6 sứ mệnh vũ trụ được trông chờ năm 2021
6 sứ mệnh vũ trụ được trông chờ năm 2021
Đại dịch COVID-19 không ngăn được khát vọng thám hiểm không gian của nhân loại trong năm 2020 và năm 2021 cũng vậy, với những sứ mệnh vũ trụ đáng chú ý đã được ‘lên lịch’.
Trang tin tức The Conversation ‘điểm danh’ 6 sứ mệnh vũ trụ đáng chú ý trong năm 2021, bao gồm một số sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong hành trình khai phá vũ trụ của nhân loại.
Artemis 1
Artemis 1 là chuyến phi hành đầu tiên của chương trình hợp tác quốc tế Artemis được dẫn dắt bởi Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), đang nhắm đến việc đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2024.
Sứ mệnh Artemis 1 sẽ phóng tàu vũ trụ Orion không người bay vòng quanh Mặt trăng trong vòng 3 tuần. Nó sẽ đạt khoảng cách cực đại so với Trái đất là 450.000 km. Nếu chính thức chở người, đây sẽ là khoảng cách xa nhất mà các phi hành gia đạt đến từ trước đến nay.
Hiện tại lịch phóng dự kiến của Artemis 1 là cuối năm 2021. Nó sẽ được phóng lên quỹ đạo Trái đất bằng Hệ thống phóng không gian đầu tiên của NASA – loại tên lửa mạnh nhất. Khi lên đến quỹ đạo Trái đất, tàu Orion sẽ phóng đi về hướng Mặt trăng.
Sứ mệnh Artemis 1 sẽ giúp các kỹ sư đánh giá cách vận hành của tàu vũ trụ để chuẩn bị cho việc đưa người lên tàu trong tương lai.
3 sứ mệnh sao Hỏa
Trong tháng 2-2021, sao Hỏa sẽ đón một “đoàn khách” robot từ hàng loạt quốc gia. Tàu Al-Amal (còn gọi là Hope) là sứ mệnh liên hành tinh đầu tiên của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Nó sẽ bay vào quỹ đạo quanh “hành tinh đỏ” vào ngày 9-2, sau đó sẽ dành ra 2 năm để khảo sát thời tiết và bầu khí quyển đang biến mất của sao Hỏa.
Sứ mệnh Tianwen-1 (Thiên Vấn-1) của Cục vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) sẽ theo sau tàu Al-Amal đến sao Hỏa trong vòng vài tuần tiếp theo. Nó bao gồm 1 tàu bay quanh quỹ đạo và 1 tàu bộ hành trên bề mặt hành tinh.
Tàu vũ trụ sẽ vòng quanh quỹ đạo hành tinh đỏ trong nhiều tháng trước khi thả tàu bộ hành. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ 3 hạ cánh trên sao Hỏa. Sứ mệnh mang nhiều mục tiêu, bao gồm lập bản đồ hợp chất khoáng trên bề mặt hành tinh và tìm kiếm các trầm tích nước dưới mặt đất.
Ngày 18-2-2021, tàu bộ hành Perseverance của NASA sẽ hạ cánh tại miệng núi lửa Jezero của hành tinh đỏ để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống cổ đại có khả năng được bảo tồn trong các trầm tích. Nó cũng sẽ lấy mẫu đất đá để gửi về Trái đất.
Chandrayaan-3
Tháng 3-2021, Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) lên lịch phóng sứ mệnh Mặt trăng thứ 3 là Chandrayaan-3. Sứ mệnh Chandrayaan-1 phóng lên hồi năm 2008 đã trở thành một trong những sứ mệnh trọng đại nhất của chương trình vũ trụ Ấn Độ khi khẳng định được sự tồn tại của nước trên Mặt trăng.
Không may, liên lạc với vệ tinh đã bị mất sau chưa đầy một năm, và điều tương tự đã xảy ra với sứ mệnh Chandrayaan-2. Sứ mệnh thứ 3 sẽ chỉ bao gồm tàu đổ bộ và tàu thám hiểm, bởi vì tàu bay quanh quỹ đạo của sứ mệnh trước đó vẫn đang hoạt động và gửi dữ liệu về.
Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, tàu thám hiểm Chandrayaan-3 sẽ đến vùng Aitken cực nam của Mặt trăng. Khu vực này được dự đoán là chứa nhiều trầm tích của nước ở dạng băng, một thành phần thiết yếu cho việc định cư trên Mặt trăng trong tương lai.
Kính thiên văn không gian James Webb
Kính thiên văn James Webb là sứ mệnh kế vị của kính thiên văn không gian Hubble, tuy nhiên đã trải qua nhiều cản trở. James Webb vốn được lên lịch phóng vào năm 2007 nhưng đã trễ gần 14 năm và tiêu tốn khoảng 10 tỉ USD.
Kính James Webb được lên lịch phóng vào ngày 31-10-2021, trên tên lửa Ariane 5. Nó hứa hẹn sẽ chụp được những bức ảnh tuyệt vời giống như Hubble đã làm được.
Trong khi Hubble cung cấp các góc nhìn đầy kinh ngạc về vũ trụ bằng ánh sáng nhìn thấy được và tử ngoại, kính James Webb sẽ tập trung quan sát không gian bằng dải sóng hồng ngoại. Lý do cho việc này chính là khi quan sát các vật thể ở xa, rất có thể các đám mây khí sẽ nằm án ngữ.
Các đám mây này chặn các bước sóng ánh sáng nhỏ như tia X và tử ngoại, còn các ánh sáng có bước sóng dài hơn như hồng ngoại, vi ba và radio có thể đi xuyên qua dễ dàng. Vì thế, quan sát bằng các sóng này có thể giúp ta nhìn thấy vũ trụ chi tiết hơn.
Kính James Webb sở hữu tấm gương đường kính 6,5 m, to hơn gần 3 lần so với Hubble. Điều này sẽ giúp cải thiện độ phân giải của hình ảnh. Sứ mệnh đầu tiên của James Webb là quan sát ánh sáng từ các thiên hà ở rìa vũ trụ.
Việc này có thể giúp con người hiểu về cách hình thành những ngôi sao, thiên hà và hệ hành tinh đầu tiên của vũ trụ. Nó cũng rất có thể sẽ kèm theo thông tin về nguồn gốc sự sống, bởi James Webb dự kiến sẽ chụp ảnh chi tiết bầu khí quyển của các “ngoại hành tinh”, tìm kiếm các thành phần sự sống.