Thứ Sáu, 25.12.2020
Rạng Đông
“Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy” (Lc 2,20).
Thứ Sáu, 25.12.2020
Rạng Đông
Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ rạng đông)
Lời Chúa
Is 62,11-12 • Tv 96,1 và 6.11-12 • Tt 3,4-7 • Lc 2,15-20
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca
Khi các thiên thần biến đi, thì các mục tử nói với nhau rằng: “Chúng ta sang Bêlem và coi xem sự việc đã xảy ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết”. Rồi họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ đã hiểu ngay lời đã báo về Hài Nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.
Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.
Sống Lời Chúa:
“Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy” (Lc 2,20).
Rạng Đông
“Rạng Đông” là thời điểm khởi đầu của ngày mới. Vào lúc này, vũ trụ trong lành tinh khôi, con người đầy năng lượng và hy vọng tràn trề nơi một ngày mới vừa khởi đầu.
Rạng đông cũng đem lại niềm vui cho con người. “Niềm vui” là chủ đề chính của các bài đọc trong Phụng vụ. Niềm vui nào vậy? Vì ơn Cứu độ đã tới (Ngôn sứ Isaia, Bài đọc 1); vì Vua hiển trị và ánh sáng bừng lên chiếu rọi (Thánh vịnh 96); vì Thiên Chúa biểu lộ lòng từ bi nhân ái của Người (Thánh Phaolô, Bài đọc 2) và nhất là niềm vui của những người chăn chiên tại đồng quê Bêlem (Bài Tin Mừng). Trời đất vạn vật cũng như con người đều vui mừng, vì “toàn cõi đất này đã được nhìn thấy ơn Cứu độ của Thiên Chúa chúng ta”.
Đức Giêsu Kitô đã đến trần gian để khai mở một kỷ nguyên mới. Ngày Người sinh hạ chính là rạng đông của kỷ nguyên này. Từ nay, Thiên Chúa với con người không còn cách biệt, nhưng “Ngôi Lời đã hoá thành xác thịt và cư ngụ giữa chúng ta”. Thiên Chúa đã cắm lều giữa loài người để chia sẻ với họ niềm vui nỗi buồn của cuộc đời nhân thế. Thiên Chúa cũng không còn là một vị thần nghiêm khắc, luôn kiểm soát và trừng phạt con người, nhưng là Cha yêu thương. Ngài muốn cho con người được hạnh phúc và được sống.
Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, người Kitô hữu chết đi cho tội và sống lại với Đức Kitô. Khi được dìm mình trong dòng nước tái sinh, họ trở nên tạo vật mới. Một kỷ nguyên mới cũng bắt đầu với Bí tích này. Con người cũ đã chết nhường chỗ cho con người mới, mang đậm nét hình ảnh của Chúa Giêsu.
Kitô hữu cũng được mời gọi lên đường, theo gương Chúa Giêsu để loan báo kỷ nguyên mới đã khởi đầu. Như những mục đồng tại Bêlem, chúng ta hãy tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì đã được chiêm ngưỡng Ngôi Lời nhập thể, Đấng đang hiện diện giữa chúng ta. Hôm nay, Đức Giêsu không còn hiện diện với hình hài một bé thơ, mà qua nhiều hình thức khác nhau: qua Lời Chúa, qua cộng đoàn tín hữu, qua những nghĩa cử sẻ chia và nhất là trong Bí tích Thánh Thể huyền nhiệm linh thiêng.
Sứ điệp mà người tín hữu được trao nhiệm vụ loan báo, đó là: Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta. Ngài là đấng Emmanuel, là nguyên lý hạnh phúc. Tuy vậy, chứng từ của người Kitô hữu chỉ có sức thuyết phục, khi được trình bày với niềm xác tín, nhất là qua cuộc sống tốt lành và tràn ngập yêu thương. Nhờ những chứng từ sống động này, một rạng đông mới đang khởi đầu.
+TGM. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam