23/12/2024

Tầm quan trọng của việc dự phòng đột quỵ ở người bệnh rung nhĩ

Tầm quan trọng của việc dự phòng đột quỵ ở người bệnh rung nhĩ

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Đây là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột, có tỷ lệ tử vong cao nếu không phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời.
TS BS Nguyễn Bá Thắng khám cho người bệnh sau đột quỵ. /// Ảnh: BVCC
 TS BS Nguyễn Bá Thắng khám cho người bệnh sau đột quỵ. ẢNH: BVCC
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ, trong đó có từ 10 đến 20% trường hợp tử vong và chỉ có khoảng 30% người bệnh sống sót có khả năng bình phục hoàn toàn.
Rung nhĩ (tim đập loạn nhịp) là một bệnh lý tim mạch có khả năng làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 5 lần so với người bình thường và có khoảng 20% các trường hợp đột quỵ là do rung nhĩ gây ra.
Theo giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ (GS.TS.BS) Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, rung nhĩ gây ứ trệ máu trong buồng tim làm hình thành những cục huyết khối trong tâm nhĩ.
Các cục máu đông này có thể trôi theo dòng máu và gây tắc mạch, trường hợp tắc mạch máu não sẽ dẫn đến đột quỵ.
Đột quỵ do rung nhĩ thường nặng nề hơn và có tiên lượng xấu hơn đột quỵ do nguyên nhân khác. Tỷ lệ mắc rung nhĩ tăng rõ theo tuổi: dưới 60 tuổi thì cứ 25 người thì mới có 1 người bị rung nhĩ, nhưng trên 80 tuổi thì cứ 10 người đã có 1 người bị rung nhĩ.
Khi phát hiện người bệnh bị rung nhĩ, bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ và quyết định biện pháp điều trị. Một số trường hợp có thể điều trị dứt điểm bằng đốt điện, sốc điện, tuy nhiên phần lớn người bệnh cần phải dùng thuốc kháng đông để ngăn chặn việc hình thành cục máu đông trong tiều nhĩ nhằm giảm thiểu nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên vì chủ quan hoặc chưa hiểu biết, không ít người bệnh rung nhĩ không tuân thủ việc sử dụng thuốc và các biện pháp dự phòng đột quỵ. Đã có trường hợp người bệnh phải nhập viện cấp cứu do đột quỵ trong tình trạng rất nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng của người bệnh nếu không được can thiệp kịp thời.
Tầm quan trọng của việc dự phòng đột quỵ ở người bệnh rung nhĩ1

TS.BS Nguyễn Bá Thắng khám cho người bệnh sau đột quỵ

Điển hình, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM tiếp nhận điều trị cho người bệnh N.T.M (52 tuổi, ngụ tại Long An). Bà M. được phát hiện rung nhĩ cách đây 10 năm trong một lần khám sức khỏe định kỳ, được chỉ định dùng thuốc kháng đông để dự phòng đột quỵ.
Cách đây một tuần, bà M. ngưng thuốc kháng đông để đi nhổ răng. Mặc dù sáng đó bà M. đã bắt đầu uống thuốc lại, nhưng gần trưa thì bất ngờ đột ngột liệt nửa người trái, méo miệng, nói đớ, được đưa đến BV cấp cứu.
Sau khi thăm khám đánh giá, Đội đột quỵ chẩn đoán bà M. bị đột quỵ có thể do thiếu máu não liên quan đến rung nhĩ. Bà M. được nhanh chóng chụp cắt lớp sọ não và mạch máu não, xác định tắc động mạch não giữa bên phải, được chuyển lên can thiệp nội mạch cấp cứu, lấy được cục máu đông, thông lại mạch máu.
Sau can thiệp, người bệnh hồi phục tốt, chỉ còn yếu nhẹ tay trái. Các bác sĩ đánh giá, nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ bị nhồi máu não diện rộng, hư hại gần một nửa não bộ, có thể phù não nặng nguy hiểm tính mạng, nếu sống sót cũng sẽ liệt nửa người và rối loạn lời nói. Sau khi tình trạng bệnh ổn định, người bệnh được chỉnh liều kháng đông cho phù hợp để tiếp tục dùng thuốc lâu dài.
GS.TS.BS Trương Quang Bình cho biết những đối tượng đã có sẵn bệnh lý về tim như nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim cục bộ lâu ngày, suy tim, cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim đều có thể dẫn đến tình trạng rung nhĩ. Bên cạnh đó, các bệnh lý ngoài tim như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và bệnh lý về tuyến giáp (đặc biệt là cường giáp) cũng là nguyên nhân gây rung nhĩ.
Ngoài ra, rung nhĩ còn có thể xảy ra ở những người sử dụng nhiều rượu bia, béo phì, bị nhiễm trùng nặng… Dấu hiệu thường gặp của rung nhĩ là nhịp tim không bình thường, gây hồi hộp, đánh trống ngực, đau tức ngực…
Cũng có những trường hợp người bệnh không biểu hiện triệu chứng. Vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ rất quan trọng, giúp phát hiện và điều trị bệnh sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Theo TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, một số trường hợp rung nhĩ có thể được chữa trị dứt điểm, người bệnh sẽ được sử dụng phương pháp sốc điện chuyển nhịp hoặc sử dụng can thiệp đốt điện trong buồng tim tiêu hủy ổ rung nhĩ, đưa nhịp tim trở lại bình thường. Tuy nhiên, đa số người bệnh vẫn sẽ phải sử dụng thuốc kháng đông, nhằm tránh tình trạng hình thành máu đông gây tắc nghẽn mạch máu.
Thuốc kháng đông mang lại hiệu quả rất cao khi có thể giảm được đến 80% nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, người bệnh cần sử dụng thuốc đúng liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đối với những trường hợp không thể sử dụng thuốc do có bệnh lý như loãng máu, dễ chảy máu, có thể sử dụng một phương pháp tiên tiến là bít một phần tiểu nhĩ để tránh hình thành máu đông.
TS.BS Nguyễn Bá Thắng khuyến cáo, đột quỵ không có dấu hiệu nhận biết trước nên người bệnh không nên chủ quan mà phải tự chủ động trang bị kiến thức để tự bảo vệ bản thân, giảm thiểu tối đa các nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ.
Đối với những người bệnh đã từng bị đột quỵ, tỷ lệ xảy ra đột quỵ tái phát rất cao, do đó người bệnh cần nâng cao ý thức dự phòng về sau. Nên có kế hoạch ăn uống, luyện tập để duy trì lối sống lành mạnh, tuân thủ điều trị của bác sĩ. Đối với những người bệnh đã phát hiện rung nhĩ, nên đến khám chuyên khoa tim mạch để đánh giá nguy cơ có thể gây đột quỵ. Tùy theo mức độ đánh giá, người bệnh sẽ được chỉ định những phương pháp điều trị và dự phòng đột quỵ phù hợp.
PV
TNO