HCM cho biết năm 2005 hệ thống chỉ có một cơ sở, từ năm 2015 cơ sở có quyết định thành trung tâm.

“Từ đó trung tâm chúng tôi thành lập và các chi nhánh đều được cấp phép hoạt động. Nghị định mới bắt buộc phải xin thành lập riêng biệt cho từng chi nhánh. Sở GD-ĐT không quy định cụ thể thời gian nên chúng tôi nghĩ mình đang có phép hoạt động.

Đến khi hết hạn, thay vì gia hạn, chúng tôi sẽ xin giấy phép thành lập mới. Thật sự cũng sốc vì cả một hệ thống bài bản, đùng một cái có tên trong danh sách sẽ làm phụ huynh lo lắng và ảnh hưởng phía trung tâm” – vị này giải thích.

Ngoài ra, chủ đầu tư cũng nói thêm trước đây giấy phép thành lập và giấy phép hoạt động giáo dục của công ty được cấp thì những chi nhánh cũng được phép. Nhưng quy định mới trung tâm và chi nhánh phải xin giấy phép thành lập, giấy phép hoạt động tách biệt.

“Hiện nay chúng tôi đã xin giấy phép thành lập, giấy phép hoạt động giáo dục của ba chi nhánh. Còn các chi nhánh khác đã có hồ sơ và giấy biên nhận để chờ giấy phép thành lập. Sau đó chúng tôi mới xin sở cấp giấy phép hoạt động. Cho nên hệ thống giáo viên, cách giảng dạy cũng rõ ràng như từ trước, chỉ lấn cấn vấn đề hành chính” – chủ đầu tư nói thêm.

Ngoài ra, một chủ trung tâm Anh ngữ khác hết hạn hoạt động nói: “Cứ 5 năm giấy phép hết hạn 1 lần. Trước đây chi nhánh phụ thuộc vào trung tâm chính, một con dấu. Bây giờ chi nhánh là nơi độc lập, có giấy phép thành lập, giấy phép hoạt động riêng và con dấu riêng.

Các trung tâm chưa có giấy phép vì vướng khi xin phép, hồ sơ phải chờ điều chỉnh như giáo viên chưa đủ chuẩn, chương trình cần điều chỉnh. Hơn nữa, khi xin giấy phép phải tuần tự chứ không cùng một lúc, trung tâm xin trước, rồi đến các chi nhánh, nên kéo theo việc các chi nhánh chưa có giấy phép là điều dễ hiểu…”.

Tuyệt đối không để các cơ sở hoạt động không phép

UBND TP.HCM có công văn gửi Sở GD-ĐT TP, UBND các quận, huyện yêu cầu một số nội dung để đảm bảo quyền lợi của người học, người lao động, an ninh trật tự tại địa phương và tăng cường các biện pháp quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Cụ thể, các đơn vị thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ sở giáo dục ngoài công lập (các trường ĐH, phổ thông, mầm non, các trung tâm ngoại ngữ, tin học, tư vấn du học, giáo dục kỹ năng trên địa bàn). Tuyệt đối không để các cơ sở hoạt động không phép.

Nhắc nhở các trung tâm hoàn thiện hồ sơ

Ông Nguyễn Thành Trung, chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Danh sách gần 500 trung tâm ngoại ngữ, tin học chưa có giấy phép hoạt động giáo dục mà sở công bố là không sai, không ‘oan’ cho các trung tâm.

Thực tế là các trung tâm chưa có giấy phép hoạt động, sở thống kê ra và chỉ để nhắc nhở, để các trung tâm sớm hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định pháp luật. Và cũng phải hiểu danh sách này công khai không phải là phê phán gì, chỉ là nhắc nhở bình thường”.

THẢO THƯƠNG
TTO