19/11/2024

Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, B, 2021: Tẩy sạch bụi trần

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa như mời gọi ta nhìn lại mối tương quan của con người với môi trường sống và công việc tắm rửa để tìm lại ý nghĩa của nó và làm cho tốt hơn.

Chúa Nhật sau tuần Giáng Sinh – Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa

Tẩy sạch bụi trần

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa như mời gọi ta nhìn lại mối tương quan của con người với môi trường sống và công việc tắm rửa để tìm lại ý nghĩa của nó và làm cho tốt hơn. Người hoà mình vào dòng nước sông Jordan cùng với đám tội nhân, để cứu độ không phải chỉ con người mà còn cứu độ cả vũ trụ. Nhất là trong tình trạng dịch Covid-19 hiện nay, ta phải đeo khẩu trang thường xuyên và khử trùng hằng ngày để tẩy sạch bụi bẩn và vi khuẩn.

1. Tình trạng ô nhiễm môi trường

Ở Việt Nam, tình trạng ô nhiễm không khí và nguồn nước, nhất là ở các thành phố lớn, rất nặng nề. Nó khiến cho hàng năm có khoảng 70.000 người bị ảnh hưởng, 50.000 người chết và thiệt hại khoảng 240.000 tỉ đồng. (x. Hội nghị tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, ngày 14/1/2020, về ô nhiễm môi trường).

Không khí ô nhiễm là do Việt Nam sử dụng tới 90% năng lượng hoá thạch như dầu khí, than đá. Cây xanh ở Việt Nam chỉ có 4mét vuông/người, trong khi tiêu chuẩn là phải 15m2/người. Khói do các xe thải ra rất lớn. Rác thải bị đốt ở khắp các thành phố, làng mạc. Rơm rạ vẫn bị đốt sau mùa gặt ở nông thôn. Các bụi mịn do khói xe, khói thuốc lá, do các công trường xây dựng thải ra làm hại phổi, tổn thương các phế nang, khiến hầu hết người Việt Nam thở kém, thiếu oxy não nên bộ não không phát ra đủ lệnh thần kinh cho các cơ quan hoạt động. Vì thế, toàn thân bị suy yếu, tinh thần kiệt quệ, chất lượng sống bị giảm sút.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước đặc biệt nghiêm trọng ở Việt Nam, do người dân thiếu ý thức. Dân số Việt Nam hiện có 97,7 triệu người, với 37,34% sống ở thành thị. Việt Nam có nhiều nguồn nước, nhưng tốc độ đô thị hoá nhanh, công nghiệp hoá cao và cơ khí hoá nông nghiệp còn chậm. Do đó, phân bón và thuốc trừ sâu từ sản xuất nông nghiệp, chất thải và nước thải từ các ngành công nghiệp và chế biến thực phẩm hầu như đưa trực tiếp vào các ao hồ, sông biển. Chất thải, rác thải sinh hoạt của dân cư trong các đô thị cũng đẩy trực tiếp ra các nơi đó hay ngấm xuống lòng đất. Nhiều nhà máy xây dựng các công trình lọc nước thải chỉ để đối phó với chính quyền, còn thực tế vẫn làm những cống ngầm để đổ lén nước thải vào sông suối, biển cả. Nhiều hồ thuỷ điện hay sông ngòi ven biển đã tận dụng để nuôi bè cá làm bẩn dòng nước.

Tất cả đã làm cho nguồn nước ở Việt Nam ô nhiễm nặng nề, gây nguy hại cho sức khoẻ con người, động vật, thực vật. 90% phụ nữ Việt mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa trong độ tuổi sinh đẻ (x. www.vinmec.com, ngày 9/1/2021; www.307.regione.toscana.it, 29/10/2020). Các bệnh ung thư, đường ruột, lao phổi, tim mạch do ô nhiễm môi trường rất cao.

Sống trong môi trường ô nhiễm, thân thể rất cần nước sạch để tẩy rửa khỏi bụi bẩn và các chất độc hại bám trên da. Tuy nhiên, nhiều người Việt Nam không biết làn da có cấu trúc như thế nào, nên không biết bảo vệ da, thậm chí chưa biết tắm rửa đúng cách để làm sạch da.

Chúng ta biết da là một cơ quan có trọng lượng khoảng 4kg ở người có tầm vóc trung bình, bao phủ một diện tích khoảng 2 mét vuông. Da tạo nên một lớp màng không thấm nước và dai để bảo vệ ta khỏi ảnh hưởng của môi trường. Chỉ trong 1cm2 da, trung bình có khoảng 55cm sợi dây thần kinh, 70cm mạch máu, 15 tuyến bã, 100 tuyến mồ hôi và hơn 200 thụ thể cảm giác (x. Bs. Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, 2015, tr.38-39). Ngoài việc bảo vệ, da còn giúp ta cảm nhận cấu trúc vật dụng, nhiệt độ môi trường chung quanh, điều hoà thân nhiệt, bài tiết mồ hôi, giao tiếp, cầm nắm, sản xuất vitamin D nhờ ánh sáng mặt trời.

Do đó, chúng ta rất cần tắm rửa để làm sạch da. Tuy nhiên, nhiều người thường tắm quá lâu, trong khi trung bình chỉ nên tắm 10-15 phút. Tắm lâu sẽ làm giảm độ acid của da. Các tuyến bã ở các kẽ chân lông phải tiết nhiều chất nhờn để da không thấm nước, khiến da bị khô, dễ nhiễm khuẩn và các bệnh ngoài da. Một ít người kết hợp việc tắm rửa với việc làm đẹp da, mềm da, trắng da bằng đủ loại mỹ phẩm. Các hạt hoá chất này có thể nguy hiểm vì ngấm sâu vào da qua lỗ chân lông, phá huỷ các tuyến bã, bít kín các tuyến mồ hôi, gây nên bệnh viêm nang lông và nhiễm trùng qua da. Đúng hơn, khi tắm, ta chỉ nên dùng nước sạch, làm ướt toàn thân, thoa ít xà phòng tẩy khuẩn rồi xả nước là đủ.

2. Tình trạng ô nhiễm tinh thần

Ngoài việc tắm rửa thân xác để tẩy sạch bụi đời, hầu như mỗi ngày, nhiều tín hữu ít quan tâm đến tình trạng ô nhiễm tinh thần. Nhiều người không ngờ mình bị vấy bẩn, thậm chí bốc mùi khó chịu cho mình cũng như cho người khác, nhưng lại chờ đến gần lễ Giáng Sinh hay Phục Sinh mới tắm rửa một lần cho hồn mình sạch sẽ.

Tại sao ta bị nhiễm bẩn?

Khi bước trên đường trần, để đi cho đúng hướng, ta phải dấn thân bằng tất cả con người và đi chung với mọi người cùng vạn vật quanh ta. Vì mở tai, mở mắt, mở lòng, mở trí, nên có những âm thanh làm ta chướng tai, những hình ảnh làm ta gai mắt, những sự kiện làm ta bẩn lòng, những biến cố làm ta điên loạn. Tinh thần ta bị vấy bẩn bởi những phim ảnh đồi truỵ, những lời nói xấu xa, những quyến rũ để thoả mãn tham vọng hoang tưởng và dục vọng thấp hèn. Không phải ta chỉ tự làm bẩn tinh thần mình, nhưng còn làm vấy bẩn tâm hồn và cả thể xác người khác, khi truyền bá những tư tưởng sai lầm, những phim ảnh dâm ô, những cuốn sách đồi truỵ hoặc sử dụng những dụng cụ, hay cả thân xác người khác, để thoả mãn cho mình.

Rất nhiều người không cảm nhận được tình trạng nhiễm bẩn tinh thần vì họ đánh mất ý thức về tội lỗi. Họ dùng đủ những lời bào chữa để làm im tiếng nói của lương tâm. Họ cho rằng xem những phim đồi truỵ, đọc những truyện ngôn tình chỉ là những phút giải trí giúp cho tinh thần thư giãn chứ đâu có thiệt hại gì. Nhiều người trẻ rủ nhau đến phòng trọ làm tình, nghĩ rằng đó chỉ là việc giải quyết những đòi hỏi tự nhiên của bản năng. Nhiều người đàn ông rủ nhau đi massage tình dục cho rằng đó chỉ là chuyện giao tiếp xã hội. Họ không còn cho đó là những tội xúc phạm đến Thiên Chúa và con người.

Nhưng, tại sao người ta lại đánh mất ý thức về tội lỗi? Đó là vì người ta không còn tin vào Thiên Chúa, không còn cảm nhận được Thiên Chúa trong cuộc đời của mình. Tội chỉ có ý nghĩa đối với những ai tin rằng mình có một tinh thần, hay linh hồn, và tinh thần đó cần phải trong sáng, tốt đẹp, cao thượng cho xứng đáng với Đấng là tinh thần tuyệt đối luôn ngự trong hồn mình. Đó là mối liên hệ thâm sâu của con người đối với Thiên Chúa (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 386). Vì thế, tội lỗi được định nghĩa như là một hành động tự do và có ý thức của con người xúc phạm đến Thiên Chúa (x. GLHTCG, số 1850), đến người khác hay đến chính mình (x. GLHTCG, số 1853). Càng rửa sạch tội lỗi, con người càng cảm nhận được niềm vui, bình an, hạnh phúc, ân huệ của Thiên Chúa và càng phát huy được những khả năng kỳ diệu của tinh thần.

3. Hành động thanh tẩy của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu chịu phép rửa dưới sông Jordan như nhắc nhở ta đến bí tích Rửa Tội để được tha thứ tội lỗi, trở thành con cái Chúa giống như Người. Chúng ta cũng đã thấy trời mở ra và Chúa Cha phán với từng người chúng ta rằng: “Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con” (Mc 1,11).

Hành động hoà mình vào đám tội nhân của Chúa Giêsu cũng thúc đẩy ta nhớ đến bí tích Giải Tội, để ta tắm rửa linh hồn cho sạch mọi tội lỗi, xứng đáng với Thiên Chúa Ba Ngôi luôn ngự trong lòng mình. Người vô tội nhưng đến để tẩy sạch tội lỗi cho trần thế, chúng ta cũng phải tích cực giúp đỡ anh chị em mình vượt qua tội lỗi của họ nhờ làn khí Thánh Thần Người ban cho ta (Ga 20,22-23).

Hành động hoà mình vào dòng nước của Chúa Giêsu để thánh hoá nước và dùng nước này để thanh tẩy, nhắc nhở ta việc bảo vệ môi trường sống của muôn loài.

Lời kết

Hành động như thế, chúng ta trở thành hình ảnh sống động của Đấng Cứu Thế để làm sạch và làm đẹp cho trần gian và nhân loại hôm nay.

HKK