Lễ Hiển Linh, B, 2021: Các dân tộc đi tìm Đấng Cứu Thế
Hoà vào niềm hy vọng của các dân tộc trên thế giới hướng về một năm mới an lành hơn, chúng ta tiến về thành đô Thiên Chúa để tìm Đấng Cứu Thế mới giáng sinh.
Lễ Hiển Linh, B, 2021
Các dân tộc đi tìm Đấng Cứu Thế
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Ngày lễ Hiển Linh luôn giới thiệu cho ta cảnh tượng hoành tráng: từng đoàn người thuộc các dân tộc đi tìm Đấng Cứu Thế, như ba đạo sĩ phương Đông tìm đến Giêrusalem để bái lạy Đức Vua mới sinh theo hướng ngôi sao lạ dẫn đường (x. Mt 2,1-12). Qua Bài đọc I (x. Is 60,1-6), tiên tri Isaia báo trước biến cố vĩ đại đó: “Đứng lên, bừng sáng lên, Giêrusalem hỡi, vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi… Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước”.
Hoà vào niềm hy vọng của các dân tộc trên thế giới hướng về một năm mới an lành hơn, chúng ta tiến về thành đô Thiên Chúa để tìm Đấng Cứu Thế mới giáng sinh.
1. Muôn dân đi tìm ánh sáng
Cách đây hơn 2000 năm, các đạo sĩ phương Đông là những người hiếm hoi trên thế giới, biết hướng tầm mắt lên cao để nhận ra ánh sáng từ ngôi sao lạ và ý nghĩa của nó. Thế giới thời đó, dù được vẻ huy hoàng tráng lệ của Đế Quốc Rôma chiếu toả, nhưng hầu như mọi dân tộc đều sống trong bóng tối của kiếp nô lệ, khốn khổ, bần cùng. Họ mong chờ một Đấng Cứu Thế để giải phóng họ, cho họ được sống thật sự tự do, xứng với nhân phẩm cao quý của con người, và địa vị tuyệt vời của con cái Đấng Tối Cao. Ba đạo sĩ diễn tả niềm mơ ước đó qua lễ phẩm dâng kính Hài Nhi Giêsu: vàng chỉ vua, trầm hương chỉ Thiên Chúa, mộc dược chỉ việc tẩm liệm thân xác con người sau cái chết.
Họ cũng tượng trưng cho muôn dân tộc thời khoa học hiện đại, vì họ là những người giàu có với đoàn tuỳ tùng đông đảo đi theo. Hầu như nước nào cũng cố gắng xây dựng nền kinh tế vững vàng để cho dân giàu nước mạnh. Họ còn tượng trưng cho các dân tộc phát triển với các tiến bộ kỹ thuật – giống như môn chiêm tinh học là khoa học khởi đầu thời xưa cho khoa thiên văn học và đủ loại khoa học sau này. Nhà nước ta cũng đang hướng tới việc xây dựng các thành phố thông minh, số liệu hoá các ngành như kinh tế, y học.
Tuy nhiên, đại dịch Covid 19 trong cả năm 2020 đã cho tất cả các dân tộc trên thế giới biết bóng tối của chết chóc, bệnh tật, suy thoái kinh tế, hạnh phúc mong manh của con người bao phủ trái đất như thế nào, nếu họ không chỗi dậy đi tìm nguồn ánh sáng dẫn họ đến sự thật toàn diện và sự sống vĩnh hằng.
Tính đến 6g sáng hôm qua, ngày 2/1/2021, toàn thế giới có 84,1 triệu ca nhiễm, 47,4 triệu ca đã bình phục, 1,83 triệu ca tử vong (x. Baotintuc.vn). Trong năm 2020, nhiều nước ở Âu Mỹ bị suy thoái kinh tế tới âm 4%, chỉ một ít nước có nền kinh tế tăng trưởng dương, trong đó có Việt Nam tăng 2,91%.
Hàng trăm triệu người thất nghiệp, phải sống nhờ tiền trợ cấp của chính phủ. Nhiều người cảm thấy đời sống thật là vô nghĩa và bất hạnh vì cả ngày bị giam hãm trong nhà, hay trên giường bệnh, không thể gặp gỡ người thân, không tiệc tùng ngoài xã hội. Nhiều người không biết phải làm gì, khi giãn cách xã hội hay bị cách ly, ngoại trừ suốt ngày xem hết bộ phim này đến bộ phim khác, hoặc chơi game online, hay lướt web cho đến khi mờ mắt buông máy.
Nỗi sợ hãi bóng tối đã làm cho con người co rúm lại, không dám bước ra ngoài để thở bầu khí trong lành, không dám dấn thân vào cuộc hành trình đi tìm Đấng Cứu Thế. Họ trùm mền, nằm mơ theo những tham vọng và dục vọng của mình, như vua Hêrôđê, các thượng tế, luật sĩ và dân thành Giêrusalem.
Nhiều bạn trẻ còn bị hớp hồn vì những “ngôi sao” tự phong trong các làng giải trí như điện ảnh, ca nhạc, thể thao hay những “ngọn đèn cao áp” trong lĩnh vực buôn bán, ăn chơi, giang hồ. Nhiều người bị loá mắt vì những chiếc xe hơi đời mới, những bộ quần áo, giầy dép hàng hiệu đắt tiền, những căn nhà sang trọng đầy đủ tiện nghi, do những chiếc đèn màu sân khấu, những bài báo, phim ảnh dối trá làm biến dạng con người. Họ chạy theo các “sao giả” đó mà quên mất tính cách độc đáo của riêng mình và trở thành cái bóng của người khác. Những sao giả không tự mình phát sáng, nên những ai chạy theo chúng đều chìm trong bóng tối.
Trong lĩnh vực thiêng liêng, chúng ta cũng gặp thấy các “fan” cuồng nhiệt của thánh Phanxicô Khó Nghèo, của Đa Minh, của Têrêsa, của Faustina với lòng Chúa thương xót, và đủ các loại “sao” trong Hội Thánh. Chúng ta chạy theo “sao giả” đến nỗi ĐGH Gioan Phaolô II phải cảnh báo nhiều lần và Bộ Tu sĩ phải ra một huấn thị năm 2012 nhắc nhở ta: “Phải xuất phát lại từ Đức Kitô”.
2. Làm gì để gặp được Đấng Cứu Thế?
Những linh mục, tu sĩ chúng tôi thật xấu hổ khi thấy mình hành xử giống như Hêrôđê, các thượng tế, luật sĩ thời xưa vì biết rõ Đấng Cứu Thế giáng sinh ở Belem mà không đi, đã bám vào đền thờ với những lễ nghi, bám vào cuốn Kinh Thánh với những bài học và lời giải thích “chính thống” của giáo sư này hay chức sắc nọ. Tệ hơn nữa, có khi chỉ “bối rối” như Hêrôđê để che đậy một âm mưu nham hiểm (Mt 2,12), “xôn xao” như dân thành Giêrusalem vì bị quấy rầy giấc ngủ, hay “thụ động”, “thờ ơ” tiếp tục “giấc mơ” của mình, chẳng cần biết đến ai.
Muốn gặp được Đấng Cứu Thế để thoát ra khỏi bóng tối của đời mình, ta cần làm như các đạo sĩ:
– Trước hết, ta phải biết ngước mắt nhìn lên trời ngay trong đêm tối của đời mình. Đã làm người thì sinh-lão-bệnh-tử là lẽ đương nhiên. Chúng không phải là rủi ro, bất hạnh, khổ sở khiến ta buồn chán, tuyệt vọng vì chỉ nhìn thấy chúng tối tăm, đen đủi. Nếu biết ngước lên cao, hướng đến những gì thuộc thượng giới, “nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa”, chúng ta sẽ khám phá ra sự thật của cái chết là dịp để ta thăng hoa chính mình và cứu độ thế giới như Đức Giêsu Kitô. Bệnh tật cũng là một ân huệ để ta cùng chịu đau khổ với Người, và mỗi giây phút sống từ lúc mới sinh cho đến tuổi già đều có giá trị vĩnh hằng, đều có thể làm được một điều gì đó cho chương trình cứu độ của Chúa Giêsu.
– Tiếp theo, ta phải đọc được ý nghĩa của các dấu hiệu trong đời sống, giống như các đạo sĩ đã hiểu rằng ngôi sao đó báo hiệu một vị vua mới sinh.
– Rồi phải Bước đi trong ánh sáng chỉ đường của ngôi sao: là hành động theo sự soi sáng của Chúa Giêsu Kitô, vì “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian nhờ Người mà có, nhưng thế gian lại không nhận biết Người… Còn những ai đón nhận thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,9-12). “Người chính là ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật” như trong kinh Tin Kính.
– Cuối cùng ta mới tìm gặp được Đấng Cứu Thế trong Hài Nhi Giêsu không phải ở trong cung điện giàu sang của thành đô Giêrusalem, cũng không phải trong nghi lễ phụng thờ của đền thánh, nhưng trong một ngôi nhà bình thường của người nghèo, trong hình ảnh của một hài nhi yếu ớt, bé nhỏ ở Belem. Đó là vì Người muốn ta khám phá ra giá trị cao cả của từng con người sống quanh ta, tại vì Người đang ở trong mỗi người chúng ta và ở giữa chúng ta.
Lời kết
Lúc đó, ta mới thấy mình và từng người thật sự là sao sáng vì được gắn kết mật thiết với Đức Giêsu để thu hút muôn dân về cho Người. Đó là mầu nhiệm hiển linh của Đức Giêsu. Mầu nhiệm đó là: “Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Eph 3,6).
Cầu chúc anh chị em trở thành một ngôi sao sáng dẫn đường cho con người thời nay gặp được Chúa Giêsu Kitô nơi anh chị em.
HKK