Bé 3 tuổi bị đột quỵ: Có thường gặp, làm sao nhận biết?
Bé 3 tuổi bị đột quỵ: Có thường gặp, làm sao nhận biết?
‘Có những trẻ xuất hiện triệu chứng rõ ràng như méo miệng, liệt nửa người, nói đớ, nhưng có trẻ chỉ đau đầu, quấy khóc, co giật… nên dễ nhầm lẫn với những bệnh khác’, bác sĩ thông tin.
Trường hợp bé trai 3 tuổi ở Vĩnh Long bị đột quỵ xuất huyết não được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) cứu sống đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc, nhất là những người có con nhỏ.
Trước đó, bệnh viện này cũng tiếp nhận bé gái 6 tuổi trong tình trạng hôn mê, yếu nửa người bên trái. Các bác sĩ kiểm tra, xét nghiệm, chụp CT-scan, kết quả cho thấy bé bị xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não, phải phẫu thuật mở sọ để giải áp. Rất may bé được cứu sống kịp thời nhưng phải mất 6 tháng tập vật lý trị liệu.
Nhiều người ngỡ ngàng và không khỏi lo lắng khi một bệnh thường gặp ở người cao tuổi nhưng ngày càng ghi nhận nhiều ở trẻ nhỏ.
Bệnh do đâu và có thường gặp?
Trưa 6-1, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Huỳnh Hữu Danh (khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi đồng thành phố) cho biết có hai dạng đột quỵ, gồm nhồi máu và xuất huyết, trong đó đột quỵ ở trẻ em thường gặp là do xuất huyết, nhưng tình trạng này rất hiếm gặp.
Nguyên nhân xuất huyết não ở trẻ em thường gặp nhất là dị dạng động tĩnh mạch não. Bệnh lý này thường là bẩm sinh nhưng không gây ra triệu chứng gì, bệnh nhi vẫn sinh hoạt bình thường như những trẻ khác. Đến khi đột ngột vỡ ra, gây tình trạng đột quỵ xuất huyết não sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhi.
Đối với túi phình động mạch não, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng – chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM kiêm trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) – cho hay thường gặp hơn, ước tính 2-3% trong dân số và có thể cao hơn trên dân số lớn tuổi mắc phải.
Việt Nam có dân số 100 triệu người, ước tính có 2-3 triệu người có “bom nổ chậm”. Mặc dù vậy, tỉ lệ xuất huyết màng não hiện nay chỉ khoảng 6-10 ca/100.000 dân. Điều đó có nghĩa là cứ hơn 3.000 trường hợp có túi phình động mạch não mới có 1 trường hợp gây vỡ.
Làm sao biết trẻ bị đột quỵ xuất huyết não?
Những dấu hiệu nào cảnh báo trẻ bị đột quỵ xuất huyết não? Bác sĩ Danh cho biết ở trẻ lớn (từ 6 tuổi trở lên), triệu chứng cũng giống như người lớn gồm liệt nửa người, méo miệng, nói đớ… Thế nhưng ở trẻ nhỏ, các triệu chứng lại mờ nhạt, không rõ ràng, thường thấy nhất là trẻ sẽ quấy khóc, đau đầu, lờ mờ, liệt nửa người… nên rất khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với bệnh khác.
Theo bác sĩ Danh, thời gian “vàng” để cứu sống trẻ đột quỵ xuất huyết não từ khi trẻ xuất hiện các triệu chứng đến khi được phẫu thuật là 6 tiếng. Đây là khoảng thời gian tốt nhất để tránh di chứng về sau.
Trong trường hợp trẻ đến bệnh viện trễ, dù phẫu thuật thành công nhưng trẻ phải tập vật lý trị liệu trong vòng 6 tháng, tỉ lệ hồi phục tối đa chỉ khoảng 80%.
Làm sao đề phòng đột quỵ xuất huyết não ở trẻ em? Theo bác sĩ Danh, các tài liệu y khoa trên thế giới vẫn chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể vì bệnh rất hiếm gặp. Do đó, cách duy nhất để cứu trẻ đột quỵ xuất huyết não là nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, trẻ có nguy cơ tàn tật rất cao, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Những ai nên tầm soát vỡ túi phình?
Theo PGS.TS Thắng, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ vỡ túi phình ở người trưởng thành như: tuổi tác, tăng huyết áp, hút thuốc lá, yếu tố gia đình đã có người bị vỡ túi phình…
Tuy vậy, kích thước túi phình được xem là yếu tố quan trọng nhất và có tính quyết định trong việc xử trí như: phẫu thuật kẹp túi phình, can thiệp bít túi phình, điều trị bảo tồn bao gồm việc kiểm soát huyết áp, tránh thuốc lá, bia rượu.
Hiện nay, chúng ta không tầm soát mọi đối tượng mà chỉ tầm soát ở các nhóm người có nguy cơ cao như: gia đình có người thân vỡ túi phình và bệnh nhân thận đa nang…