24/11/2024

Caritas Châu Âu chuẩn bị thực hiện 12 dự án liên đới

Caritas Châu Âu chuẩn bị thực hiện 12 dự án liên đới

Hoạt động Caritas

12 dự án liên đới mới cho 11 quốc gia, đặt con người làm trung tâm là nội dung được thảo luận tại buổi gặp gỡ trực tuyến của Caritas Châu Âu diễn ra hôm thứ Sáu 15/01/2021.

Tại cuộc gặp gỡ, các tham dự viên đã trình bày các dự án và dịch vụ mới trong lĩnh vực liên đới, cùng trao đổi kinh nghiệm thành công và truyền cảm hứng, nhằm ứng phó với đại dịch và các cuộc khủng hoảng với lòng can đảm và sự tin tưởng.

Trong số 12 dự án được trình bày, có hai dự án của Caritas Ý. Dự án đầu tiên mang tên “Food4life”. Dự án này chỉ ra rằng việc giảm lãng phí thực phẩm có thể trợ giúp một cách hiệu quả cho các nạn nhân của nạn buôn người và bóc lột tình dục. Dự án thứ hai được gọi là “Ribes”, áp dụng mô hình đa chiều để ngăn chặn tình trạng nghèo giáo dục của trẻ vị thành niên, thúc đẩy cam kết của cộng đồng mang lại cuộc sống mới cho trường học và hệ thống phúc lợi.

Dự án đến từ Caritas Armenia được mang tên “Quyền của tôi”, dành cho việc hoà nhập của những người trẻ khuyết tật. Dự án “Ecosol” của Caritas Tây Ban Nha quảng bá các dịch vụ mới cho kinh doanh xã hội. Caritas Hy Lạp bảo trợ cho dự án “Shediaart”, lấy tên của tờ báo đường phố duy nhất trong nước, được thành lập vào năm 2013 bởi một số người vô gia cư. Trong tiếng Hy Lạp, “shedia” có nghĩa là “thuyền cứu sinh”. Thực tế, đối với nhiều người bị thiệt thòi, dự án tái chế chất thải này là một phao cứu sinh thực sự, tạo ra việc làm cho nhiều người.

Và thêm nữa, dự án “Noah housing first” của các Giám mục Anh, nhằm phát triển các sáng kiến liên đới ở nước ngoài. Chương trình trên hết dành riêng cho những trường hợp khó khăn khẩn cấp về nhà ở. Dự án “Moneta d’argilla” do Caritas Slovakia phát động, mục đích nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của việc làm từ thiện đối với những người sống trên đường phố. Về phần Caritas Ireland, tổ chức bác ái này đã phát triển một giải pháp sáng tạo, quản lý các chất thải nhà vệ sinh trong các trại cho người di dời ở Myanmar, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như dịch tả. Caritas Áo quan tâm đến thế giới công nghệ với dự án “Chat net”, một dự án hướng đến việc sử dụng các công nghệ mới, phá vỡ sự cô lập xã hội, tạo ra một hình thức tình nguyện mới dễ dàng và linh hoạt.

Tại Serbia, Caritas thúc đẩy sáng kiến liên đới nhằm phát triển bền vững trong nông nghiệp, trong sản xuất thực phẩm và du lịch bản địa. Trong khi Caritas Đan Mạch hợp tác với các công ty khu vực tư nhân để xây dựng các sản phẩm sáng tạo với giá cả phải chăng cho thị trường địa phương ở các nước đang phát triển, như bếp điện chạy bằng năng lượng mặt trời hoặc túi đặc biệt để lọc nước mưa trên thực tế có thể giải quyết các vấn đề cấp bách và cung cấp việc làm bền vững về mặt sinh thái. Cuối cùng, Caritas Bồ Đào Nha trình bày dự án “Tripla D” nhằm mục đích tăng cường sự tham gia chính trị của công dân, dựa trên mối liên hệ giữa dân chủ, nhân khẩu học và nhân quyền.

Ngọc Yến