24/11/2024

Thổ Nhĩ Kỳ rao bán một nhà thờ tịch thu của người Armenia

Thổ Nhĩ Kỳ rao bán một nhà thờ tịch thu của người Armenia

Nhà thờ cổ của Giáo hội Armenia ở Bursa, Thổ Nhĩ Kỳ

Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã rao bán với giá 6,3 triệu lire (chỉ hơn 800.000 đô-la) một nhà thờ Armenia cổ ở Bursa, một đô thị phía nam của Biển Marmara và nằm trên sườn của Núi Misia, một địa phương nổi tiếng về du lịch.

Hiện tại vị trí chính xác và tên của nơi thờ tự vẫn chưa được xác định. Trong phần quảng cáo lan truyền trên internet, người ta có thể thấy một số phần của cơ sở, nơi vẫn còn được giữ bí mật vì các vấn đề liên quan đến “bảo vệ bí mật thương mại và các vấn đề cá nhân”.

Buôn bán di sản văn hóa và tôn giáo

Thông báo viết: “Một nhà thờ lịch sử, nằm ở vùng Bursa và đã trở thành tài sản tư nhân, hiện đang được rao bán. Được xây dựng bởi người Armenia sống trong vùng này, nhà thờ đã được bán và trở thành tài sản tư nhân sau sự thay đổi ‘nhân khẩu’, và sau năm 1923 được sử dụng như một nhà kho thuốc lá, sau đó là một nhà máy dệt. Nhà thờ nằm ở Bursa, thành phố được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới, có thể được sử dụng cho mục đích du lịch do vị trí đặc biệt của nó.”

Theo Asia News, miêu tả “thay đổi nhân khẩu” ám chỉ một cách mơ hồ đến nạn diệt chủng của người Armenia và việc nhiều Kitô hữu Hy Lạp bỏ trốn trong những năm cuối của Đế chế Ottoman và những năm đầu tiên của nền Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông cáo rao bán nói rằng nhà thờ có thể được sử dụng như trung tâm văn hoá, nơi biểu diễn nghệ thuật, bảo tàng hay khách sạn với mục đích thương mại.

Phản ứng của các cộng đồng Kitô giáo

Cộng đồng Kitô giáo Armenia và các phong trào đối lập ngay lập tức phản đối và chỉ trích. Garo Pylan, một nghị sĩ người Armenia thuộc đảng đối lập HDP đã chỉ trích: “Một nhà thờ Armenia được rao bán ở Bursa. Nhưng liệu có khi nào một nơi thờ phượng được rao bán không? Làm sao nhà nước và xã hội có thể cho phép tất cả những điều này? Thật xấu hổ cho quý vị!”

Đối với cộng đồng Kitô giáo Thổ Nhĩ Kỳ, quyết định bán một nơi thờ tự chỉ là quyết định mới nhất trong một loạt các việc làm gây tranh cãi, cho thấy sự thiếu tôn trọng, nếu không muốn nói là sự khinh miệt và buôn bán di sản văn hoá và tôn giáo của Thổ Nhĩ Kỳ. (Asia News 19/01/2021)

Hồng Thuỷ