27/12/2024

Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 có gì mới ?

Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 có gì mới ?

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 với các mục tiêu và quy định cụ thể vừa để tránh việc thực hiện mang tính ‘hình thức’ vừa đảm bảo căn cứ khi kiểm điểm trách nhiệm.

 

Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 có gì mới ? - Ảnh 1.

Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 có 24 chỉ tiêu cụ thể – Ảnh: HÀ THANH

Chương trình nhằm bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ.

Bốn nhóm mục tiêu cụ thể

Nhóm mục tiêu về phát triển toàn diện trẻ em, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em gồm: tỉ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin đạt 97% vào năm 2025 và 98% vào năm 2030; 98% trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin vào năm 2030; 100% cơ sở giáo dục cho trẻ em có công trình vệ sinh vào năm 2025 và duy trì 100% đến năm 2030…

Nhóm mục tiêu về bảo vệ trẻ em gồm: giảm tỉ lệ trẻ em bị xâm hại trên tổng số trẻ em xuống dưới 4,5% vào năm 2025 và xuống dưới 4% vào năm 2030; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh đạt 98,5% vào năm 2025, phấn đấu 100% vào năm 2030…

Nhóm mục tiêu về giáo dục, văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em gồm: phấn đấu giảm tỉ lệ trẻ em bỏ học bậc tiểu học dưới 0,12% vào năm 2025 và dưới 0,1% vào năm 2030; phấn đấu tỉ lệ các xã, phường, thị trấn có điểm văn hóa, vui chơi dành cho trẻ em đạt 40% vào năm 2025 và 45% vào năm 2030…

Cuối cùng, nhóm mục tiêu về sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em gồm: phấn đấu 85% trẻ em được nâng cao nhận thức, năng lực về quyền tham gia của trẻ em vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; tỉ lệ trẻ em từ 11 tuổi trở lên được tham gia vào các mô hình, hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030…

Giảm tính hình thức, dễ quy trách nhiệm

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, cho biết chương trình hành động quốc gia giai đoạn 2021- 2030 lần này hướng đến việc phát triển toàn diện trẻ em và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển và hội nhập quốc tế.

Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 có gì mới ? - Ảnh 2.

Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đặng Hoa Nam nhấn mạnh chương trình này đảm bảo Việt Nam thực hiện và hoàn thành chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030, đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến trẻ em – Ảnh: HÀ QUÂN

Ông Nam cũng cho biết thêm đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách hoặc có nguồn ngân sách trung ương, các dự án viện trợ quốc tế về trẻ em thì địa phương phải bố trí vốn đối ứng. Mục đích để tránh tình trạng khi có vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia từ trung ương hỗ trợ về, hoặc các dự án triển khai các mô hình, giải pháp thì địa phương không đảm bảo “tính bền vững”.

“Từ đó, khi sơ kết, tổng kết đánh giá chương trình thì sẽ có căn cứ để kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các tỉnh, thành phố, ủy ban nhân dân các cấp cũng như là người đứng đầu các bộ ngành trong việc bảo đảm trách nhiệm các mục tiêu, chỉ tiêu được giao đối với lĩnh vực trẻ em” – ông Nam nhấn mạnh.

HÀ QUÂN
TTO