Chúa Nhật III TN B: Đức Giêsu đến khai mở triều đại mới
Chúa Giêsu đến khai mở triều đại mới, triều đại của một tình yêu phổ quát, không loại trừ ai. Từ kinh nghiệm của Giôna, tôi được mời gọi nhìn lại những “nén bạc” ân ban của đời mình, để thấy được rằng Chúa đã yêu tôi dường nào, ngay cả khi tôi chìm sâu trong vũng lầy của tội lỗi. Có bao giờ tôi đã ‘kể lại’ những kinh nghiệm ấy cho những người sống quanh tôi, để họ cũng cảm nghiệm được Chúa là Cha nhân hiền trong đời họ?
CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN B
(Gn 3,1-5.10; 1Cr 7, 29-31; Mc 1,14-20)
ĐỨC GIÊSU ĐẾN KHAI MỞ TRIỀU ĐẠI MỚI
“Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần.
Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Gn 3,1-5.102)
Do Thái giáo sau thời lưu đày bị giằng co giữa hai khuynh hướng: hoà giải, phổ quát và khép kín, loại trừ. Ta thấy sự đối nghịch này rất rõ giữa các sách như Ruth, Giôna, Tôbia với các sách khác Haggai, Dacaria, Ezra, Nêhêmya và Sử biên niên. Ezra và Nêhêmya đã cố gắng gìn giữ căn tính Do Thái, chống lại mọi thứ pha trộn với dân ngoại, đặc biệt là với hôn nhân hỗn hợp (Et 9-10; Nkm 10,29-31).
Tuy nhiên, cũng không phải là không có chút nào tinh thần mở và phổ quát hơn để có thể nuôi dưỡng những truyền thống tổ phụ và ngôn sứ cổ xưa. Sách Ruth đã chống lại lệnh cấm hôn nhân hỗn hợp (R 1,4-19). Sách Giôna đã đi xa hơn với tinh thần phổ quát của mình, đã làm cho những người Assyria, vốn bị thù ghét vì đã phá huỷ vương quốc Israel và bắt dân lưu đày, và còn là những con người luôn hãnh diện vì những tập tục chiến tranh hung tàn, đã có khả năng hoán cải từ sứ điệp của tiên tri Giôna.
Ở đây ta thấy có một biến chuyển rất hay trong sách Giôna: Giôna – Israel, từ thái độ khép kín, thù địch, xem mình là dân riêng, dân ưu tuyển, đã phải chuyển sang thái độ hoà giải, phổ quát và sẻ chia trong ơn gọi cộng tác và loan truyền sứ điệp yêu thương và ơn cứu rỗi của Thiên Chúa.
Giôna không chỉ là Israel, mà còn là hình ảnh của bất cứ ai xem Chúa như là công cụ hành hình và tru diệt mọi kẻ thù địch. Đó cũng là bóng dáng của những ai chỉ biết xem Chúa như là sở hữu riêng mình mà không là một người Cha chung luôn yêu thương hết mọi con cái mình.
2. Bài đọc II (1 Cr 7, 29-31)
Bài đọc II có lúc đã trở thành những câu nói đùa quen thuộc trên cửa miệng của nhiều người: “Ai có… hãy sống như không có!” Vậy phải chăng thánh Phaolô muốn truyền tải một sứ điệp để hạ thấp những giá trị trần thế?
Thật ra thánh Phaolô chỉ muốn các tín hữu của mình xác định lại giá trị thật của thực tại trần thế, dĩ nhiên là quan trọng và cần thiết cho mỗi người chúng ta, nhưng chúng ta cần phải nhớ: đó không phải là cùng đích, là vĩnh cửu. Hôn nhân, gia đình, của cải vật chất… là những điều tốt đẹp, nhưng đó không phải là tất cả và có giá trị chung cuộc.
Thiên Chúa luôn yêu thương nhân loại và muốn cứu rỗi chúng ta. Đây là điều tối quan trọng. Tất cả những thứ khác đều mang tính tương đối; chỉ có tình yêu của Chúa mới là giá trị trường tồn. Vì thế, chúng ta cần phải đặt để mọi sự vào đúng vị trí của nó trong đời sống của mình.
3. Bài Tin Mừng (Mc 1,14-20)
Sau khi vương triều Israel sụp đổ trên đóng đổ nát hoang tàn, Israel trở về sau thời lưu đày và mơ về một triều đại Messia, trên nền tảng những lời hứa qua miệng các ngôn sứ về một vương quốc thái bình thịnh trị. Đó chính là vương quốc của Thiên Chúa và chính Người sẽ trị vì (x. Tl 8,23; Xh 15,18; Ed 20,33; Kb 21).
Rồi Đức Giêsu đến, xem như thời kỳ đợi chờ đã mãn, và chính Người khai mở một triều đại mới, một vương quốc mới, một thời kỳ thái bình và ân sủng như lời các ngôn sứ đã phán, với sứ điệp trọng tâm của vương quốc Người là Tin Mừng.
Thuật ngữ này, chúng ta hay nghĩ đến sách Tin mừng, nhưng thời Chúa Giêsu chỉ có nghĩa là tin vui. Một chiến thắng binh mã, một cơn bệnh được chữa lành, một hoàng đế sinh hạ, một cuộc phong vương… tất cả là một tin vui.
Khởi đầu Tin mừng Marcô, Đức Giêsu được trình bày như là một sứ giả với sứ mạng loan báo cho con người một tin mừng trọng đại, mang đến một niềm vui khôn tả cho những ai lắng nghe.
Ở đây có hai điều kiện để được cảm nghiệm điều này, đó là: sám hối và tin vào Tin Mừng.
Sám hối không có nghĩa đơn giản là bày tỏ ý định tránh tội này chừa tội kia, nhưng là một quyết định biến đổi tận căn trong thái độ với Chúa, với con người, với thế giới và với lịch sử này. Thông thường chúng ta quá nhấn mạnh đến khía cạnh luân lý, mà coi nhẹ chiều kích đức tin hướng về Chúa: duy nơi Người là hình ảnh nhào nặn nên những suy nghĩ, hành động và thái độ của chúng ta.
Não trạng về một Thiên Chúa vốn có sẵn trong truyền thống của chúng ta như là một công cụ giáng phạt như ta thấy thấp thoáng trong lời của Gioan Tẩy giả: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối” (Mt 3,7.8), hay trong Luca: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Lc 3,9), thì Marcô đã để ra một khoảng trống cho chúng ta hiểu về Tin mừng này: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15). Ở đây không có khái niệm về giáng phạt hay cơn thịnh nộ, nhưng là niềm vui và hy vọng cho tất cả mọi người.
Như thế, chúng ta được mời gọi hướng đến một Vương quốc mới, nơi mà vị Thiên Chúa như người Cha nhân lành, luôn hết mực yêu thương và chăm sóc con cái mình. Vì thế, hoán cải là trở về cách nhìn đúng nghĩa về Thiên Chúa. Đức Giêsu đã làm một cuộc cách mạng, đó là thay đổi lại cái nhìn tiêu cực về Thiên Chúa, đặt nền móng trên nền tảng yêu thương và giao hoà.
Tiếp đến là tin, không chỉ đơn giản là chấp nhận một mớ giáo điều, nhưng còn là bước theo Đức Kitô, với niềm xác tín và hy vọng về một thực tại tối hậu, dĩ nhiên cùng với những dứt bỏ con người cũ của mình. Vì thế, tin là tín thác vào Chúa và vào Lời của Người.
Phần hai của đoạn Tin mừng hôm nay (16-20) trình bày việc Đức Giêsu gọi bốn vị môn đệ đầu tiên. Khác với các trình thuật kêu gọi khác, ở đây Marcô không nhắm trình bày chi tiết về những gì xảy ra, nhưng là một kinh nghiệm khuôn mẫu cho bất cứ ai trong khoảnh khắc đời mình, cảm nhận được lời mời gọi của Chúa. Lời mời gọi này không chỉ dành riêng cho ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ, nhưng là cho mỗi người chúng ta muốn trở nên môn đệ của Người.
Điểm riêng của lời kêu gọi nơi Marcô không như là một cuộc hẹn trước, nhưng có thể chỉ là một cuộc gặp bất chợt, tình cờ, và đòi hỏi thái độ đáp trả dứt khoát. Lời kêu gọi này cũng mang tính nhưng không, là ân sủng, trên nền tảng không phải là xứng đáng, nhưng là do bởi lòng yêu thương của Chúa. Vì thế, những ai đã được gọi và đáp trả, không có nghĩa là có quyền tự hào về mình và phân biệt với những người chưa được đón nhận, trái lại, được mời gọi quảng đại sẻ chia, nhất là tình yêu và ơn cứu rỗi của Thiên Chúa.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. Chúa Giêsu đến khai mở triều đại mới, triều đại của một tình yêu phổ quát, không loại trừ ai. Từ kinh nghiệm của Giôna, tôi được mời gọi nhìn lại những “nén bạc” ân ban của đời mình, để thấy được rằng Chúa đã yêu tôi dường nào, ngay cả khi tôi chìm sâu trong vũng lầy của tội lỗi. Có bao giờ tôi đã ‘kể lại’ những kinh nghiệm ấy cho những người sống quanh tôi, để họ cũng cảm nghiệm được Chúa là Cha nhân hiền trong đời họ?
2. Chúa Giêsu đến khai mở triều đại mới, với những giá trị tốt đẹp và trường tồn hướng về quê hương đích thực trên trời. Từ lời khuyên của thánh Phaolô, tôi được mời gọi nhìn lại những kế hoạch của đời mình, và tự hỏi tôi đã chọn những ưu tiên cho những giá trị Nước Trời?
3. Chúa Giêsu đến khai mở triều đại mới, với sứ điệp trọng tâm là Tin Mừng. Từ lời mời gọi “sám hối”, “tin vào Tin mừng”, và “theo” Người, tôi có sẵn sàng đáp trả bằng chính đời sống của mình, trở nên môn đệ của Đức Giêsu, và quảng đại cộng tác vào những “mẻ lưới ” yêu thương của Người?
Ban MVPT TGP.