23/01/2025

Chúa Nhật II TN B 2021: Ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu

Từng người tín hữu chúng ta đã được Chúa Giêsu kêu gọi làm môn đệ để cùng Người cứu độ thế giới. Nhưng rất nhiều người lại không nhận thức được sứ mệnh cao quý của mình và cũng không biết làm thế nào để trở thành người môn đệ thật sự của Chúa Giêsu.

Chúa Nhật II TN B 2021

Ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Từng người tín hữu chúng ta đã được Chúa Giêsu kêu gọi làm môn đệ để cùng Người cứu độ thế giới. Nhưng rất nhiều người lại không nhận thức được sứ mệnh cao quý của mình và cũng không biết làm thế nào để trở thành người môn đệ thật sự của Chúa Giêsu.

BÁO CHIA SE: Chúa gọi Samuel, đoạn Kinh thánh Cựu ước áp dụng đồng hành  thiêng liêng

1. Nhận thức về sứ mệnh cứu độ

Nhìn vào cộng đồng xã hội hiện nay, chúng ta rất cảm phục nhiều người không Công giáo, nhất là các bạn trẻ, dám hy sinh quyền lợi riêng tư để sống cho những lý tưởng cao cả. Họ muốn cho quê hương, dân tộc mình phát triển bền vững, mãi mãi trường tồn. Họ hy sinh mạng sống để cứu giúp những người bị dịch bệnh. Họ dành thời giờ nghỉ ngơi để săn sóc những người già yếu, mồ côi, khuyết tật. Họ chia sẻ những tài sản nhỏ bé cho những người nghèo khổ.

Nhiều bạn trẻ Công giáo nhận xét rằng các giáo xứ ít có những hoạt động thiện nguyện tương tự, nên họ phải tham gia vào các đoàn thể ngoài Công giáo. Họ cảm thấy rằng người Công giáo hình như xa lạ với con người cụ thể và chỉ biết có linh hồn, chú ý đến những nghi thức phụng tự và bỏ quên thân xác và những nhu cầu của nó. Vì thế, giới trẻ càng ngày càng xa nhà thờ.

Trong nhiều thế kỷ, các tín hữu Công giáo, nhất là các linh mục, tu sĩ, bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Khắc kỷ và thuyết Nhị Nguyên: cho thân xác là thù địch của linh hồn, bị ma quỷ kiềm chế để chiều theo bản năng dục vọng, nên có những thái độ xem thường hay khinh miệt thân xác.

Họ không dám ăn ngon, mặc đẹp, không vui chơi giải trí, không tập luyện thể dục thể thao, không dám trang điểm hay săn sóc thân thể mình cho khoẻ và đẹp. Người ta ít thấy linh mục lo lắng cho người nghèo đói, tạo ra lương thực nuôi sống con người như Chúa Giêsu đã nhắc nhở các môn đệ: Chính anh em hãy cho họ ăn. Họ cũng chẳng muốn tiếp xúc với bệnh nhân. Thậm chí cho đến gần đây, nhiều linh mục, tu sĩ không dám đi học ngành y, ngành dược, ngành nha: sợ rằng đụng chạm vào thể xác con người và bất xứng với Thiên Chúa. Người ta không chấp nhận một linh mục, một tu sĩ làm massage cho bệnh nhân, nhất là người đó khác giới tính với mình.

Chúng ta vừa mới mừng các mầu nhiệm “Ngôi Lời mặc lấy xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14): từ một trẻ sơ sinh yếu đuối đến một người trưởng thành hoà mình với các tội nhân trong dòng nước sông Jordan để chịu phép rửa. Thiên Chúa đã đưa thần tính cao cả, tuyệt vời vào trong nhân tính tầm thường, hữu hạn của con người để hình thành nên Đức Giêsu. Vì thế, thân xác con người từ đó đã mang một giá trị mới mẻ, tuyệt vời.

Thánh Phaolô trong Bài đọc II (1Cr 6,13-15.17-20) đã trình bày cho chúng ta phẩm giá cao quý của thân xác đã được Chúa Giêsu Kitô biến đổi và ngài mời gọi tín hữu sống sao cho xứng hợp với ý nghĩa cao cả đó. “Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ xác thân ta. Ngài sẽ làm cho nó sống lại như đã làm cho Đức Giêsu Kitô sống lại. Hơn nữa, thân xác ta là phần thân thể của Đức Kitô, và khi kết hợp với Người thì nên một tinh thần với Người. Nhất là thân xác ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần để ta thờ phượng, tôn vinh Thiên Chúa bằng chính thân xác của mình qua những hành động yêu thương phục vụ con người”.

Hiểu được ý nghĩa và giá trị của thân xác con người trong cộng đồng xã hội, Giáo hội Công giáo đã xây dựng một học thuyết xã hội Công giáo lấy con người làm gốc, để từ đó hình thành nên một nền nhân bản toàn diện và liên đới (x. Gaudium et Spes (1965), số 14; Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (2004), số 6, 19; Docat (2016)), mà từng tín hữu Công giáo phải nắm vững và thể hiện trong đời sống của mình. Đó cũng là sứ mệnh của người môn đệ Đức Kitô cần phải thực hiện để cứu độ thế giới.

2. Làm gì để trở thành môn đệ thật sự của Đức Kitô?

Bài đọc I (1Sm 3,3-10.19) và bài Tin Mừng (x. Ga 1,35-42) như gợi ý cho chúng ta những việc cần làm nếu ta muốn trở thành người môn đệ thật sự của Đức Kitô để chinh phục con người và cứu độ thế giới.

– Trước hết, ta phải nhận ra tiếng Chúa kêu gọi trong đêm tối và biết cách đáp lại Lời Chúa cũng như “không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu” (1Sm 3,19). Chúng ta giống như cậu bé Samuel nhận ra tiếng Chúa qua sự chỉ dẫn của ông Êli, hay hai môn đệ Gioan Tẩy Giả nhận ra Đức Giêsu qua sự giới thiệu của ông Gioan, hoặc Phêrô gặp Đức Giêsu qua sự dẫn dắt của ông anh Anrê. Rất nhiều người lương dân, nhất là các bạn trẻ, rất cần đến những môn đệ Chúa Giêsu như chúng ta để dẫn họ đến gặp Người.

Vì thế, chính chúng ta phải gặp được Đức Giêsu rồi mới có thể dẫn dắt người khác. Điều không đúng và bất cập hiện nay, đó là nhiều người chưa gặp được Đức Giêsu mà lại đóng vai chỉ dẫn cho người khác. Do đó, nhiều bạn trẻ đã không còn thiết tha với tôn giáo vì họ bị dẫn đường sai lạc. Họ không cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc, ơn cứu độ do Đức Giêsu ban cho những ai gặp được Người.

– Tiếp theo là sau khi nghe được tiếng gọi của Giêsu, chúng ta phải đi theo Người (Ga 1,35) dù qua trung gian bất cứ ai. Đức Giêsu là lời Chúa nói trong muôn con người, nên Người cũng gọi ta qua tất cả các biến cố với những con người khác nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào của đời sống. Thật ra vẫn chính là Đức Giêsu đã kêu gọi và chọn lựa chúng ta. Sau này Tin Mừng Gioan xác định: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16).

– Sau đó, ta phải đến mà xem chỗ Người ở để nhận ra Chúa Giêsu sống như thế nào và làm việc ra sao. Nhiều người đã từng gặp Chúa Giêsu, nhưng chỉ như một người qua đường xa lạ, hay một người bạn mới quen. Họ chẳng tìm đến nhà và cũng chẳng muốn mất thời gian để ở lại lâu bên Người. Do đó hiểu biết của họ về Đức Giêsu rất mù mờ, ít ỏi, hỗn độn chứ không sâu sắc và rõ ràng.

Nhiều người đã từng hỏi Đức Giêsu: “Thầy ở đâu?”. Người ta đã từng nghiên cứu lâu năm để truy tìm căn nhà Đức Giêsu nằm trên con phố nào của miền Galilê hay Giuđê. Nhưng Đức Giêsu đã nói rõ về chỗ ở của Người rằng: Con chim có tổ, con chồn có hang, nhưng con người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Thật ra, Người đang ở giữa chúng ta, ở ngay trong lòng ta, nhưng ta lại không nhận ra Người.

Nhiều tín hữu hay lương dân tìm đến nhà thờ hay cầu nguyện trước Nhà Chầu Thánh Thể, nhưng đó chỉ là sự hiện diện mang tính bí tích của Chúa. Khi ta xác tín rằng: “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm” thì ta có thể gặp Đức Giêsu qua thể xác mọi con người, nhất là những người nghèo khổ, đói khát, tật bệnh như Đức Giêsu đã tuyên bố: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25,40).

– Cuồi cùng ta phải ở lại với Đức Giêsu suốt ngày. Ở lại, diễn tả một tương quan về mặt thể lý: có mặt trong một nơi nào đó mà không rời đi. Nhưng rồi sau đó tiến tới sự kết hợp và hiệp thông sâu xa về mặt tinh thần. Các môn đệ đã ở lại với Chúa Giêsu, “ở trong Chúa Giêsu” bằng tình yêu và nhờ đó hoà nhập thành một với Người. “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23) Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ “ở lại” trong đoạn Tin Mừng Ga 15,1-10. Hoà nhập với Đức Giêsu ta mới nhận được tình yêu, sức mạnh, quyền năng, ân sủng của Chúa Giêsu nhờ Thần Khí Người thổi trên chúng ta và hành động như Người.

Lời kết

Vì thế, từ nay chúng ta được mời gọi dành thêm những giây phút sống để ở lại với Chúa Giêsu và để Người biến đổi chúng ta thành môn đệ thật sự, hay đúng hơn, thành hình ảnh thật sự của Người cho nhân loại và thế giới hôm nay.

HKK