Ăn uống không hợp lý, trẻ em nhà ‘có điều kiện’ cũng thấp còi

Ăn uống không hợp lý, trẻ em nhà ‘có điều kiện’ cũng thấp còi

Chuyên gia cho rằng, tình trạng trẻ thấp còi không chỉ ở gia đình khó khăn mà còn xảy ra ở gia đình “có điều kiện” do ăn uống không hợp lý…
GS-TS Trần Hữu Dàng chia sẻ thông tin hôm nay về trẻ thấp còi /// Ảnh: N.T
GS-TS Trần Hữu Dàng chia sẻ thông tin hôm nay về trẻ thấp còi ẢNH: N.T
Hôm nay 17.1, tại TP.HCM, Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam cùng các đơn vị triển khai dự án nâng cao nhận thức của cộng đồng, chung tay đẩy lùi tình trạng thấp còi ở trẻ em.
Tại buổi triển khai, GS-TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam, cho biết bên cạnh thừa cân, béo phì gia tăng những năm qua, chúng ta cũng đau đầu với tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi còn ở mức cao.
Theo đó, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi trong nước suy dinh dưỡng thể thấp còi là hơn 23%. Ở miền núi phía bắc là 28,4%, Tây Nguyên là 32,7% và miền Trung là 25,4% trẻ em suy dinh dưỡng.
Theo GS-TS Trần Hữu Dàng, trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi không chỉ xảy ra ở các gia đình khó khăn, mà có cả ở gia đình “có điều kiện” là do chế độ ăn uống không hợp lý; người mẹ khi mang thai ăn uống kém; nhiều phụ huynh còn thiếu kiến thức, thực hành dinh dưỡng… Có tới 57% người Việt ăn thiếu rau, nhưng thừa muối, thừa bia rượu…
Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân như lực lượng làm công tác dinh dưỡng ở cộng đồng, trường học hay bệnh viện còn thiếu về số lượng và chất lượng.
Theo GS-TS Trần Hữu Dàng, dinh dưỡng, rèn luyện và môi trường sống quyết định 80%; còn yếu tố di truyền quyết định 20% về phát triển chiều cao ở trẻ.
GS-TS Trần Hữu Dàng cho biết, Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị, tổ chức gồm: MercK Việt Nam; DGE và Assist thực hiện dự án nâng cao nhận thức của cộng đồng, chung tay đẩy lùi tình trạng thấp còi ở trẻ em.
Qua đó, triển khai các hoạt động truyền thông, khám tầm soát cho trẻ và tập huấn cho các giáo viên tiểu học, mẫu giáo, phụ huynh học sinh và nhân viên y tế – để giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu về các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa, đồng thời có thể tầm soát sớm và chữa trị hiệu quả căn bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Các hoạt động này thực hiện ở 7 tỉnh, thành: Cao Bằng, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Hà Nội và TP.HCM.
THANH TÙNG
TNO