23/01/2025

Một đại dịch thứ hai

Có một phương thuốc để phòng và chống căn bệnh dịch thứ nhì này, đã được loài người sử dụng từ mấy ngàn năm: Tình thương và sự hiểu biết. Hy vọng qua năm 2021 mọi người sẽ cùng nhau uống thứ thuốc đó!

Một đại dịch thứ hai

Tác giả: Ngô Nhân Dụng

Nguồn: voatiengviet.com (blog

Đeo khẩu trang tại Yangon, Myanmar, tháng 12, 2020. Hình minh họa.

Khi Đại dịch Covid-19 bắt phải ngồi ở nhà suốt ngày, tôi nghĩ mình nên đọc tiếp những cuốn tiểu thuyết đang đọc giở dang. Cuốn đầu tiên là “Núi Huyền Ảo,” The Magic Mountain của Thomas Mann (do John E. Woods dịch). Tôi đã đọc câu chuyện trong Bệnh viện trị lao phổi Berghof này từ hồi ở Montréal. Đã ngừng đọc, vài chục năm trước, sau đoạn chàng Hans Castorp tỏ tình (bằng tiếng Pháp) với Madame Clawdia Chauchat. Ngày hôm sau thì nàng trở về Nga, dù chưa khỏi bệnh. Tháng Hai năm nay, tôi nghĩ mình có thể đọc tiếp, vì sống cấm cung cũng chẳng khác gì Hans Castorp, từ Hamburg tính lên thăm bạn vài tuần lễ, rồi nhiễm bịnh và phải ở lại bảy năm trời giữa rặng núi Alpes huyền ảo.

Nhưng câu chuyện Der Zauberberg của Thomas Mann không giống cảnh cả loài người bị cầm chân vì bệnh dịch Covid-19 bây giờ. Phong cảnh vùng Davos ở Thụy Sĩ thần tiên quá! Sau khi người đẹp ra đi, chàng Castorp lại chỉ nghe nhiều cuộc đối thoại chứa chất đầy triết lý giữa giáo sư Settembrini người Ý và Naphta, một linh mục Dòng Tên gốc Do Thái. Những vấn đề họ tranh luận vào đầu thế kỷ 20 chẳng liên can gì đến cảnh loài người đang bị cấm cung không được ra khỏi nhà ở thế kỷ 21.

La Peste của Camus thích hợp hơn. Tình cờ, tôi thấy trong tủ sách bản in Sách Bỏ Túi cuốn truyện về thành phố Oran, Maroc, bị phong tỏa vì bệnh dịch, hồi đầu thập niên 1940. Đem ra đọc lại Bệnh Dịch Hạch từ đầu đến cuối, thông cảm với tình trạng “tự phong tỏa” của cả thế giới bây giờ.

Theo chân Bác sĩ Rieux, người kể chuyện, mình có thể tưởng tượng các nhân viên y tế thời nay đang cố gắng đối phó với loài vi khuẩn mới như thế nào. Nhưng có mấy điều hoàn toàn khác. Bệnh Dịch Hạch phát hiện ngay tại thành phố Oran chứ không phải từ bên Trung Quốc truyền qua. Loài người đã sống qua Bệnh Dịch Hạch rất nhiều lần trong lịch sử, đã biết nó thế nào và biết các biện pháp phải theo để phòng ngừa, các thứ thuốc men phải dùng. Cả thành phố Oran và thế giới chung quanh đồng tâm ngăn chặn, chống đỡ, tìm cách chấm dứt căn bệnh. Trong cơn bệnh dịch đó, Bác sĩ Rieux chứng kiến những bi hài kịch của loài người, và qua ông ta Albert Camus có dịp bày tỏ ý kiến, giống như Thomas Mann mượn lời Settembrini và Naphta.

Nhưng Covid-19 hoàn toàn khác Bệnh Dịch Hạch. Nó không thể giới hạn trong phạm vi một thành phố hay một nước. Loài vi khuẩn Corona tấn công cả thế giới bất ngờ, nhanh chóng, như vũ bão. Những vi khuẩn cùng dòng họ Corona đã giết người mấy cơn rồi, nhưng loài SARS-CoV-2 này nó khác lũ ông bà cha mẹ thuộc các thế hệ trước. Con người phải tìm hiểu hành tung loài vi khuẩn mới, phải bàn nhau làm thế nào để ngăn chặn chúng.

Các vấn đề này nghe thì rất giản dị. Chỉ khi loài người bắt đầu bàn cãi với nhau thì mới mới nảy ra những rắc rối. Nhiều người từ chối không công nhận có cơn bệnh dịch. Từ chối không tham dự việc phòng, chống. Thế giới chia thành hai phe. Phe này tố cáo phe kia hèn nhát, sợ hãi, bịa đặt ra căn bệnh, thổi phồng con số người chết, cố ý làm cho kinh tế ngưng trệ. Phe kia tố ngược lại, coi phe này là vô trách nhiệm. Cuối cùng, không phải chỉ cần đối phó với lũ vi khuẩn, loài người bắt buộc phải lo đối phó với nhau!

Trong nửa năm trời người ta phí thời giờ cãi nhau như vậy. Giống như một cuộc chiến tranh ý thức hệ! Và trong lúc tranh cãi trước công chúng, tìm cách lôi cuốn mọi người đồng ý với mình, người ta không ngại gì mà không dùng các thủ đoạn gian dối, phỉnh phờ, mạt sát và lừa đảo. Cuộc chiến nào cũng tạo ra những nạn nhân; nạn nhân lớn nhất là sự thật và lòng tin. Người ta không tin vào các chuyên gia y tế, các nhà khoa học. Người ta càng không tin vào những loan báo trên báo chí, truyền thanh, truyền hình.

Giữa cơn bệnh dịch Covid-19, một trận dịch mới lan ra nhanh chóng không kém: Khủng hoảng lòng tin. Con người không tin con người!

Trong truyện La Peste, anh Jean Tarrou là một nhà báo từ Paris đến Oran viết phóng sự trước khi bệnh dịch xuất hiện, rồi anh kẹt lại đó luôn. Chứng kiến những xáo trộn trong cuộc sống anh ví bệnh dịch hạch giống như một trận động đất. Một ông già làm nghề gác đêm không đồng ý: “Ah! Động đất còn đỡ. Người ta đếm ai chết, ai còn sống, rồi xong.” Người lao động, ít học này có cách ví von khác: “Nhưng cái bệnh dịch chó đẻ này nó khác! Cả những người không mắc bệnh cũng mang nó trong tim mình!”

Trong lòng. Trong đầu mình, nói theo lối người Việt. Trong tám tháng qua, chứng kiến cảnh tranh luận, chửi bới nhau vì Covid-19, chúng ta có lẽ không cảm thấy mình mang Coronavirus trong thân thể, nhưng trong đầu, trong lòng, bắt buộc phải mang căn bệnh dịch thứ nhì: Bệnh mất niềm tin.

Sau tám, chín tháng, sau khi 19 triệu người mắc bệnh, nhiều người vẫn còn không tin có bệnh dịch nguy hiểm. Nhiều người vẫn nói rằng Covid-19 là do giới truyền thông thổi phồng lên. Rằng 333 ngàn người Mỹ chết vì Covid là con số giả tạo. Tôi được nghe nhiều người rất thân thiết nói như vậy, nói quả quyết, thành khẩn, giọng nói bình tĩnh, không có dụng ý xấu nào, ngoài lời kết tội các báo, đài loan tin bịa đặt! Người ta vẫn đeo mạng che miệng khi nói với tôi những ý kiến đó. Người ta vẫn lo tự đề phòng không để mình nhiễm vi khuẩn, nhưng vẫn phủ nhận cơn bệnh dịch đang tiếp tục đe dọa thế giới.

Phải nói rằng nhiều người thấy họ cần lên tiếng phủ nhận tầm mức nguy hiểm của bệnh dịch Covid-19. Họ phải nói với người lạ, với người quen, người thân, để chứng tỏ rằng họ sáng suốt, bình tĩnh hơn, và có được những nguồn thông tin đứng đắn hơn. Giống như những tín đồ mới cải đạo muốn phô bày một niềm tin kiên cố, họ thấy cần phải “soi sáng” cho tất cả mọi người.

Có thứ tín ngưỡng nào đã tạo ra được đám tín đồ cuồng nhiệt như vậy?

Trong lịch sử, chúng ta đã chứng kiến những người tin tưởng cuồng nhiệt vào chủ nghĩa Quốc Xã của ông Hitler, đem hàng ngàn người khác, kể cả trẻ em, vào lò hỏa thiêu. Có những người ca ngợi Stalin “Đời đời cây đại thọ – Rợp bóng mát hòa bình – Đứng đầu sóng, ngọn gió!” Ở cấp độ nhỏ hơn, có những “Ông Đạo” ở Mỹ đã thu hút hàng ngàn tín đồ, họ sẵn sàng uống thuốc độc chết cùng với giáo chủ.

Căn bệnh vô minh, cuồng tín này chứa sẵn trong xã hội loài người. Những tay “tiên tri giả” vẫn thành công vì luôn luôn biết cách đánh trúng một nhu cầu sâu thẳm trong tâm hồn những người đang sẵn sàng mở lòng nghe. Căn bệnh dịch này lúc nào cũng tiềm ẩn sẵn sàng, chỉ nhân dịp có Covid-19 là được cơ hội bùng nổ và lan truyền. Nó tàn phá không khác gì động đất. Nó nguy hiểm hơn bệnh dịch hạch. Nó đè nặng trong lòng tất cả mọi người. Nó chia rẽ các gia đình, các xóm làng, các quốc gia. Đến khi bệnh Covid đã đi qua, căn bệnh dịch thứ nhì sẽ còn tiếp tục tàn phá.

Có một phương thuốc để phòng và chống căn bệnh dịch thứ nhì này, đã được loài người sử dụng từ mấy ngàn năm: Tình thương và sự hiểu biết. Hy vọng qua năm 2021 mọi người sẽ cùng nhau uống thứ thuốc đó!