Thuốc tây mang đi tiêu huỷ, nhưng ‘lọt’ ra thị trường ?
Thuốc tây mang đi tiêu huỷ, nhưng ‘lọt’ ra thị trường ?
Gần 1 tấn thuốc tây kém chất lượng được công ty dược ký hợp đồng tiêu huỷ, nhưng sau đó lại ‘lọt’ ra thị trường.
Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đang thụ lý, điều tra đơn tố cáo của 2 công dân vì mua nhầm lô hàng tân dược kém chất lượng, mang đi tiêu hủy. Người đứng đơn tố cáo là ông Dương Văn Hoàng và ông Nguyễn Văn Tân (đều 43 tuổi, cùng ngụ TP.HCM).
Đường đi của 860 kg thuốc tây
Theo lời khai của ông Tân tại Cơ quan CSĐT Công an Đồng Nai, vào tháng 11.2019, ông được ông Nguyễn Văn Đại, người tự giới thiệu đang làm quản lý giám sát Nhà máy xử lý chất thải nguy hại (CTNH) Vĩnh Tân thuộc Công ty CP môi trường Thiên Thanh (gọi tắt Công ty Thiên Thanh, trụ sở tại Q.7, TP.HCM; nhà máy xử lý chất thải nguy hại đóng tại xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai), chào bán lô thuốc tây và nguyên liệu bảo quản thuốc.
“Ông Đại khẳng định có hóa đơn đầy đủ, đồng thời đưa một số mẫu thuốc. Thấy còn hạn sử dụng, tôi đề nghị được quay lại video để đi chào hàng, thì ông Đại đồng ý”, ông Tân khai tại cơ quan công an và cho biết sau khi tìm được người mua tên Phi (chưa rõ lai lịch; chuyên mua bán phế liệu tại cảng Cát Lái, TP.HCM), ông Tân quay lại Nhà máy xử lý CTNH Vĩnh Tân mua lô 860 kg thuốc tây (gồm nhiều chủng loại) và 5 tấn nguyên liệu chất bảo quản với giá 921 triệu đồng.
“Ông Đại nói số thuốc này mua của Công ty CP dược phẩm Boston Việt Nam và công ty này sẽ xuất hóa đơn cho người mua. Nghe vậy, tôi cho xe tải đến vận chuyển làm 2 đợt, đưa tiền mặt 900 triệu đồng, số còn lại thì chuyển khoản”, ông Tân khai.
Theo phiếu cân xe mà Nhà máy xử lý CTNH của Công ty CP môi trường Thiên Thanh xuất ra, thì lô thuốc tây và 5 tấn dược liệu được chở đi vào ngày 7 – 8.11.2019. Sau khi mua về, ông Tân đã bán lô hàng trên cho người tên Phi với giá 1,25 tỉ đồng. Người này lại bán tiếp cho người tên Lâm, sau đó ông Lâm bán lại cho ông Dương Văn Hoàng với giá 2 tỉ đồng.
Nguy hiểm với người bệnh
Theo ông Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, thuốc hết hạn sử dụng hoặc không đạt chất lượng đều không đảm bảo vấn đề điều trị cho bệnh nhân. Nếu những loại thuốc đó là kháng sinh thì có thể gây ra tình trạng lờn thuốc, kháng thuốc, rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Trong khi đó, để kinh doanh hàng hóa liên quan đến thuốc, dược phẩm thì phải đăng ký doanh nghiệp và ngành nghề, được Sở KH-ĐT cấp phép mới được hoạt động.
Không có hóa đơn nên làm đơn tố cáo
Dù sang tay qua nhiều người, nhưng do không có hóa đơn nên lô hàng vẫn nằm tại kho của ông Nguyễn Văn Tân ở Q.7 (TP.HCM). Trả lời Thanh Niên, ông Dương Văn Hoàng cho biết: “Sau nhiều ngày đợi chờ mà không thấy hóa đơn, nghĩ rằng nếu mang ra thị trường tiêu thụ thì vi phạm pháp luật, nên đầu tháng 12.2019 tôi và ông Tân làm đơn tố cáo đến Công an Đồng Nai”.
|
Đến tháng 7.2020, ông Hoàng và ông Tân đã chở toàn bộ lô hàng trên giao nộp cho PC03 Công an Đồng Nai. Tại đây, các lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đã cùng kiểm đếm và niêm phong lô hàng. Biên bản ghi nhận: Ông Hoàng đã giao nộp 40 thùng giấy chứa các vỉ, bề ngoài trông giống thuốc tây; 190 bao màu trắng (không kiểm tra đồ vật chứa bên trong); 3 thùng phuy nhựa màu xanh, bên trong chứa chất bột màu trắng cùng 1 bao ni lông chứa chất bột màu trắng.
Cả ông Tân và ông Hoàng đều thừa nhận không đăng ký kinh doanh ngành dược. “Tôi là người kinh doanh thấy lô hàng còn hạn sử dụng, có lợi nhuận thì mua thôi”, ông Tân nói.
|
Trong khi đó, trả lời Thanh Niên, ông Lương Đăng Khoa, Tổng giám đốc Công ty CP dược phẩm Boston Việt Nam (Công ty Boston Việt Nam), cho biết công ty hợp tác với Công ty Thiên Thanh nhiều năm nay (2 bên ký hợp đồng theo từng năm) do đối tác có chức năng xử lý CTNH (do Bộ TN-MT cấp). Hợp đồng mới nhất được ký vào ngày 27.12.2018, nội dung xử lý 18 loại, trong đó có danh mục thuốc hết hạn sử dụng.
Liên quan lô thuốc mang đi tiêu hủy lại xuất hiện ngoài thị trường, ông Khoa cho hay Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã đến công ty làm việc nhiều lần. Trong đó, 860 kg thuốc tây là của công ty, còn 5 tấn nguyên liệu thuốc bảo quản thì không phải. “Trong số 860 kg thuốc tây, chủ yếu là thuốc CETIRIZIN BOSTON, còn hạn sử dụng nhưng kém chất lượng nên phải tiêu hủy. Số còn lại là thuốc tồn dư và hầu hết đều hết hạn sử dụng cần phải tiêu hủy”, ông Khoa cho hay.
Cũng theo ông Khoa, đầu năm 2020, khi hay tin lô thuốc trên xuất hiện ra thị trường, Công ty Boston Việt Nam đã gửi văn bản (ngày 2.1.2020) cho Công ty Thiên Thanh, nêu: “Ngày 27.9.2019, chi nhánh Công ty Thiên Thanh cử nhân viên đến Công ty Boston Việt Nam lấy CTNH (lô thuốc tây – PV) đi xử lý. Phía Công ty Boston Việt Nam cử Phó phòng Quản lý chất lượng là anh Nguyễn Lê Thiên đi cùng để giám sát. Khi đốt được 3 thùng thì phía chi nhánh Công ty Thiên Thanh báo có cán bộ của Cục Quản lý môi trường xuống kiểm tra và không cho phép đốt nữa; chất thải còn lại sẽ xử lý đúng thỏa thuận đã quy định tại hợp đồng. Nhưng hiện tại Công ty Boston Việt Nam nhận được tin báo những CTNH trên đang có mặt ở thị trường. Vì vậy yêu cầu Công ty Thiên Thanh giao trả lại toàn bộ số CTNH chưa tiêu hủy hết”.
Đến ngày 15.1.2020, Công ty Thiên Thanh có văn bản trả lời do Giám đốc Nguyễn Hoàng Thái ký, nội dung: “Toàn bộ CTNH cũng như thuốc hư, thuốc quá hạn sử dụng, chúng tôi cam kết sẽ tiêu hủy, xử lý toàn bộ đúng quy trình hiện hành về quản lý của nhà nước Việt Nam”.
Trong nhiều ngày qua, PV Thanh Niên cố gắng liên hệ với ông Nguyễn Hoàng Thái để tìm hiểu vụ việc nhưng ông Thái từ chối trả lời. Còn ông Nguyễn Văn Đại, khi đề cập đến vụ mua bán tân dược cũng như nguyên liệu chất bảo quản tiêu hủy ra thị trường thì người này nói: “Cái đó tôi không biết gì” rồi cúp máy.
Vượt quá quy định, phải xem xét xử lý hình sự
Xung quanh việc nhà máy xử lý CTNH lại tuồn hàng hóa buộc phải tiêu hủy ra ngoài thị trường, ông Trần Trọng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT Đồng Nai, phân tích: “Trường hợp các cơ sở nhận xử lý CTNH nhưng không xử lý theo đúng quy định, mà chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân không có giấy phép thì bị xử lý theo Nghị định 155 năm 2016 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính về môi trường. Trường hợp vượt quá các quy định này thì phải xem xét xử lý hình sự”.
LÊ LÂM
TNO