24/11/2024

Chuyển tiếp thủ tục hành chính ở TP.Thủ Đức

Chuyển tiếp thủ tục hành chính ở TP.Thủ Đức

Sau khi bộ máy thành phố mới Thủ Đức vận hành, điều mà người dân quan tâm nhất là các loại thủ tục, hồ sơ sắp tới sẽ được giải quyết như thế nào và thời điểm chuyển đổi giấy tờ ra sao…
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của UBND TP.Thủ Đức (UBND Q.2 cũ) trong ngày đầu tiên sau sáp nhập /// Ảnh: Nguyên Vũ
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của UBND TP.Thủ Đức (UBND Q.2 cũ) trong ngày đầu tiên sau sáp nhập ẢNH: NGUYÊN VŨ
Ngày 22.1, TP.Thủ Đức (TP.HCM) chính thức hoạt động khi bộ máy chính quyền đã được kiện toàn nhân sự gồm: Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam.

Không cần đổi giấy tờ ngay

Tại buổi giao ban báo chí hằng tuần diễn ra sáng 22.1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết đây là thời điểm quan trọng và nhạy cảm, không chỉ tác động đến bộ máy mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp; mặc dù biết trước điều đó nhưng vẫn lúng túng, phát sinh cần phải giải quyết.
Chiều 22.1, tại buổi công bố và trao các quyết định nhân sự chủ chốt của TP.Thủ Đức, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, yêu cầu TP.Thủ Đức khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ chức, hệ thống chính trị TP,  ban hành các quy chế hoạt động; xây dựng chương trình làm việc giai đoạn 2020 – 2025 và năm 2021, xác định nhiệm vụ trọng tâm triển khai sắp tới. Các cơ quan chuyên môn duy trì liên tục hoạt động hành chính, không để gián đoạn, không để người dân bị ảnh hưởng do quá trình chuyển tiếp, không thu các loại lệ phí khi chuyển đổi.
 Sỹ Đông

Về các hoạt động hành chính, ông Hoan cho hay các hoạt động hành chính phải duy trì thường xuyên. Cụ thể, các thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp vẫn được xử lý bình thường, không được từ chối yêu cầu của người dân, không để người dân hụt hẫng. Do đó, bộ máy hành chính phải tiếp nhận hồ sơ của người dân để tiếp tục giải quyết.

Về giá trị pháp lý của các văn bản, giấy tờ, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, thông tin văn bản của chính quyền các đơn vị cũ nếu chưa có văn bản bãi bỏ thì vẫn còn nguyên giá trị để thực hiện. Đối với giấy tờ, UBND TP.Thủ Đức sẽ thực hiện các thủ tục chuyển đổi giấy tờ và không thu các loại lệ phí, cơ quan chuyên môn sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển đổi giấy tờ. Tuy nhiên, bà Thắm cũng đề nghị người dân không phải khi nghe tin công bố thành lập TP.Thủ Đức thì đồng loạt đi làm hồ sơ chuyển đổi toàn bộ giấy tờ mà chỉ làm thủ tục chuyển đổi khi thực sự có nhu cầu.
“Nếu CMND, căn cước công dân và các loại giấy tờ khác vẫn còn hiệu lực thì sử dụng bình thường, khi hết hạn thì mới thay đổi, hoặc có nhu cầu lấy tên đơn vị hành chính mới là TP.Thủ Đức thì mới thay đổi. Để tránh xáo trộn cho người dân, cơ quan chuyên môn sẽ lưu lại địa chỉ cũ trong giấy tờ mới để tiện theo dõi và cập nhật”, bà Thắm cho biết.
Chuyển tiếp thủ tục hành chính ở TP.Thủ Đức

Trụ sở UBND Q.2 cũ dự kiến là nơi làm việc của HĐND và UBND TP.Thủ Đức ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Giải quyết hồ sơ hành chính như hiện nay

Về tổ chức bộ máy, ông Hoan thông tin UBND TP.Thủ Đức có chủ tịch và nhiều phó chủ tịch, có thể nhiều hơn quy định của Chính phủ do thời điểm chuyển giao. Công tác điều hành của UBND TP.Thủ Đức được phân công theo hướng phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực đồng thời phụ trách khu vực tương ứng, những công việc vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND và Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức. Cụ thể, khu vực 1 là Q.2 hiện hữu, khu vực 2 là Q.9 và khu vực 3 là Q.Thủ Đức.

Nhân sự chủ chốt TP.Thủ Đức

Chiều 22.1, Thành ủy TP.HCM công bố quyết định thành lập Đảng bộ TP.Thủ Đức; trong đó Ban chấp hành có 45 người, Ban thường vụ có 14 người; ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Quận ủy Q.5, giữ chức Bí thư Thành ủy Thủ Đức.

Trước đó, sáng cùng ngày, HĐND TP.Thủ Đức tổ chức kỳ họp thứ nhất bầu các chức danh theo thẩm quyền; ông Nguyễn Phước Hưng, Bí thư Quận ủy Q.2, làm Chủ tịch HĐND TP.Thủ Đức; bà Thái Mỹ Diện, Phó chủ tịch HĐND Q.Thủ Đức, làm Phó chủ tịch HĐND TP.Thủ Đức. Về nhân sự UBND TP.Thủ Đức, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND H.Nhà Bè, được bầu làm Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức; 3 Phó chủ tịch, gồm: ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó giám đốc Sở KH-CN TP.HCM; ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó chủ tịch UBND Q.2, và ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, Phó chủ tịch UBND Q.Thủ Đức. Bên cạnh đó, ông Trần Hữu Phước, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Thủ Đức.
Phan Thương – Sỹ Đông

Tương tự, đối với các phòng ban chuyên môn thuộc UBND TP.Thủ Đức, công việc xử lý hồ sơ hành chính vẫn giải quyết bình thường như hiện nay, các phòng ban có trưởng phòng và các phó trưởng phòng, trong đó có phó trưởng phòng phụ trách khu vực. “Về cơ bản chưa thay đổi cấp phó mà sẽ từng bước hoàn thiện bộ máy. Các phòng vẫn giữ nguyên tổ chức bộ máy như cũ, sử dụng các trụ sở cũ và thực hiện nhiệm vụ như trước đây”, ông Hoan nói.

TP.Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức, nhưng đây vẫn là đơn vị hành chính cấp huyện nên cơ cấu, tổ chức bộ máy phải thực hiện theo luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2012.
Theo đó, UBND TP.Thủ Đức chỉ có chủ tịch và 3 phó chủ tịch, cấp phòng cũng chỉ có một trưởng phòng nên nhiều cán bộ cấp phó chủ tịch và phó trưởng phòng ban sẽ dôi dư. Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho hay HĐND TP.Thủ Đức đã bầu ra 3 phó chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, các phó chủ tịch dôi dư của 3 quận cũ sẽ được Thành ủy TP.HCM sắp xếp. Đối với nhân sự phó trưởng phòng, ông Nhân thông tin Nghị quyết 653/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép số lượng phó trưởng phòng nhiều hơn quy định trong giai đoạn chuyển tiếp và sẽ được sắp xếp theo lộ trình.
Về con dấu để sử dụng cho các thủ tục hành chính, ông Hoan nói ngày 22.1, UBND TP.Thủ Đức và các phường trực thuộc, Văn phòng HĐND và UBND, chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai và Bộ phận Tiếp công dân đã có con dấu; riêng các phòng ban thì dự kiến có con dấu trong ngày 23.1.
Theo quy định, khi cấp con dấu mới thì phải thu hồi con dấu cũ, nhưng ông Hoan cho rằng do đang trong giai đoạn chuyển tiếp nên duy trì đồng thời với con dấu mới. Tuy nhiên, con dấu cũ chỉ được sử dụng trong 2 ngày và dùng để giải quyết những việc còn tồn tại liên quan người dân của đơn vị cũ như kiểm kê, lập biên bản củng cố hồ sơ pháp lý về giải phóng mặt bằng. “Con dấu cũ sẽ được phân công người sử dụng cụ thể, rõ ràng để tránh lạm dụng, lợi dụng sử dụng sai mục đích”, ông Hoan thông tin.

Chưa thành lập cơ quan công an và VKS TP.Thủ Đức

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thông tin điểm vướng mắc hiện nay là một số cơ quan tư pháp như công an và viện kiểm sát (VKS) của TP.Thủ Đức vẫn chưa được thành lập, trong khi công tác đảm bảo an ninh trật tự phải diễn ra thông suốt. Để tháo gỡ vướng mắc này, Ban Nội chính Thành ủy sẽ làm việc với Công an TP.HCM và Viện KSND TP.HCM, TAND TP.HCM nhằm tìm hướng xử lý. Trong đó, đề xuất phương án trong thời gian Công an TP.Thủ Đức chưa được thành lập thì thẩm quyền sẽ giao về Công an TP.HCM, sau khi hoàn tất thủ tục thì ủy quyền cho các cơ quan cấp dưới. Lãnh đạo Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP.HCM (PC06) cho biết: “Từ 1.1.2021, TP.HCM sẽ cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp nên việc đổi lại CMND/căn cước công dân cũ thành thẻ căn cước công dân mẫu mới sẽ cực kỳ tiện lợi”.
SỸ ĐÔNG – NGỌC LÊ
TNO