26/12/2024

Tết Việt xưa qua góc nhìn của học giả phương Tây

Tết Việt xưa qua góc nhìn của học giả phương Tây

Những góc nhìn khác nhau về tết Việt xưa, chủ yếu là vùng đồng bằng Bắc bộ và cung đình Huế, qua trang viết của những học giả trong và ngoài nước đăng trên Tạp chí Đông Dương (Indochine) trước năm 1945 được dịch và giới thiệu tới độc giả trong cuốn sách Tết Việt Nam xưa (MaiHaBooks và Nhà xuất bản Thế giới ấn hành) vừa mới ra mắt.
Tết ở làng Xa La (Hà Đông, Hà Nội), trẻ em đến chúc tết ông bà /// Ảnh: Tư liệu trong sách
Tết ở làng Xa La (Hà Đông, Hà Nội), trẻ em đến chúc tết ông bà ẢNH: TƯ LIỆU TRONG SÁCH
Với 3 phần Nghi lễ tết, Phong tục tết và Thú chơi tết, cuốn sách giúp người đọc hiểu hơn về phong tục, tập quán, hoạt động, tâm lý ngày tết của người An Nam, trong đó có những hình ảnh đã trở nên xa lạ với ngày tết bây giờ.
Chẳng hạn, trong khi thú chơi tranh tết có phần bị mai một trong cuộc sống hiện đại thì trước đây, “người An Nam dù giàu hay nghèo đều trang hoàng nhà cửa với vô số những tranh ảnh đầy màu sắc vào dịp tết”. “Những hình ảnh này vô cùng đa dạng, được mô phỏng từ nhiều nguồn cảm hứng khác nhau”, tác giả Mạnh Quỳnh viết trong bài có nhan đề Nguồn gốc và ý nghĩa của tranh dân gian ngày tết. Bài viết cũng đưa ra ý nghĩa của tranh dân gian tết trong quan niệm của người xưa, như hình ảnh con gà trống thể hiện mong ước may mắn; hình ảnh con gà mái với đàn gà con có ý nghĩa chúc đông con; hình ảnh con cá có nghĩa chúc dư thừa mọi thứ; hay hình ảnh con lợn nái với đàn lợn con thể hiện mong ước thịnh vượng…
“Mỗi khi xuân về, những bức tranh này có ý nghĩa mang lại hy vọng cho người lớn, có ý nghĩa giáo dục và làm trẻ con say mê, đồng thời lan tỏa sự thi vị trong không khí sống động vui tươi của ngày tết”, tác giả Mạnh Quỳnh kết luận.
Tết Việt xưa qua góc nhìn của học giả phương Tây

Ảnh: TL

Điều thú vị của cuốn sách này là người đọc có thể hiểu thêm về tết Việt xưa qua góc nhìn của “người ngoài” là những học giả phương Tây. Bài viết của tác giả Jean Francois (Pháp) ghi lại những quan sát và cảm nhận về sinh hoạt văn hóa truyền thống của người An Nam – hội Lim. “Người ta vui đùa ở khắp mọi nơi trên đất An Nam, từ Cà Mau đến Lào Cai. Nhưng chưa bao giờ thấy vui như ở Lim, nơi mà từ rất xa xưa, hằng năm vào ngày 13 của tháng thứ nhất của lịch An Nam, người dân quê anh dũng của vùng Bắc Ninh và Bắc Giang hội ngộ”, trích bài viết được đặt nhan đề Vài nét về hội Lim của Jean Francois. Trong bài viết này, tác giả còn cho thấy những điều đã làm “hỏng” hội Lim, nhưng khẳng định quan họ không mất. “Ẩn sau lũy tre làng hoặc tụ tập ở những địa điểm vắng vẻ, tránh xa sự náo nhiệt của thành phố, những cô gái ở Lim tiếp tục tạo dựng danh tiếng của mình”, tác giả viết.
Cuốn sách tập hợp những bài viết của các học giả như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Văn Giáp, Paul Boudet, Jean Marquet, Georges Pisier, Nguyễn Tiến Lãng, Mạnh Quỳnh… do PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu VN học) sưu tầm và lưu giữ trong nhiều năm qua, Du Uyên dịch.
“Người Pháp nhìn xứ An Nam cảm thấy kỳ lạ với những điều không giống như phương Tây. Với những sự kỳ lạ đó, họ lại càng muốn tìm hiểu để có thêm thông tin cho ngành du lịch đưa du khách, những người có sở thích về những điều độc đáo và lạ lùng, đến xứ xở này”, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng nói. Ông ví dụ, người phương Tây thấy rất lạ lùng và thích thú khi thấy người An Nam có thói quen ngồi chồm hổm và có thể ngồi hàng giờ như vậy mà không thấy mệt, trong khi họ khó có thể làm theo. Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, không phủ nhận có những góc nhìn của học giả phương Tây bị lệch lạc, nhưng có khi là sự khách quan của “người ngoài”. “Những góc nhìn từ bên ngoài, không mang cảm tính của bên trong, rất quan trọng trong việc nghiên cứu dân tộc học”, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.
Ông nhìn nhận ở thời kỳ con người quan tâm nhiều đến tiện nghi, đời sống vật chất thì tư liệu trong cuốn sách sẽ giúp người đọc nhìn lại những nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt.
NGỌC AN
TNO