24/11/2024

‘Hoá phép’ vỏ tôm, cua thành nhựa sạch

‘Hoá phép’ vỏ tôm, cua thành nhựa sạch

 ‘Nhựa sinh học sản xuất từ vỏ tôm, cua tạo ra vật liệu thân thiện sức khỏe người tiêu dùng, dễ dàng phân huỷ trong môi trường tự nhiên’ – Nguyễn Phương Khánh, sinh viên năm cuối ngành công nghệ kỹ thuật hóa học (Đại học Trà Vinh), chia sẻ.

 

Hóa phép vỏ tôm, cua thành nhựa sạch - Ảnh 1.

Khánh thu gom vỏ tôm, cua phế thải để sản xuất nhựa sinh học – Ảnh: NVCC

“Sản phẩm làm ra không chỉ phải bền tốt mà còn phải thân thiện, an toàn với sức khỏe. Đó là lý do tôi thực hiện các dự án trên.

Nguyễn Phương Khánh

Hiện Khánh cùng nhóm bạn gồm Huỳnh Hoàng Khang (ngành quản trị kinh doanh) và Chung Mỹ Phúc (ngành ngôn ngữ Anh – Đại học Trà Vinh) đang nỗ lực kêu gọi nhà đầu tư rót vốn vào dự án trên, từng bước tiến tới sản xuất nhựa sinh học đại trà phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Khởi nghiệp từ trăn trở ô nhiễm

Sinh ra và lớn lên ở Duyên Hải, vùng nuôi tôm, cua lớn nhất tỉnh Trà Vinh, nên từ nhỏ Khánh đã chứng kiến cảnh mỗi lần người dân loại bỏ chất thải khỏi ao nuôi thì một lượng lớn vỏ tôm, cua bị thải ra môi trường.

Chất thải hôi thối kéo theo ruồi nhặng ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe người dân sinh sống quanh vùng cũng như gây ô nhiễm môi trường.

“Do công việc bận rộn nên chủ ao nuôi thường không ủ làm phân bón cây trồng mà tìm cách quăng vỏ tôm, cua xuống sông, từ đó càng ô nhiễm nguồn nước” – Khánh chia sẻ.

Từ thực tế trên, Khánh quyết định tìm giải pháp tận dụng phế phẩm ao nuôi để sản xuất thành những sản phẩm hữu ích cho đời sống.

Đầu tiên, Khánh lên mạng tìm hiểu thì biết được vỏ tôm, cua được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm thông dụng như vỏ bọc bên ngoài viên thuốc con nhộng, băng cá nhân, mỹ phẩm…

Khánh đặc biệt hào hứng khi biết chúng có thể được dùng để sản xuất nhựa sinh học, vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường vừa hướng đến cộng đồng.

“Tôi dịch thuật lại các tài liệu nước ngoài, mày mò nghiên cứu cách sản xuất nhựa sinh học. Ý tưởng lóe lên, bắt tay vào thực hiện là cả một hành trình khó khăn vì mọi thứ quá mới mẻ với tôi” – Khánh nhớ lại.

Đều đặn hằng tuần, Khánh về quê lân la đi xin vỏ tôm, cua. Thấy chàng trai trẻ đến xin loại phế phẩm thủy sản, nhiều chủ ao mừng húm vì đỡ phải chở đi vứt.

Rồi nhìn cậu sinh viên khệ nệ chở bao phế phẩm lên TP Trà Vinh nghiên cứu, nhiều người lắc đầu ngao ngán cho rằng Khánh bị “chập mạch”, làm cái việc chẳng ra sao!

Khánh chia sẻ phải trải qua nhiều công đoạn như lọc tạp chất, xay, xử lý hóa chất khử mùi, chiết xuất, gia nhiệt… thì mới có thể “hóa phép” vỏ tôm, cua thành nhựa sinh học.

Trong quá trình nghiên cứu, Khánh thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau để tối ưu hóa sản phẩm làm ra. Một trong những vấn đề nan giải khiến Khánh đau đầu nhất là sản phẩm làm ra có mùi hôi đặc trưng của hải sản.

“Thay đổi nhiều phương pháp khác nhau nhưng thành phẩm làm ra vẫn còn phảng phất mùi. Cuối cùng phải kết hợp cùng trà xanh và vài loại nguyên liệu khác để đánh bay mùi hôi” – Khánh hào hứng kể.

Quá trình sản xuất nhựa sinh học tưởng phải dừng giữa chừng bởi thiếu tinh bột và phụ gia chuyên biệt sử dụng trong ngành nhựa. Khánh lại phải tìm cách kết nối với doanh nghiệp sản xuất nhựa để cầu cứu.

“Trong thời gian thực tập tại Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, tôi được đồng nghiệp giới thiệu cho mối quen, từ đó mới đủ nguyên liệu cho sản xuất” – Khánh chia sẻ.

Tuy nhiên, hiện tại do thiếu máy móc nên Khánh không thể trực tiếp sản xuất mà chỉ có thể gửi nhờ các cơ sở sản xuất nhựa “gia công” giúp. Chi phí không hề rẻ, 2 triệu cho khoảng 10kg nhựa sinh học nguyên liệu ban đầu.

“Nhà trường hỗ trợ hết mình trong nghiên cứu, còn quá trình sản xuất đòi hỏi phải có máy móc đắt tiền” – Khánh bộc bạch.

Hóa phép vỏ tôm, cua thành nhựa sạch - Ảnh 3.

Sản phẩm nhựa sinh học do Khánh và các bạn sản xuất gồm khay, ly và ống hút – Ảnh: NVCC

Mơ xuất ra thế giới

Tháng 7-2020, sản phẩm nhựa sinh học từ vỏ tôm, cua đầu tiên chính thức trình làng sau thời gian Khánh nghiên cứu. Hiện các dòng sản phẩm Khánh đã sản xuất thử nghiệm thành công gồm ống hút, khay nhựa, ly nhựa và đang thử nghiệm các dòng sản phẩm mới.

“Vừa rồi, tôi có xem tivi, thấy thông tin bình sữa thông thường của trẻ em có rất nhiều hạt vi nhựa, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe các bé. Tôi dự định sẽ sản xuất bình sữa bằng nhựa sinh học nếu khả năng cho phép” – Khánh tiết lộ.

Theo Khánh, nếu vận dụng máy móc vào sản xuất đại trà thì giá của sản phẩm nhựa sinh học từ vỏ, tôm cua chỉ đắt hơn sản phẩm nhựa thông thường khoảng 1,5 lần.

“Các dòng sản phẩm nhựa sinh học ngoài thị trường đang đắt gấp 3, 4 lần so với nhựa thường, nên tôi thấy nếu có thể sản xuất quy mô lớn với giá thành phải chăng thì người tiêu dùng sẽ dễ dàng đón nhận” – Khánh hào hứng chia sẻ.

Nói về tính khả thi của dự án, vì sao người tiêu dùng phải chọn nhựa sinh học thay vì nhựa thông thường, Khánh chia sẻ: “Nhựa sinh học có thể tự hủy trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 tháng trong môi trường ủ công nghiệp, bên ngoài thì có thể lâu hơn một chút.

Trong khi đó, nhựa thông thường phải mất đến hàng trăm năm. Người quan tâm các vấn đề môi trường và sức khỏe sẽ không ngần ngại lựa chọn sản phẩm trên”.

Hiện Khánh cùng nhóm bạn đang năng nổ tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, các phiên chợ kết nối dự án của sinh viên với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để có thể triển khai sản xuất nhựa sinh học quy mô lớn.

Vừa qua, dự án này đoạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Tỉnh đoàn Trà Vinh tổ chức, giải nhì cuộc thi Hult Prize, giải thưởng khởi nghiệp cho sinh viên tại ĐH Trà Vinh.

“Gần đây cũng có công ty liên hệ tôi đặt vấn đề xuất khẩu sang Úc, Pháp. Họ yêu cầu sản phẩm cần phải đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm tra các chỉ số hóa sinh của sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của đối tác nước ngoài. Vấn đề hiện tại tôi còn thiếu để sản xuất lớn là vốn” – Khánh bộc bạch.

Hiện Khánh đang nhờ một người bạn cơ khí bên ngoài “chế” một chiếc máy đùn kích cỡ nhỏ để thỏa ước mơ trực tiếp làm ra sản phẩm.

“Tôi thử hỏi ngoài thị trường thì máy đùn để sản xuất nhựa rẻ nhất đến cả tỉ đồng, quá khả năng của tôi. Tôi nhờ bạn chế máy chừng 10 triệu đồng, làm đến đâu cân chỉnh, hoàn thiện đến đó. Mong rằng dự án có thể bay xa trong thời gian tới” – Khánh thật thà chia sẻ.

Thầy Nguyễn Văn Vũ An – giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Trường ĐH Trà Vinh – trực tiếp đồng hành với Khánh từ ý tưởng ban đầu đến lúc ra mắt sản phẩm mẫu.

Thầy đánh giá dự án có tính khả thi cao khi nhiều doanh nghiệp thông qua nhà trường đã bắt đầu kết nối triển khai.

“Trường đang hỗ trợ Khánh bảo vệ bản quyền, đăng ký sở hữu trí tuệ. Nhiều đơn vị đặt vấn đề liên kết sản xuất, xuất khẩu sang nước ngoài” – thầy An nhấn mạnh.

Hóa phép vỏ tôm, cua thành nhựa sạch - Ảnh 4.

Khánh và các bạn nghiên cứu sản xuất nhựa sinh học – Ảnh: NVCC

Chế phẩm diệt trừ sâu từ hạt bình bát

Ngoài dự án sản xuất nhựa sinh học từ vỏ tôm, cua, Khánh cũng là một trong các thành viên góp mặt trong đề tài nghiên cứu “Sản xuất chế phẩm sinh học phòng trừ sâu từ hạt bình bát”.

Sản phẩm phun xịt ứng dụng công nghệ nano giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế ô nhiễm môi trường. Chiết xuất từ hạt bình bát thôn quê và nano kẽm, sản phẩm tiết kiệm chi phí với tính khả thi cao khi áp dụng vào thực tế.

THÀNH NHƠN
TTO