27/12/2024

Những ngày rét đậm, tắm bao lâu để an toàn?

Những ngày rét đậm, tắm bao lâu để an toàn?

12 điều nên thực hiện để giữ ấm cơ thể, an toàn sức khoẻ trong mùa lạnh, đã được Bộ Y tế khuyến nghị. Trong đó, có lưu ý về tắm an toàn và kiểm soát hạ thân nhiệt.
Không tắm quá lâu trong những ngày rét đậm /// SHUTTERSTOCK
Không tắm quá lâu trong những ngày rét đậm   SHUTTERSTOCK
Theo bác sĩ Yên Lâm Phúc (Học viện Quân y, Hà Nội), những ngày giá rét, giữ ấm không gian trong nhà, ngăn gió lùa, giữ ấm khi ngủ để đảm bảo cơ thể không bị lạnh, giúp an toàn cho sức khỏe, mà trước hết là duy trì huyết áp ổn định. Vì khi bị lạnh sẽ gây co thắt mạch, có thể khiến huyết áp tăng đột ngột. Việc giữ ấm đặc biệt quan trọng với người lớn tuổi, người bị cao huyết áp, với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, những người thể trạng yếu có bệnh mãn tính.

Dấu hiệu hạ thân nhiệt

Bác sĩ Phúc lưu ý cần hạn chế ra ngoài khi quá lạnh hoặc quá sớm, vì đó là những thời điểm nhiệt độ giảm thấp, là yếu tố nguy cơ cao gây co thắt mạch máu, khó kiểm soát huyết áp. Điều đó lý giải, nhiều trường hợp tai biến mạch máu não, đột quỵ xảy ra vào lúc chiều tối hoặc sáng sớm trong ngày. Các thời điểm trên cũng dễ khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, làm tăng nguy cơ xuất hiện đợt cấp tính của bệnh về hô hấp (phế quản, phổi)…
Dấu hiệu hạ thân nhiệt trong những ngày rét đậm cũng được Bộ Y tế khuyến cáo đến người dân, đó là khi cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi, lờ đờ, run rẩy, thở nông, thân nhiệt giảm (dưới 35 độ C). Một chuyên gia về cấp cứu – hồi sức cho biết thông thường với các bệnh nhân sốt cao (từ 39 độ C), việc hạ sốt ít phức tạp hơn so với các can thiệp để nâng thân nhiệt cho bệnh nhân bị hạ thân nhiệt. Do đó, đảm bảo các điều kiện giữ ấm cơ thể, duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp cơ thể đủ năng lượng, cân bằng thân nhiệt luôn cần được chú trọng trong những ngày rét đậm, đặc biệt với người già, trẻ nhỏ, người thể trạng gầy yếu, người phải làm việc, di chuyển nhiều bên ngoài khi trời rét đậm.

Tắm an toàn là gì?

Đáng lưu ý là khuyến cáo không tắm quá lâu để giữ ấm cơ thể trong những ngày rét đậm. Chia sẻ về “tắm an toàn” trong mùa đông, TS Đồng Văn Thành, chuyên gia về tim mạch, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), cho biết khi tắm lâu với nước nóng sẽ làm các mạch máu giãn nở. Sau tắm, gặp thời tiết lạnh do nhiệt độ bên ngoài, thậm chí ngay trong phòng tắm (trung bình khoảng 20 độ C, vào ngày lạnh), là mức chênh lệch khá cao so với nước tắm nóng (khoảng 38 – 40 độ C), có thể dễ làm cho mạch máu co thắt, gây tăng huyết áp. Huyết áp bị tăng cao đột ngột dễ dẫn đến các tai biến như đột quỵ, tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim.
“Vì vậy, để an toàn trong mùa đông, những ngày rét đậm, mọi người không nên tắm lâu. Thời gian tắm rất khó đưa ra con số chuẩn chung cho tất cả, nhưng trung bình chỉ nên 5 – 10 phút, tùy theo cảm nhận của cơ thể”, TS Thành cho hay, đồng thời lưu ý: “Người trẻ không nên chủ quan. Thực tế tại Bệnh viện Bạch Mai, mùa đông là “mùa đột quỵ”, các ca nhập viện do đột quỵ tăng cao so với thời điểm nhiệt độ ổn định, trong đó không ít ca đột quỵ là người trẻ”.
12 điều nên làm để giữ ấm cơ thể trong những ngày rét đậm
1. Giữ ấm nhà, ngăn gió lạnh, dùng chăn ấm, chăn điện
2. Ăn đủ chất, tăng đạm, các gia vị cay
3. Uống nước ấm
4. Tránh uống nước lạnh, đồ có cồn
5. Tập thể dục giúp cơ thể tạo nhiệt
6. Giữ trọng lượng cơ thể cân đối
7. Ngâm chân nước nóng, giúp lưu thông máu làm ấm cơ thể
8. Ngủ đủ giấc
9. Hạn chế ra ngoài quá sớm hoặc muộn
10. Chú ý dấu hiệu hạ thân nhiệt
11. Không tắm quá lâu
12. Mặc quần áo nhiều lớp, chắn gió.
(Nguồn: Bộ Y tế)
LIÊN CHÂU
TNO