06/01/2025

“Năm Covid” của xóm chạy thận

“Năm Covid” của xóm chạy thận

Tròn một năm khi dịch Covid-19 ập đến, bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Đà Nẵng trở thành những người “mất nhà”, “mất ăn”, “mất ngủ” với Covid-19. Xóm chạy thận một năm quá buồn và mất mát…
Cùng trở về xóm chạy thận sau nhiều giờ lọc máu ở bệnh viện /// ẢNH: AN DY
Cùng trở về xóm chạy thận sau nhiều giờ lọc máu ở bệnh việẢNH: AN DY
Đó là những bệnh nhân (BN) chạy thận nhân tạo, những phận người cùng khổ, lay lắt với chứng suy thận mạn giai đoạn cuối, khi chúng tôi ghé thăm họ ở một xóm nhỏ (144/10 Hải Phòng, Đà Nẵng), nơi họ nương tựa nhau từng ngày…
Tròn một năm trước, cũng tầm dịp Tết Nguyên đán, những BN này phải cấp tập di tản ra khỏi “nhà”, vốn là một khu nội trú miễn phí dành cho BN chạy thận nhân tạo trong Bệnh viện (BV) Đà Nẵng khi dịch Covid-19 ập đến. Để họ rời BV cũng là “bất đắc dĩ” để bảo vệ họ, những người yếu thế nhất trong cuộc chiến chống lại Covid-19.
Ông Dương Quang Sanh (57 tuổi, quê xã Duy Phước, H.Duy Xuyên, Quảng Nam), một BN chạy thận nhân tạo ở BV Đà Nẵng hơn 14 năm liền, nhớ như in hồi có thông tin “di dời” là những ngày trước Tết Nguyên đán 2020, rồi đúng mùng 3 tết, họ chính thức rời “nhà”. Từ đây họ rơi vào cảnh “mất nhà”, “mất ăn” do không còn những suất cơm cháo từ thiện được cộng đồng cấp phát ở BV, và “mất ngủ” vì sợ dính dịch. Họ chung nhau thuê trọ làm thành một “xóm chạy thận” cách BV Đà Nẵng chừng vài trăm mét và trải qua một năm đầy biến cố, không thể khó khăn hơn…
“Năm Covid” của xóm chạy thận

Những cánh tay biến dạng do chạy thận nhân tạo lâu năm

“Mất nhà” ra xóm trọ

Giữa một chiều lạnh tê tái 16 độ C của miền Trung, chúng tôi nhận được cuộc điện thoại rụt rè “cầu cứu” của ông Sanh. “Bọn chú khó khăn quá, đuối quá rồi con ơi”, tiếng được tiếng mất của ông Sanh khiến chúng tôi ngay lập tức hiểu được tình cảnh khó khăn của xóm BN chạy thận nhân tạo, sau 1 năm chật vật vì Covid-19. “Chẳng làm ăn được gì mà gia cảnh thì ai cũng khó khăn, lây lất như nhau. Cứ đều đặn cách nhật lại phải đi chạy thận nhân tạo đào thải chất độc, nước và muối ra khỏi cơ thể thay cho quả thận hư. Ngưng một ngày là chỉ có chết con ơi…”, ông Sanh thở dài.
Xóm chạy thận có chừng 6 phòng dành riêng cho những BN suy thận mạn giai đoạn cuối. Họ hùn nhau lại thuê chung các phòng với giá chừng hơn 4 triệu đồng/phòng gồm cả điện nước. Ông Sanh đưa cho tôi danh sách 23 BN chạy thận nhân tạo của xóm trọ nghèo, toàn những người có thâm niên trên chục năm sống gắn với máy chạy thận, rồi lặng lẽ gạch tên 2 người, chỉ còn 21. Ông Sanh nói: “Kê theo thói quen mới sực nhớ, 2 đứa nhỏ này vừa mất vì yếu quá. Mới đó rồi mất đó con ơi, quay qua quay lại giật mình thấy không còn nữa”. Có lẽ vì “sống chết mong manh” vậy nên họ cưu mang nhau, yêu thương nhau thay người thân ruột thịt…
Cả 21 người còn lại trong xóm chạy thận đều sống ở những vùng quê nghèo khó của tỉnh Quảng Nam, từ những huyện miền núi Đông Giang, Nông Sơn, Quế Sơn cho đến miền biển vùng đông Thăng Bình. Họ là những người có thâm niên chạy thận ở Khoa Thận nhân tạo (BV Đà Nẵng) trên dưới chục năm. Họ chia nhau từng ít tiền thuê nhà, chia từng cái khẩu trang chống dịch, từng hộp cơm may mắn xin từ thiện để chia ca chạy thận sáng, chiều, tối…
Ông Sanh kể, những người chạy thận trên dưới chục năm như họ yếu lắm. “Trong người chi cũng hư hết, từ tim, phổi, xương cốt… chạy thận về mệt, huyết áp tăng cũng ngất đi cấp cứu, mà tụt cũng ngất càng đi cấp cứu. Rồi loãng xương té ngã cũng đi cấp cứu, rồi thay khớp… Giữa đêm, người mạnh hơn bồng người yếu đi cấp cứu thay cho người thân vậy đó. Những ngày này trời trở rét, còn chia nhau cả những cơn đau nhức ê ẩm mình mẩy nữa”, ông Sanh cười hiền.
“Năm Covid” của xóm chạy thận

Ông Sanh (phải) và ông Phúc kể lại cú hút chết vì biến chứng tim và cú ngã sau khi thay 2 khớp háng

“Mất ăn” vì không còn cơm từ thiện

Cả chục năm qua, BN nghèo ở BV Đà Nẵng, trong đó có nhóm thận nhân tạo vẫn sống nhờ vào những suất cơm, cháo từ thiện của các đoàn thiện nguyện. Nhưng tròn một “năm Covid”, BV giới hạn và thực hiện giãn cách nên những suất ăn từ thiện cũng không còn…
Gia cảnh của những BN thận nhân tạo thì ai cũng nghèo khó, éo le. Trước đây ông Sanh là thợ mộc, là lao động chính của cả nhà. Nhưng 14 năm qua ông bệnh, vợ thay ông làm nông, nuôi con cái ăn học, còn tranh thủ giấu ông đi bán cả ve chai để cưu mang gia đình. “Mỗi tuần cầm 500.000 đồng của vợ để chi tiêu ở thành phố mà ứa nước mắt vì không giúp gì được. Mười mấy năm sống tằn tiện, chắt bóp bằng cơm, cháo từ thiện người ta mang đến phát ở BV mà chạy thận từng ngày, nhưng giờ cũng không còn, rồi tiền nhà, đủ thứ…”, ông Sanh thở dài.
Ba năm nay, do di chứng suy thận mạn, ông Sanh 2 lần thay khớp háng, giờ đi lại khó khăn với những cú ngã hút chết. Đã vậy, nhiều năm nay bám trụ thành phố vì mỗi lần về quê tốn kém, lại chỉ đi về được một ngày là phải trở lại chạy thận nên lúc nào cũng trong tình trạng dè sẻn, túng thiếu…
Xóm chạy thận còn có ông Trần Hữu Phúc (61 tuổi, quê xã Quế Phú, H.Quế Sơn, Quảng Nam). Ông phải chạy thận nhân tạo suốt 13 năm liền trong tình cảnh ngặt nghèo vì bệnh lâu năm, mọi gồng gánh mưu sinh dồn lên vai người vợ làm nông ở quê nhà. “Tôi còn một đứa con lớn mắc bệnh tâm thần lâu nay điều trị tại BV Tâm thần Quảng Nam, một đứa nhỏ tuổi đi học, đứa lớn hơn cũng loay hoay không kiếm được việc làm…”, ông Phúc thở dài.
Mới sau đợt dịch Covid-19 thứ 2 không lâu, ông Phúc hút chết khi lên cơn khó thở. Cả xóm chạy thận lại vác ông vào BV cấp cứu kịp thời để ông được phẫu thuật tim, cũng là di chứng của suy thận mạn lâu năm. Trừ hết những khoản bảo hiểm thanh toán, ông còn phải vay thêm 15 triệu đồng của người thân để nộp phí phẫu thuật. “Cứ thắc thỏm suốt với số tiền 15 triệu đồng không cách nào xoay xở được để trả…”, người đàn ông bệnh tật thở dài. Khuôn mặt ông khắc khổ với đôi mắt mệt mỏi, cánh tay biến dạng với những cục u do chạy thận lâu năm…
Trong khi đó, chị H.T.Liên (43 tuổi, quê Quảng Nam), với hơn 13 năm chạy thận nhân tạo xanh xao, còm cõi, thỉnh thoảng vẫn lén con ra chợ gần BV xin thêm tiền ăn đắp đổi qua ngày… Chị buồn bã kể, 13 năm trước, khi chị phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối, chồng chị cũng bỏ nhà đi để lại cho chị đứa con nhỏ xíu. Chị tằn tiện mãi đến khi con vào được đại học, có thể tự học bằng học bổng, chị mới tạm yên lòng.

Được xét nghiệm Covid nhiều nhất

Gần trong 1 năm “mất ngủ” với Covid-19, các thành viên xóm chạy thận cũng là nhóm BN được xét nghiệm Covid-19 nhiều nhất. Ông Sanh kể, từ đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 2 đến nay, tuần nào họ cũng được xét nghiệm dịch hầu họng để kiểm soát Covid-19 gắt gao. Cao điểm nhất là giai đoạn BV Đà Nẵng được phong tỏa kiểm soát dịch và làm sạch BV, trong hơn 50 ngày đêm đó, cả xóm được xét nghiệm 3 ngày/lần.
Ông Sanh kể, đó cũng là những ngày thật đặc biệt đối với những người bệnh nghèo như ông khi không phải lo cơm áo, được ở khách sạn 3 sao của thành phố, được xe sang có đội phòng chống dịch hộ tống, đưa đón cách nhật để đi chạy thận nhân tạo ở BV, cách khách sạn chừng 4 cây số. Trong khi BV Đà Nẵng trong tình trạng phong tỏa, “nội bất xuất ngoại bất nhập” thì nhóm BN thận nhân tạo vào BV bằng “đường mòn” đặc biệt, với chế độ kiểm soát dịch nghiêm ngặt.
Chị Liên kể, Covid-19 là nỗi ám ảnh kinh hoàng của họ suốt 1 năm qua, “vì nhóm BN suy thận giai đoạn cuối mà dính dịch thì coi như xong”. Chị nói, có lẽ trong năm qua, họ là cộng đồng người mang ý thức chống dịch triệt để nhất. Không qua lại tương tác, tiếp xúc gần với ai. Thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn và đi về để chạy thận, lặng lẽ duy trì cuộc sống…
Nhìn ra ngoài hiên, biết tết đang về nhưng với xóm chạy thận thì không có tết, vì vẫn phải chia ca hằng ngày để đi chạy thận đều đặn. “Tết là của người mạnh. Người đau ốm như chúng tôi không dám có tết. Nói đúng hơn là không dám ăn tết, uống tết, vì phải ở sát bên BV để sẵn sàng lọc máu đào thải độc, không kịp lọc thì nguy”, ông Sanh tâm sự.
Một “năm Covid” đi qua, hy vọng về năm mới của xóm chạy thận không gì hơn là chuỗi ngày ấm áp, tình cảm và được cộng đồng chia sẻ. Khi không sum vầy tết được với gia đình, họ trở thành gia đình của nhau, là điểm tựa của nhau…
AN DY
TNO