24/11/2024

Khen thưởng trường đại học: Sao không có trường tư?

Khen thưởng trường đại học: Sao không có trường tư?

Bộ GD-ĐT vừa khen thưởng 34 trường ĐH có nhiều bài báo quốc tế năm 2020 với tổng kinh phí 10,8 tỉ đồng. Ngay sau đó, nhiều ý kiến thắc mắc tại sao danh sách khen thưởng này không có ĐH tư?

 

Khen thưởng trường đại học: Sao không có trường tư? - Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ học – Ảnh: NHƯ HÙNG

TS Võ Thanh Hải (phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân):

Cảm thấy bị phân biệt đối xử

Bộ GD-ĐT khen thưởng công bố quốc tế để ghi nhận và khuyến khích giảng viên, trường ĐH đẩy mạnh nghiên cứu khoa học là cần thiết. Tuy nhiên, phải ghi nhận và động viên chung những người làm khoa học, công bố quốc tế, không phân biệt công tư, trường của bộ hay không thuộc bộ vì mục tiêu phát triển khoa học chung của đất nước.

Bộ GD-ĐT chỉ khen những trường thuộc mình quản lý sẽ tạo cho xã hội có cái nhìn chưa đầy đủ về công bố quốc tế của Việt Nam. Chúng ta có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ mà cả năm chỉ công bố được bấy nhiêu bài báo thôi sao? Đó là điều rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, việc này còn tạo cho các trường không được khen, nhất là các trường tư, cảm giác bị phân biệt đối xử, phân biệt công – tư. Các trường tư cũng góp phần rất lớn nâng cao vị thế khoa học của Việt Nam ở quốc tế nhưng lại không được ghi nhận.

PGS.TS Trần Thị Hồng (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành):

Điều quan trọng là sự ghi nhận

Việc chỉ khen các trường trực thuộc khiến các trường khác có cảm giác Bộ GD-ĐT vẫn đối xử phân biệt, nhất là phân biệt công – tư. Chúng tôi không quan trọng chuyện tiền khen thưởng, điều quan trọng đó là sự ghi nhận sự cố gắng của người nghiên cứu, của các trường ĐH.

Dù là trường công hay tư, dù có thuộc Bộ GD-ĐT hay không thì các trường công bố quốc tế đều đóng góp chung vào thành tựu, nâng cao uy tín nghiên cứu khoa học của Việt Nam.

PGS.TS Hồ Thanh Phong (hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng):

Lẽ ra phải khen trường tư

Khen thưởng từ cơ quan quản lý là điều cần thiết để các trường cố gắng làm tốt hơn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Trong đó, trường tư phải tự thân vận động mọi thứ, phải cân đối, đầu tư, cố gắng nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học để có được những công trình, bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, không được hỗ trợ như trường công.

Do vậy, trường tư cần phải được khen với những kết quả đó, chí ít cũng không bị phân biệt. Khen là công cụ thúc đẩy nên nó phải được sử dụng cho càng nhiều người càng tốt.

GS Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Úc):

Phải rõ tiêu chí

Bài báo khoa học cũng có nhiều chất lượng khác nhau, tạp chí quốc tế có thứ hạng khác nhau, đóng góp của mỗi cá nhân trong một công trình nghiên cứu và công bố quốc tế cũng rất khác nhau. Chính sách khen thưởng cho những công bố quốc tế là điều cần thiết nhưng phải có các tiêu chí rõ ràng.

Một tác giả không phải đứng tên chính trên bài báo, không cần phải khen thưởng hoặc khen ở mức phù hợp chứ không thể cào bằng người làm chính và phụ trong một công trình nghiên cứu khoa học. Việc cào bằng như thế không phát huy đúng tác dụng ghi nhận và khích lệ của khen thưởng, thậm chí khen lầm.

Khen thưởng giúp khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học. Nhưng nếu làm không khéo, không tốt, chúng ta chỉ khuyến khích được một nhóm người trong khi một nhóm khác lớn hơn lại cảm thấy bị phân biệt như “con nuôi – con ruột”. Khen thưởng như vậy tác dụng ngược nhiều hơn là tích cực.

Bộ GD-ĐT: “Chỉ có thể khen thưởng các trường trực thuộc bộ”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết việc khen thưởng cho các trường ĐH trực thuộc có nhiều bài báo quốc tế đã được bộ thực hiện nhiều năm nay và thực hiện theo quy định của Nhà nước.

Bộ GD-ĐT không quản lý ngân sách khoa học công nghệ của cả nước mà chỉ được cung cấp một phần ngân sách nên chỉ có thể khen thưởng cho các cơ sở đào tạo trực thuộc bộ. Còn những trường tư, trường trực thuộc bộ ngành khác thì sẽ do “chủ đầu tư”, chủ quản chịu trách nhiệm khen thưởng.

NGỌC DIỆP

MINH GIẢNG ghi
TTO